Thứ 2, 25/11/2024, 00:35[GMT+7]

Ứng phó với biến đổi khí hậu - vấn đề cấp bách toàn cầu

Thứ 6, 04/08/2023 | 09:40:53
1,485 lượt xem
Thời gian qua, tại nhiều nơi trên thế giới, người dân phải đối phó những đợt nắng nóng kỷ lục do biến đổi khí hậu. Các nhà khoa học xác nhận tháng 7/2023 là tháng nóng nhất trong lịch sử, gây ảnh hưởng đến hàng chục triệu người. Chủ tịch Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28), ông Sultan Al Jaber kêu gọi Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đóng vai trò tiên phong trong nỗ lực ứng phó biến đổi khí hậu.

Người dân tránh nóng bên đài phun nước tại Quảng trường Trafalgar ở thủ đô London, Anh, ngày 17/6/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nhiều quốc gia trên thế giới liên tục đưa ra các cảnh báo đặc biệt về nắng nóng khi diễn biến tăng nhiệt của thời tiết tiếp tục gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống của người dân, thậm chí cướp đi sinh mạng của nhiều người.

Tại châu Á, Hàn Quốc ban bố cảnh báo sóng nhiệt ở hầu hết các vùng trên cả nước khi nắng nóng trở lại sau mùa mưa. Quốc hội Nhật Bản thông qua dự luật sửa đổi có tên là Luật Thích ứng với biến đổi khí hậu, đề ra mức “cảnh báo say nắng đặc biệt”, cao hơn mức cảnh báo say nắng thông thường hiện có. Cảnh báo đặc biệt này nhiều khả năng có hiệu lực từ mùa hè năm 2024, sẽ được ban hành trong trường hợp được cho là gây tổn hại sức khỏe nghiêm trọng do nhiệt độ cực cao.

Tại Anh, nguy cơ thời tiết cực đoan diễn ra với tần suất dày hơn làm dấy lên quan ngại về việc thiếu chuẩn bị của nước Anh để đối phó tình trạng biến đổi khí hậu. Giới chuyên gia, trong đó có cả các cố vấn khí hậu của Chính phủ Anh, cảnh báo các chính sách hiện nay không đủ để đáp ứng các cam kết giảm tới mức thấp nhất tình trạng biến đổi khí hậu.

Theo Cơ quan Khí tượng Anh, nhiệt độ tại Anh lần đầu vượt ngưỡng 40oC, lên tới 40,3oC trong năm 2022, buộc Chính phủ phải ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia do nắng nóng kéo theo cháy rừng, phá hủy nhà cửa và khiến nhiều người chết. Nước Anh cũng vừa trải qua tháng 6 nóng nhất từ trước đến nay.

Người đứng đầu bộ phận khoa học thuộc tổ chức môi trường Friends of the Earth nhấn mạnh, tính cấp thiết của việc đưa ra các biện pháp để vừa có thể cắt giảm khí phát thải, vừa chuẩn bị sẵn sàng đối phó thời tiết cực đoan.

Trong khi đó, tại châu Mỹ, Bộ Y tế Mexico cho biết, số ca tử vong ở Mexico do nắng nóng cực đoan đã lên tới 249 người trong bốn tháng qua. Một số bang của Mexico ghi nhận mức nóng kỷ lục, khi nhiệt độ lên tới 45oC. Các bang dọc biên giới Mexico-Mỹ phải hứng chịu đợt nắng nóng cường độ cao do hiện tượng thời tiết “vòm nhiệt” gây ra.

Các đợt nắng nóng xảy ra thường xuyên cao hơn hai lần so với mức trung bình ở Trung Á và châu Âu khiến Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cảnh báo, 92 triệu trẻ em, chiếm một nửa dân số trẻ của khu vực này, có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi thời tiết nắng nóng gay gắt. Theo Giám đốc UNICEF khu vực châu Âu và Trung Á, các nước tại các khu vực này đang cảm thấy sức nóng của cuộc khủng hoảng khí hậu.

Tình trạng tăng nhiệt ở các đại dương cũng đáng báo động. Trên phạm vi toàn cầu, nhiệt độ trung bình tại các đại dương thường xuyên lập các mốc kỷ lục mới theo mùa, kể từ tháng 4 vừa qua. Khu vực Địa Trung Hải - nơi hứng chịu nhiệt độ kỷ lục trong tháng 7 vừa qua - được coi là điểm nóng của biến đổi khí hậu. Theo Viện Khoa học đại dương của Tây Ban Nha, nhiệt độ trên Địa Trung Hải đã lên mức cao kỷ lục 28,71oC ngày 24/7 vừa qua, trong bối cảnh nắng nóng cực đoan hoành hành ở châu Âu.

Cơ quan Khí quyển và Đại dương quốc gia Mỹ (NOAA) cho biết, sau khi Địa Trung Hải ghi nhận mức cao kỷ lục mới về nhiệt độ, khu vực Bắc Đại Tây Dương cũng đã đạt mức nóng chưa từng có trong tuần qua, sớm hơn vài tuần so với thời điểm thường ghi nhận mức nhiệt cao nhất hằng năm tại đây.

Trong bối cảnh nêu trên, các nền kinh tế G20, vốn tạo ra tới 80% lượng khí thải nhà kính toàn cầu, gánh trên vai trách nhiệm đi đầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Chủ tịch COP28 kêu gọi các nước G20 đoàn kết và hợp tác nhằm tăng quy mô sử dụng năng lượng tái tạo, khử carbon toàn diện hệ thống năng lượng và xây dựng một hệ thống không sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm khí thải, bảo vệ môi trường là những vấn đề cấp bách toàn cầu cần làm ngay, không thể chậm trễ.

Theo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày