Thứ 5, 02/05/2024, 15:52[GMT+7]

Làn sóng dịch Covid-19 lại “manh nha” tại nhiều quốc gia trên thế giới

Chủ nhật, 20/08/2023 | 13:27:40
1,501 lượt xem
Dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp với số ca mắc mới trong tháng 7 vừa qua trên toàn thế giới đã tăng tới 80% so với tháng trước đó. Các hình thái thời tiết cực đoan và sự gián đoạn hoạt động y tế do người lao động đình công càng làm trầm trọng thêm những áp lực với hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn cầu.

Ảnh minh họa. Nguồn: Reuters

VIRUS SARS-CoV-2 từng biến đổi nhiều lần, dẫn đến sự xuất hiện của nhiều biến thể mới và đe dọa làm bùng phát một làn sóng dịch vào bất cứ thời điểm nào. Mới đây, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố báo cáo cho biết, trong tháng 7 vừa qua, số ca mắc mới Covid-19 trên toàn thế giới đã tăng tới 80% so với tháng trước đó, chỉ vài ngày sau khi tổ chức này xác định biến thể mới EG.5 của Omicron là rất “đáng quan tâm”.

Phần lớn ca nhiễm mới tập trung tại khu vực Tây Thái Bình Dương, với số ca mắc mới tăng tới 137%. Một số quốc gia như Mỹ, Anh, Pháp, Nhật Bản... ghi nhận số ca mắc mới tăng mạnh trong vài tuần qua. Lần đầu tiên kể từ đầu năm 2023, số ca nhập viện do Covid-19 tăng lên ở Mỹ. Còn ở Hàn Quốc, số ca mắc mới đã tăng trong tuần thứ 5 liên tiếp.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố báo cáo cho biết, trong tháng 7 vừa qua, số ca mắc mới Covid-19 trên toàn thế giới đã tăng tới 80% so với tháng trước đó, chỉ vài ngày sau khi tổ chức này xác định biến thể mới EG.5 của Omicron là rất “đáng quan tâm”.


Lý giải về sự “manh nha” của làn sóng dịch Covid-19 mới trong thời gian gần đây ở một số quốc gia, giới chuyên gia cho rằng, các biến thể mới dường như dễ lây truyền hơn các biến thể từng lưu hành, có thể là do đột biến protein. 

Người dân gia tăng hoạt động đi lại và tương tác xã hội trong dịp nghỉ hè cũng góp phần làm tăng số ca mắc. 

Bên cạnh đó, do nắng nóng gay gắt, người dân có xu hướng lưu lại lâu hơn trong các môi trường trong nhà có điều hòa không khí, vốn có điều kiện thông gió kém. Đây cũng là nguyên nhân thúc đẩy sự lây lan dịch bệnh. 

Bởi vậy, giới chức y tế tiếp tục kêu gọi người dân cảnh giác, nhất là những đối tượng dễ bị tổn thương.

Hệ thống y tế toàn cầu cũng đang trong giai đoạn khó khăn khi các đợt sóng nhiệt kỷ lục xảy ra ở hàng loạt quốc gia, gây ra hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe người dân, trong đó có những ca tử vong hoặc tàn tật. 

Theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), 76% số trẻ em dưới 18 tuổi ở Nam Á, tương đương 460 triệu em, phải tiếp xúc với nhiệt độ cực cao. Để bảo vệ trẻ em, UNICEF khuyến nghị các chính phủ đầu tư chăm sóc sức khỏe ban đầu để giúp phòng ngừa, hành động sớm ứng phó các bệnh liên quan đến nhiệt ở trẻ em.

Hiện tượng thời tiết cực đoan chính là bằng chứng rõ ràng nhất về tác động của biến đổi khí hậu đối với hành tinh xanh. Chừng nào khí thải gây hiệu ứng nhà kính vẫn chưa được hạn chế, các hình thái thời tiết khắc nghiệt, bất thường sẽ diễn ra với mức độ nghiêm trọng ngày càng tăng. Những ngày qua, nhiều quốc gia ghi nhận số người nhập viện do nắng nóng tăng cao.

Bộ Y tế Mexico cho biết, số ca tử vong trên khắp Mexico do nắng nóng cực đoan đã lên tới 249 người trong bốn tháng qua.

Tại Hàn Quốc, có tổng cộng 1.984 trường hợp gặp các vấn đề về sức khỏe do nắng nóng kể từ đầu năm 2023 đến ngày 7/8 vừa qua, tăng 1,5 lần so với mức của cùng kỳ năm 2022. 

Trong khi đó, dịch vụ chăm sóc y tế ở một số quốc gia lại bị gián đoạn bởi các cuộc đình công của nhân viên y tế yêu cầu tăng lương, cải thiện điều kiện làm việc. Làn sóng đình công khiến các dịch vụ thăm khám, điều trị thường ngày gần như bị đình trệ. 

Tại Anh, nơi hệ thống y tế công đang đối mặt cuộc khủng hoảng nhân lực, chính phủ đã đặt ra ưu tiên của năm 2023 là giảm danh sách bệnh nhân chờ đợi khám, chữa bệnh của Dịch vụ y tế quốc gia (NHS) và bảo đảm mọi người dân sẽ được chăm sóc nhanh hơn. 

Cùng với sự gia tăng về mức độ ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học, dân số..., ngày càng xuất hiện nhiều nguy cơ với sức khỏe cộng đồng. Mới đây, Bộ Ngoại giao Mỹ đã thành lập một cơ quan có nhiệm vụ tập hợp sức mạnh của cộng đồng quốc tế để ngăn ngừa các mối đe dọa y tế sau đại dịch Covid-19. Nêu cao tinh thần cảnh giác và xây dựng hệ thống chăm sóc y tế có sức chống chịu tốt hơn trước khủng hoảng là yêu cầu cấp bách của mọi quốc gia.

Theo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày