Thứ 6, 22/11/2024, 06:10[GMT+7]

Kinh tế châu Âu đối mặt nhiều lực cản

Chủ nhật, 10/09/2023 | 19:12:52
1,368 lượt xem
Các số liệu thống kê vừa được công bố cho thấy tỷ lệ lạm phát phi mã, hoạt động sản xuất đình trệ, số doanh nghiệp phá sản tăng cao... đã tạo ra lực cản lớn, chặn đà phục hồi của các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU). Trong bối cảnh đó, nhiều biện pháp hỗ trợ được tích cực triển khai nhằm tạo động lực tăng trưởng cho nền kinh tế.

Các công nhân ngồi trước biểu ngữ có dòng chữ "Ngăn chặn con quái vật lạm phát" khi họ đình công đòi tăng lương tại bến cảng ở Hamburg, Đức, ngày 9/6/2022. Ảnh: REUTERS

Hoạt động kinh tế ở Khu vực đồng euro (Eurozone) tiếp tục giảm sâu khi sự sụt giảm của ngành sản xuất đã lan sang khu vực dịch vụ. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Eurozone, do Ngân hàng Hamburg Commercial Bank của Đức phối hợp S&P Global tổng hợp, giảm từ mức 48,6 trong tháng 7 xuống còn 47 vào tháng 8. Đây là chỉ số PMI thấp nhất trong vòng 3 năm qua tại Eurozone. 

PMI vốn được coi là thước đo quan trọng phản ánh "sức khỏe" của nền kinh tế. Nền kinh tế chỉ được công nhận là tăng trưởng khi chỉ số này vượt ngưỡng 50 điểm. Vì vậy, việc chỉ số PMI của Eurozone ngày càng giảm làm gia tăng lo ngại về tốc độ tăng trưởng trong những tháng tới. 

Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde thừa nhận, triển vọng kinh tế trong ngắn hạn của Eurozone đã xấu đi nhiều. Lạm phát cao và điều kiện tài chính thắt chặt đang khiến chi tiêu giảm sút.

Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) cho biết, số vụ tuyên bố phá sản ở EU trong quý II năm 2023 tăng quý thứ 6 liên tiếp, chạm mức cao nhất kể từ khi Eurostat bắt đầu thống kê dữ liệu này vào năm 2015. Theo đó, trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6, số lượng công ty ngừng hoạt động tăng 8,4% so mức của quý I. Số hồ sơ phá sản tăng trong tất cả các lĩnh vực, song mức tăng nhiều nhất được ghi nhận ở các ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống, vận chuyển và kho bãi, giáo dục, y tế. 

Giới chuyên gia cho rằng, nguyên nhân chính khiến nhiều doanh nghiệp EU phá sản là do nền kinh tế thiếu động lực tăng trưởng trong khi các gói hỗ trợ giai đoạn đại dịch Covid-19 đã chấm dứt.

Lạm phát cao dai dẳng cũng là một trong những hòn đá tảng cản trở đà phục hồi của nền kinh tế châu Âu. Để chặn đà tăng giá, từ mùa hè năm 2022 đến nay, ECB đã tăng lãi suất 9 lần, góp phần đưa lạm phát tại Eurozone giảm một nửa từ mức đỉnh 10,6%. 

Tuy nhiên, trong tuyên bố mới đây, Chủ tịch ECB Christine Lagarde tuyên bố, mặc dù đã đạt được nhiều tiến bộ nhưng cuộc chiến chống lạm phát tại EU vẫn chưa giành được thắng lợi. Số liệu do Eurostat vừa công bố cho thấy, lạm phát tại Eurozone tiếp tục duy trì ở mức 5,3% trong tháng 8, cao hơn 2 lần so mức mục tiêu 2% mà ECB đề ra.

Bà Lagarde khẳng định, dù nhìn từ bề ngoài lạm phát có vẻ chậm lại nhưng rủi ro vẫn tồn tại, đồng thời để ngỏ khả năng ngân hàng này tăng lãi suất lần thứ 10 tại cuộc họp chính sách tiền tệ tiếp theo vào ngày 14/9 tới.

Giới phân tích nhận định, trong bức tranh u ám của nền kinh tế châu Âu, kinh tế Đức đóng góp nhiều gam màu xám. Quốc gia đầu tàu EU ghi nhận mức tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 0% trong quý II vừa qua, sau khi rơi vào suy thoái kỹ thuật hồi đầu năm. Ngành công nghiệp, vốn là động lực tăng trưởng quan trọng của Đức, bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề trong những tháng gần đây khi xuất khẩu giảm mạnh trong bối cảnh lạm phát cao và nền kinh tế toàn cầu trì trệ. Viện nghiên cứu kinh tế Ifo thông báo, chỉ số niềm tin kinh doanh của Đức đã giảm xuống còn 85,7 điểm trong tháng 8 từ mức 87,4 điểm của tháng 7. 

Thách thức liên tiếp ập tới đang làm chao đảo nền kinh tế EU. Tuy nhiên, nhiều biện pháp hỗ trợ đang tích cực được triển khai để giúp con tàu kinh tế khu vực vượt bão. 

Liên minh cầm quyền tại Đức vừa thông qua kế hoạch 10 điểm nhằm tạo động lực phát triển đất nước, trong đó đặc biệt chú trọng lĩnh vực kinh tế. Một trong những điểm nổi bật của kế hoạch là việc giảm thuế 7 tỷ euro/năm cho các doanh nghiệp, nhằm hỗ trợ nền kinh tế đồng thời tạo môi trường kinh doanh thuận lợi để thu hút đầu tư. Ngoài ra, Berlin cũng khẳng định sẽ thúc đẩy số hóa để có thể đi đầu trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, thu hút lực lượng lao động lành nghề trong bối cảnh nước Đức đang thiếu nhân lực chất lượng cao ở hầu hết các lĩnh vực, đẩy nhanh quy trình lập kế hoạch và cấp phép cho các dự án đầu tư… 

Bên cạnh Đức, nhiều nước thành viên EU khác cũng khẳng định quyết tâm vực dậy nền kinh tế. Trong cuộc trả lời phỏng vấn tạp chí Le Point mới đây, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cam kết sẽ thực hiện những cải cách quan trọng, nhằm thúc đẩy tăng trưởng và giảm tỷ lệ thất nghiệp xuống còn 5%. 

Bên cạnh thách thức về lạm phát, sản xuất đình trệ, trong những tháng cuối năm 2023, nền kinh tế EU có thể tiếp tục đối mặt nhiều biến động do tác động từ các cuộc xung đột, biến đổi khí hậu, sự suy giảm kinh tế thế giới. Giới phân tích kỳ vọng, những cải cách quyết liệt của chính phủ các nước sẽ sớm được triển khai, mang đến cơ hội rộng mở hơn cho tiến trình phục hồi và tăng trưởng trong khu vực.

Theo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày