Chủ nhật, 05/01/2025, 10:16[GMT+7]

Tiến trình mở rộng EU còn trắc trở

Chủ nhật, 17/09/2023 | 11:08:36
1,362 lượt xem
Tiến trình mở rộng Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục nhận được sự quan tâm của dư luận. Đây là nội dung quan trọng được thảo luận tại các cuộc họp sắp tới của Liên minh cờ xanh và dự kiến sẽ làm nóng các cuộc đàm phán, do bất đồng giữa các nước thành viên về việc kết nạp thành viên mới.

Cờ Liên minh châu Âu (EU). Ảnh: Reuters

Trong phát biểu mới đây, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho biết, tháng 10 tới, các nhà lãnh đạo khối sẽ thảo luận kế hoạch mở rộng. Ngoài ra, Hội nghị cấp cao EU-Tây Balkan, dự kiến vào tháng 12 tới, được kỳ vọng sẽ thúc đẩy đàm phán về vấn đề kết nạp các nước Tây Balkan. Khẳng định việc kết nạp thêm thành viên không nên là giấc mơ, mà phải là mục tiêu rõ ràng, ông Charles Michel nhấn mạnh EU cần sẵn sàng cho việc mở rộng vào năm 2030.

Lần mở rộng mới nhất của EU diễn ra cách đây 10 năm. Sau khi Croatia gia nhập vào năm 2013, EU chưa kết nạp thêm thành viên. 

Lần mở rộng mới nhất của EU diễn ra cách đây 10 năm. Sau khi Croatia gia nhập vào năm 2013, EU chưa kết nạp thêm thành viên. Hiện sáu quốc gia Tây Balkan, gồm Albania, Bosnia và Herzegovina, Kosovo, Montenegro, Bắc Macedonia và Serbia, đang ở các giai đoạn khác nhau trong tiến trình gia nhập khối.

Năm 2022, Moldova và Ukraine cũng được trao tư cách ứng cử viên. Cả hai nước đều nóng lòng thúc giục Brussels bật đèn xanh để khởi đầu quá trình đàm phán gia nhập chính thức vào cuối năm nay. Trong khi đó, Gruzia vẫn chờ được công nhận tư cách ứng cử viên.

Việc mở rộng EU nhận được sự ủng hộ của nhiều quốc gia thành viên. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng, đã đến lúc EU cần chấp nhận “mô hình đa tốc độ” để sớm kết nạp các ứng cử viên đủ tư cách. Thủ tướng Đức Olaf Scholz nhấn mạnh, EU nên thực hiện những lời hứa đã đưa ra với các nước ứng cử viên. Lãnh đạo các quốc gia thành viên khác, như Italia, Séc, Ba Lan, Hungary và Slovakia, cũng bày tỏ mong muốn thúc đẩy tiến trình kết nạp các nước Tây Balkan vì lợi ích kinh tế và an ninh của khối.

Tuy nhiên, tiến trình mở rộng EU vấp phải nhiều ý kiến e ngại. Các nước vùng Balkan đã chờ đợi tham gia “mái nhà chung EU” nhiều năm qua. Albania nộp đơn xin gia nhập vào năm 2009 và được trao tư cách ứng cử viên từ năm 2014. Serbia được trao tư cách ứng cử viên vào năm 2012. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, việc kết nạp các nước Tây Balkan còn đối mặt thách thức. Bất ổn và những mâu thuẫn chưa được giải quyết giữa các nước, cùng sự chênh lệch về trình độ phát triển là trở ngại chính. Hiện 7 trong số 8 quốc gia ứng cử viên có GDP bình quân đầu người thấp hơn cả thành viên nghèo nhất EU. Việc kết nạp thêm các thành viên có khoảng cách phát triển quá xa có thể làm tăng những mắt xích yếu trong liên minh.

Để hoàn tất việc gia nhập EU, các ứng viên phải đáp ứng tiêu chuẩn trong nhiều lĩnh vực, từ tư pháp đến kinh tế và đối ngoại, đồng thời giải quyết xong những xung đột song phương.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel

Chủ tịch Hội đồng châu Âu khẳng định, để hoàn tất việc gia nhập EU, các ứng viên phải đáp ứng tiêu chuẩn trong nhiều lĩnh vực, từ tư pháp đến kinh tế và đối ngoại, đồng thời giải quyết xong những xung đột song phương. Ngoài ra, các nước có nguyện vọng gia nhập cần áp dụng các giá trị cơ bản của EU về “quyền và phẩm giá, dân chủ và đoàn kết”. Ông Michel nhấn mạnh, tư cách thành viên EU mang đến cả lợi ích và trách nhiệm. Để gánh vác trách nhiệm và thu lợi ích trong một môi trường cạnh tranh khốc liệt, các nước cần có sự chuẩn bị tốt.

Một số nước EU lo ngại, tăng số lượng thành viên có thể làm tăng áp lực với ngân sách EU và làm phức tạp thêm chính sách viện trợ khu vực cũng như quy trình ra quyết định của khối. Hơn nữa, EU cũng đang căng mình giải quyết hàng loạt thách thức, như khủng hoảng năng lượng, lạm phát, kinh tế đình trệ. 

EU cần thực hiện một số cải cách và chuẩn bị tốt hơn cho tiến trình mở rộng.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel

Chủ tịch Hội đồng châu Âu chia sẻ với ý kiến của Tổng thống Pháp cho rằng, EU nên cải cách trước lần mở rộng tiếp theo. Ông Charles Michel nhấn mạnh, EU cần thực hiện một số cải cách và chuẩn bị tốt hơn cho tiến trình mở rộng.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz từng khẳng định, mở rộng EU sẽ giúp gia tăng tầm ảnh hưởng của khối trong các vấn đề toàn cầu. Tuy nhiên, EU mở rộng tới quốc gia nào vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ. Theo giới chuyên gia, câu trả lời phụ thuộc phần lớn vào những cải cách cần thiết của các nước xin gia nhập nhằm đáp ứng tiêu chí của EU.

Theo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày