Thứ 2, 25/11/2024, 06:15[GMT+7]

Điểm sáng trong bức tranh kinh tế thế giới

Thứ 6, 20/10/2023 | 16:31:58
1,341 lượt xem
Trong báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu (WEO) vừa công bố, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2023 của nhiều nền kinh tế trên thế giới. Chỉ một số ít nền kinh tế, trong đó có Mỹ, Nhật Bản, Ấn Ðộ và Nga, đi ngược xu hướng này. Những tín hiệu tích cực của một số nền kinh tế được kỳ vọng góp phần làm sáng sủa bức tranh kinh tế toàn cầu.

Người dân mua sắm tại một chợ ở Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo dự báo của IMF, kinh tế Mỹ tăng trưởng 2,1% trong năm 2023 và 1,5% trong năm 2024, lần lượt tăng 0,3 và 0,5 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 7. Trong nhóm các nền kinh tế phát triển, kinh tế Mỹ sẽ ngày càng chênh lệch rõ rệt so với Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) khi khu vực này chỉ tăng trưởng 0,7% trong năm 2023, thấp hơn 0,2 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 7 và suy giảm mức 1,2% trong năm 2024.

Theo nhà kinh tế trưởng Pierre-Olivier Gourinchas của IMF, có rất nhiều nguyên nhân nới rộng khoảng cách giữa các nền kinh tế hai bờ Ðại Tây Dương, nhưng nguyên nhân hàng đầu là cuộc xung đột tại Ukraine. Không giống Eurozone, Mỹ là nhà xuất khẩu năng lượng ròng nên thu lợi nhuận nhiều hơn khi giá năng lượng tăng. Bên cạnh đó, chi tiêu tiêu dùng tại Mỹ ổn định hơn, ít chịu tác động từ các biện pháp tăng lãi suất do tỷ lệ nợ thế chấp dài hạn cao hơn và các biện pháp hỗ trợ tài chính thời kỳ Covid-19 tại Mỹ cũng “hào phóng” hơn.

Nền kinh tế Mỹ được cho là về cơ bản sẽ tránh được kịch bản suy thoái nhờ thị trường lao động ổn định và áp lực lương ở mức vừa phải. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen bày tỏ tiếp tục hy vọng kinh tế Mỹ sẽ có “cú hạ cánh mềm”, vừa kiềm chế được lạm phát, vừa tránh được suy thoái, bất chấp những rủi ro mới phát sinh như cuộc xung đột giữa phong trào Hamas và Israel.

Cũng trong nhóm G7, IMF đã nâng đáng kể dự báo tăng trưởng kinh tế Nhật Bản lên mức 2% trong năm 2023, nhờ tăng thu từ du lịch trong nước và quốc tế, cùng với các chính sách thích nghi, cũng như sự phục hồi trong hoạt động xuất khẩu ô-tô của đất nước Mặt trời mọc. Còn tại Nam Á, Ấn Ðộ được đánh giá có triển vọng tốt trong nhóm các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển, với dự báo tăng trưởng 6,3% trong năm 2023.

Ðiểm sáng đáng chú ý là nền kinh tế Nga có sức bền cao hơn nhiều so với dự báo của nhiều nhà kinh tế. IMF nâng dự báo mức tăng trưởng của nền kinh tế này lên 2,2% trong năm 2023, tăng 0,7 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 7. Theo IMF, điều này là do Chính phủ Nga đã có những biện pháp kích thích tài khóa đáng kể, đầu tư mạnh và tiêu dùng ổn định. IMF dự báo thâm hụt tài khóa Nga ở mức 3,7% trong năm 2023, tăng so mức năm 2022, nhưng giảm đáng kể so với dự báo hồi tháng 7.


Ðiều này một phần là nhờ các khoản thu thuế tốt hơn mong đợi, doanh thu từ dầu mỏ và khí đốt tăng khi đồng ruble giảm giá. Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng khẳng định nền kinh tế nước này vững vàng bất chấp các lệnh trừng phạt của phương Tây. Thu nhập thực tế của người dân Nga đã tăng hơn 12%, trong khi thu nhập của người dân ở châu Âu giảm.

Theo Tổng thống Nga, GDP của Nga đã đạt mức tương đương năm 2021, nhiều chỉ số then chốt của nền kinh tế thể hiện tốt hơn kỳ vọng. GDP của Nga từng được dự báo sẽ suy giảm trong năm nay, nhưng đã được điều chỉnh thành tăng trưởng 1,2%. Tuy nhiên, Tổng thống Nga cũng thừa nhận các vấn đề kinh tế của nước này, như tình trạng thiếu lao động và lạm phát.

Với nền kinh tế Ukraine vốn bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi xung đột, IMF có đánh giá tích cực hơn, khi nâng dự báo tăng trưởng năm 2023 lên mức 2% và kỳ vọng GDP tăng 3,2% trong năm 2024. Ðây là tín hiệu tích cực, bởi trong báo cáo hồi tháng 7, IMF dự báo kinh tế Ukraine suy giảm 3% trong năm 2023. Triển vọng kinh tế Ukraine cải thiện nhờ nhu cầu trong nước tăng mạnh hơn dự kiến, khi các doanh nghiệp và hộ gia đình Ukraine thích ứng với cuộc xung đột, lạm phát giảm dần và thị trường ngoại hối ổn định.

Chịu tác động mạnh từ dịch Covid-19 và các cuộc xung đột, song theo IMF, kinh tế toàn cầu đã cho thấy “sức bền đáng kể”, vừa tiếp tục phục hồi sau đại dịch, vừa khắc phục được tác động của xung đột tại Ukraine và khủng hoảng chi phí sinh hoạt. Kinh tế thế giới tiếp tục đối mặt không ít rủi ro, song những tín hiệu tích cực từ các nền kinh tế lớn là động lực để các quốc gia duy trì các biện pháp kiềm chế lạm phát và đưa ra các gói kích thích kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng.

Theo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày