Thứ 6, 22/11/2024, 14:57[GMT+7]

Xung đột Hamas-Israel: Lo ngại nguy cơ thảm họa nhân đạo tại Dải Gaza

Thứ 7, 21/10/2023 | 12:56:09
2,765 lượt xem
Hiện cộng đồng quốc tế liên tục kêu gọi tạo điều kiện để đưa hàng hóa cứu trợ từ bên ngoài qua cửa khẩu Rafah trên biên giới Ai Cập vào Dải Gaza.

Hàng viện trợ nhân đạo của LHQ cho người dân Dải Gaza được chuyển lên máy bay của Không quân Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất tại sân bay quốc tế Dubai để tới Ai Cập, ngày 19/10/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 20/10, người đứng đầu Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) Filippo Grandi cảnh báo bất kỳ sự leo thang căng thẳng nào trong các hoạt động quân sự tại Dải Gaza đều là “thảm họa” đối với người dân ở khu vực này.

Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, trao đổi với báo giới, ông Grandi khẳng định mọi bước leo thang các hoạt động quân sự sẽ là thảm họa với người dân tại Dải Gaza.

Quan chức này đồng thời cảnh báo cuộc xung đột giữa Israel và Phong trào Hồi giáo Hamas kiểm soát Dải Gaza nếu lan sang Liban và các khu vực khác có thể sẽ gây ra “hậu quả khôn lường.”

Xung đột bùng phát từ ngày 7/10 đã khiến hàng nghìn người Israel và Palestine thiệt mạng. Israel đã phong tỏa hoàn toàn Dải Gaza, cắt nguồn cung nhu yếu phẩm và năng lượng cho vùng đất này, khiến tình hình nhân đạo tại đây xuống cấp nghiêm trọng. 

Hiện cộng đồng quốc tế liên tục kêu gọi tạo điều kiện để đưa hàng hóa cứu trợ từ bên ngoài qua cửa khẩu Rafah trên biên giới Ai Cập vào Dải Gaza. Đây là điểm duy nhất đi vào Gaza mà không nằm trong sự kiểm soát của Israel.

Trong diễn biến liên quan cùng ngày 20/10, Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc phụ trách điều phối các vấn đề nhân đạo và cứu trợ khẩn cấp Martin Griffiths cho biết chuyến hàng viện trợ đầu tiên tới Dải Gaza thông qua cửa khẩu Rafah với Ai Cập sẽ được thực hiện “trong những ngày tới.”

Ông nêu rõ: “Chúng tôi đang đàm phán tích cực với các bên liên quan để đảm bảo hoạt động viện trợ ở Dải Gaza có thể bắt đầu một cách sớm nhất có thể. Đợt phân phối đầu tiên sẽ bắt đầu vào ngày mai hoặc sau đó.”

Hiện nay, hàng viện trợ thiết yếu của cộng đồng quốc tế vẫn xếp hàng dài ở bên phía Ai Cập để chờ vào Dải Gaza. Người dân Palestine ở dải đất này đang rất cần nước sạch và thực phẩm.

Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, ngày 20/10, đã đến cửa khẩu biên giới Rafah giữa Ai Cập và Dải Gaza ở phía bắc bán đảo Sinai, để giám sát các nỗ lực nhằm thúc đẩy cung cấp viện trợ nhân đạo qua biên giới vào dải đất ven biển này của Palestine.

Người phát ngôn của Liên hợp quốc cho biết trong một bài đăng trên mạng xã hội, trong gần hai tuần qua, Dải Gaza đã không nhận được bất kỳ chuyến hàng tiếp tế nào bao gồm nhiên liệu, thực phẩm, nước uống và thuốc men. 

Liên hợp quốc đang tập trung mọi nỗ lực cho hoạt động nhằm cung cấp viện trợ nhân đạo quan trọng và lâu dài cho người dân Dải Gaza.

Người đứng đầu Liên hợp quốc khẳng định những chuyến xe tải này cần phải di chuyển nhanh nhất và nhiều nhất có thể để chuyển hàng cứu trợ cho người dân Dải Gaza, tuy nhiên để làm được điều đó thì phải có “những nỗ lực bền bỉ.”

Trước khi hạ cánh xuống Ai Cập, ông Guterres đã kêu gọi hỗ trợ nhân đạo cho dân thường ở Dải Gaza, bao gồm các dịch vụ và nhu yếu phẩm thiết yếu.

Phát biểu trên mạng xã hội X, ông Guterres tuyên bố đang ở Ai Cập với sứ mệnh nhân đạo và chứng kiến công tác chuẩn bị cung cấp hỗ trợ lớn cho dân thường ở Dải Gaza. Ông kêu gọi các nhà nhân đạo cần phải tiếp nhận được hàng viện trợ và có thể phân phát cho người dân một cách an toàn. 

Theo ông Guterres, Liên hợp quốc cần viện trợ thực phẩm, nước uống, thuốc men và nhiên liệu ngay bây giờ với số lượng lớn và phải duy trì hoạt động này lâu dài.

Trong khi đó, một số xe tải từ Tổ chức Trăng lưỡi liềm Đỏ Ai Cập và Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) đã đến cửa khẩu Rafah vào sáng ngày 20/10.

Những chiếc xe tải chở đầy thuốc thiết yếu, thực phẩm và dinh dưỡng dành cho trẻ em - hiện đang xếp hàng bên phần lãnh thổ Ai Cập để chờ tiến vào Dải Gaza. Công việc sửa chữa và mở đường đang được tiến hành tại cửa khẩu Rafah để cho hàng viện trợ nhân đạo vào Dải Gaza.

Liên quan đến vấn đề con tin, Quân đội Israel (IDF) cùng ngày thông báo hầu hết trong số khoảng 200 con tin bị lực lượng Hamas bắt cóc và đưa về Dải Gaza hiện còn sống. 

Theo IDF, trong số đó có hơn 20 con tin là trẻ em và khoảng 10-20 con tin là người trên 60 tuổi. Ngoài ra, còn có khoảng 100-200 người đang bị coi là mất tích sau vụ tấn công hôm 7/10 của Hamas.

Đại sứ Nga tại Israel Anatoly Viktorov cho biết Moskva đang liên lạc với Hamas để giải thoát các con tin bị nhóm này bắt và hiện giam giữ ở Dải Gaza.

Liên quan đến cuộc xung đột Hamas-Israel, ngày 20/10, Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman và Tổng thống Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) Mohammed bin Zayed Al Nahyan đã có cuộc gặp riêng tại Riyadh để thảo luận về tình hình hiện nay.

Cuộc gặp diễn ra bên lề Hội nghị thượng đỉnh Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) - Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC). 

Tại hội nghị, ASEAN và GCC và đã kêu gọi Israel và Hamas ngừng bắn, phóng thích các con tin dân thường và tiếp tục theo đuổi giải pháp hai nhà nước cho vấn đề Palestine.

Giới quan sát ghi nhận hiếm khi diễn ra một cuộc gặp công khai giữa lãnh đạo Saudi Arabia và UAE trong những năm gần đây, bởi hai quốc gia Vùng Vịnh này theo đuổi nhiều lợi ích khác nhau trong khu vực.

Ai Cập phản đối một cuộc di cư ồ ạt từ Dải Gaza

Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El-Sisi ngày 20/10 nhấn mạnh Ai Cập sẽ không cho phép một cuộc di cư dân sự từ Dải Gaza sang Bán đảo Sinai vì đây sẽ là một cuộc di cư nguy hiểm, có thể chấm dứt sự nghiệp đấu tranh của người Palestine, đồng thời khẳng định Cairo mong muốn nguy cơ này không trở thành hiện thực.

Khu lều tạm cho người tị nạn Palestine tại Khan Yunis, miền Nam Dải Gaza ngày 19/10/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, tại cuộc gặp với Thủ tướng Anh Rishi Sunak ở Cairo ngày 20/10, Tống thống El-Sisi nêu rõ: "Chúng ta cần phải hợp sức để ngăn chặn các diễn biến trong khu vực có thể vượt khỏi tầm kiểm soát. Chúng tôi đánh giá cao những nỗ lực của Tổng thống Mỹ Joe Biden và ngài (Thủ tướng Sunak) trong việc thuyết phục Israel cho phép mở cửa khẩu biên giới Rafah để tạo điều kiện cho hoạt động vận chuyển hàng viện trợ đến Gaza."

Nhà lãnh đạo Ai Cập cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cung cấp viện trợ một cách liên tục và bền vững cho Gaza, bao gồm thực phẩm, vật tư y tế và các hình thức viện trợ nhân đạo khác để hỗ trợ 2,3 triệu người Palestine đang sinh sống ở dải đất ven biển này.

Ông El-Sisi nói thêm: "Chúng ta cần phải tăng cường hợp tác để ngăn chặn khu vực rơi vào một cuộc chiến quy mô toàn khu vực, tác động hủy diệt đến toàn bộ khu vực và hủy hoại hòa bình tại Trung Đông."

Về phần mình, Thủ tướng Anh Sunak đánh giá cao vai trò của Tổng thống El-Sisi nói riêng và Ai Cập nói chung trong việc thúc đẩy các nỗ lực đưa hàng viện trợ nhân đạo tới Gaza thông qua cửa khẩu biên giới Rafah.

Ông Sunak nói thêm: "Chúng tôi mong muốn đóng góp sức mình cùng với Ai Cập để đảm bảo hàng viện trợ nhân đạo được chuyển tới Gaza càng sớm càng tốt."

Kể từ cuộc xung đột vũ trang giữa Israel và Phong trào Hồi giáo Hamas kiểm soát Dải Gaza bắt đầu nổ ra từ ngày 7/10, Tổng thống El-Sisi đã nhiều lần nhấn mạnh rằng Ai Cập phản đối các chính sách trừng phạt tập thể của Israel đối với dân thường ở dải đất này cũng như bất kỳ nỗ lực nào nhằm di dời cư dân Gaza sang Bán đảo Sinai.

Ai Cập đã nỗ lực tổ chức các hoạt động viện trợ khẩn cấp cho người Palestine ở Gaza bằng hàng chục xe tải chở hàng viện trợ nhân đạo do Ai Cập và nhiều quốc gia Arab quyên góp. 

Nhiều xe tải chờ hàng viện trợ, bao gồm thực phẩm và thuốc men, sẵn sàng băng qua cửa khẩu Rafah vào dải Gaza. 

Tuy nhiên, phía Israel đã từ chối cho phép xe vận chuyển hàng viện trợ vào Gaza. Liên hợp quốc và các tổ chức nhân đạo quốc tế mô tả tình hình nhân đạo ở Dải Gaza là thảm khốc.

Tuần hành ủng hộ người dân Palestine tại Nam Phi và Trung Đông

Ngày 20/10, các chính đảng thuộc liên minh cầm quyền ở Nam Phi đã tổ chức tuần hành đến Đại sứ quán Israel tại Pretoria để thể hiện tình đoàn kết với người dân Palestine trong cuộc xung đột giữa Phong trào Hồi giáo Hamas đang kiểm soát Dải Gaza và quân đội Israel.

Theo phóng viên TTXVN tại Pretoria, tham gia cuộc tuần hành có các chính khách thuộc các đảng trong liên minh cầm quyền ở Nam Phi như Đại hội Dân tộc Phi (ANC), Đảng Cộng sản Nam Phi (SACP), Đại hội Công đoàn Nam Phi (COSATU)... cùng một số cộng đồng cư dân. Cuộc tuần hành thu hút hàng nghìn người tham gia.

Với biểu ngữ “Đoàn kết Palestine," ANC kêu gọi hòa bình giữa Israel và Palestine, khẳng định cuộc tuần hành phù hợp với sự ủng hộ lâu dài của Nam Phi đối với giải pháp hai nhà nước cho cuộc xung đột kéo dài nhất ở Trung Đông.

Cùng ngày, hàng chục nghìn người dân tại các nước Arab ở Trung Đông đã xuống đường tuần hành để bày tỏ sự ủng hộ dành cho người dân Palestine.

Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, khoảng 800 người dân Iraq đã tụ tập tại biên giới với Jordan để bày tỏ tình đoàn kết với người dân ở Dải Gaza và kêu gọi Israel dỡ bỏ lệnh phong tỏa khu vực này. 

Tại Jordan, khoảng 6.000 người đã diễu hành tại trung tâm thủ đô Amman để ủng hộ người dân Palestine tại Dải Gaza trong cuộc xung đột giữa Hamas và Israel.

Cùng lúc, hàng nghìn người khác tụ tập trước Đại sứ quán Israel tại Jordan để phản đối việc Israel chiếm đóng các vùng lãnh thổ của Palestine. Lực lượng an ninh đã phải sử dụng các biện pháp ngăn chặn bạo lực.

Trong khi đó, tại Ai Cập, hàng chục nghìn người đã đổ ra Quảng trường Tahrir ở trung tâm thủ đô Cairo và những thành phố lớn khác để ủng hộ người dân Palestine./.

Theo Vietnam+

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày