Thứ 6, 22/11/2024, 11:44[GMT+7]

Châu Âu chật vật đối phó làn sóng di cư

Thứ 6, 24/11/2023 | 14:01:39
1,718 lượt xem
Các quốc gia hứng chịu làn sóng di cư ở tuyến đầu của châu Âu đang rơi vào tình trạng quá tải khi lượng người di cư tăng vọt những tháng gần đây. Đối mặt cuộc khủng hoảng di cư đang nóng dần lên, những nước này một mặt vừa tăng cường biện pháp siết chặt quản lý dòng người nhập cư, mặt khác tìm cách phối hợp các nước trong khu vực để ngăn chặn làn sóng di cư đang “đổ bộ” châu Âu.

Những người di cư nghỉ ngơi bên ngoài điểm nóng, tại trung tâm tiếp nhận những người di cư bất hợp pháp, trên đảo Lampedusa của Sicilia, Ý, ngày 14/9. Ảnh: Reuters

Châu Âu vẫn được coi là “miền đất hứa” đối với dòng người di cư xuất phát từ Trung Đông, Afghanistan, Pakistan và Bắc Phi. Số người vượt Địa Trung Hải sang châu Âu ngày càng tăng đang trở thành vấn nạn làm đau đầu các quốc gia ở tuyến đầu hứng chịu làn sóng di cư. Là một trong những quốc gia ở Địa Trung Hải ghi nhận số lượng người di cư và tị nạn tăng vọt, Hy Lạp đang phải chật vật đối phó khi các trung tâm tiếp nhận người di cư ở nước này quá tải, khiến hệ thống tiếp nhận người di cư gặp khó khăn chồng chất.

Theo số liệu của Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR), trong thời gian từ tháng 1 đến đầu tháng 11/2023, Hy Lạp đã tiếp nhận 38.448 người di cư, tăng so với 18.700 người trong cả năm 2022. Nhiều trại tị nạn trên các đảo của Hy Lạp đang có nguy cơ vỡ trận bởi phải tiếp nhận nhiều người di cư và tình trạng người xin tị nạn không thể tiếp cận các quyền và dịch vụ.

Bộ Di trú Hy Lạp khẳng định nhà chức trách đang nỗ lực cải thiện điều kiện sinh sống của người di cư. Kể từ khi xảy ra vụ hỏa hoạn lớn tại trung tâm tiếp nhận người di cư Moria ở đảo Lesbos hồi năm 2020 khiến hàng nghìn người mất nhà cửa, Hy Lạp đã nhận được viện trợ của Liên minh châu Âu (EU) để xây dựng các trung tâm tiếp nhận mới, song không phải tất cả các trung tâm đều đã đi vào hoạt động.

Trong khi đó, quốc gia láng giềng của Hy Lạp là Cyprus cũng đang gồng mình chống chịu làn sóng người di cư với việc phải tăng gấp đôi sức chứa của trại tiếp nhận người di cư, trong bối cảnh quốc đảo này chuẩn bị ứng phó làn sóng tị nạn mới từ khu vực Trung Đông. Số người xin tị nạn từ Trung Đông đến Cyprus đã tăng lên trong những năm gần đây.

Quốc gia châu Âu này đã dựa vào việc tăng cường hợp tác với Liban để đối phó tình trạng di cư bất hợp pháp thông qua việc ngăn chặn ngay từ bên phía Liban. Tuy nhiên, trong bối cảnh cuộc xung đột giữa Israel-Hamas bùng phát và dẫn tới gia tăng các cuộc đụng độ ở biên giới của Liban với Israel, giới chức Cyprus quan ngại nguy cơ số người di cư đến nước này có thể tăng cao.

Chỉ trong hơn một tuần gần đây đã có khoảng 500 người Syria đến Cyprus trên những chiếc thuyền khởi hành từ bờ biển của Liban, một con số cao hơn mức bình thường. Trước tình hình hiện nay, nhà chức trách Cyprus đã đánh giá các địa điểm khác nhau để có thể tiếp nhận người di cư và lên phương án yêu cầu EU cử thêm nhân sự để giúp xử lý đơn xin tị nạn.

Đức, một trong những quốc gia gánh vác trách nhiệm lớn về xử lý cuộc khủng hoảng di cư ở châu Âu, chính phủ đang phải chịu áp lực hỗ trợ tài chính cho các bang để giải quyết vấn đề này cũng như giảm số lượng tiếp nhận. Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã có cuộc họp với lãnh đạo 16 bang để thảo luận các biện pháp xử lý cuộc khủng hoảng người di cư trong bối cảnh các bang và thành phố yêu cầu phải được hỗ trợ tài chính để đáp ứng điều kiện ăn ở vốn đang quá tải hiện nay cũng như chăm sóc và sự hòa nhập của người tị nạn.

Chính phủ liên bang Đức thừa nhận gánh nặng mà các bang đang phải chịu đựng, đồng thời kêu gọi nỗ lực đưa ra các biện pháp mới nhằm giảm áp lực người di cư, bao gồm áp dụng việc kiểm tra tạm thời ở biên giới Ba Lan, Séc và Thụy Sĩ, cũng như hình phạt cứng rắn hơn đối với những kẻ buôn người. Bộ trưởng Nội vụ Nancy Faeser đề xuất luật đẩy nhanh việc trục xuất những người xin tị nạn không đủ điều kiện ở lại Đức. Hiện chính phủ nước này cũng đang tìm cách cho phép những người xin tị nạn thành công bắt đầu làm việc sớm hơn.

Còn Italia đã đạt được thỏa thuận với Albania về việc xây dựng hai trại tiếp nhận và giam giữ người di cư tại Albania với số lượng cao nhất 3.000 người trong cùng thời điểm. Các cơ sở này sẽ do nhân viên người Italia điều hành và triển khai hoạt động. Thỏa thuận nêu trên đánh dấu lần đầu tiên một quốc gia không phải thành viên EU thay mặt cho quốc gia EU tiếp nhận người di cư. Đây là một phần trong nỗ lực của EU nhằm ngăn chặn tình trạng nhập cư tăng bất thường. Đối với Italia, từ đầu năm đến nay, 145.000 người di cư đến quốc gia này qua đường biển, tăng mạnh so với năm 2022.

Trong bối cảnh các nước EU chưa thật sự tìm được sự đồng thuận cho một giải pháp toàn diện xử lý vấn đề người di cư thì mỗi quốc gia đang phải tự tìm “chìa khóa” để giải bài toán di cư của riêng mình. Tuy nhiên, đối phó cuộc khủng hoảng di cư là một thách thức lớn và đòi hỏi một giải pháp dài hạn, cần sự phối hợp chặt chẽ ở cấp khu vực.

Theo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày