Thứ 3, 23/07/2024, 01:32[GMT+7]

Thế kỷ 21: Chờ đợi gì từ nền công nghiệp?

Thứ 4, 24/07/2013 | 15:29:13
2,439 lượt xem
150 năm về trước (thế kỷ 19), trung tâm công nghiệp của thế giới từ Trung Quốc chuyển sang Anh Quốc. Nhưng trong vòng 25 năm trở lại đây, sự dịch chuyển hướng dần về các nước đang phát triển với sự xuất hiện các ngành nghề mới phát triển nhanh chóng như công nghệ sinh học, công nghệ thông tin và một số lĩnh vực khác.

Sự phát triển bùng nổ của công nghiệp thế giới cùng với việc đa dạng hóa ngành nghề có tính chất toàn cầu diễn ra trong “thế kỷ vàng” đã kết thúc vào năm 2008 bằng sự kiện sụp đổ của Lehmann Brothers. Chatham House- một trong những trung tâm nghiên cứu hàng đầu ở Anh đã tổng kết và đưa ra những dự báo trong vòng vài chục năm tới. Các chuyên gia cũng đồng thời đưa ra đánh giá 3 ngành công nghiệp chủ chốt là sản xuất ôtô, hàng không, dược phẩm và đặt chúng trong mối liên hệ với thương mại.

4 xu hướng của công nghiệp thế giới

Thứ nhất, tỷ trọng công nghiệp trong tổng GDP thế giới đã bắt đầu giảm trong vài năm gần đây. Tại các nước phát triển, dịch vụ chiếm một tỷ trọng khá lớn. Tuy nhiên rõ nét nhất là tại các nước châu Phi và Mỹ La tinh, nơi mà công nghiệp đang giảm dần so với sản xuất nói chung.

Thứ hai, tại châu Á tỷ trọng công nghiệp/GDP gần như không có thay đổi. Tuy nhiên sự phản ánh cũng khá đa dạng và trái chiều. Tại Nhật xu hướng giảm đang diễn ra, nhưng ở Trung Quốc thì ngược lại- đang tăng, còn tại Ấn Độ và Hàn Quốc bức tranh có rất ít thay đổi.

Thứ ba, trong bối cảnh đó, hầu khắp các nơi trên thế giới xu hướng dịch vụ ngày càng chiếm tỷ trọng lớn của nền kinh tế thì sản xuất nông nghiệp lại có xu hướng giảm dần.

Thứ tư, tỷ trọng công nghiệp thế giới trong tổng GDP chỉ bắt đầu tăng khi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu mới kết thúc và tại các nước phát triển các chính sách về cắt giảm tài chính và đẩy mạnh sản xuất được thảo luận và triển khai.

Tỷ trọng công nghiệp trong tổng GDP của thế giới đang giảm dần

 

Sản xuất công nghiệp đang có xu hướng dịch chuyển từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển. Nếu 15 năm trước công nghiệp của các nước phát triển chỉ chiếm 20%/tổng chung của công nghiệp thế giới thì nay đã là trên 30%. Xu hướng này vẫn đang tiếp tục.

Điểm sáng tại thời điểm này là Trung Quốc. Năm 2000 Trung Quốc đứng đầu thế giới ở 3 lĩnh vực là sản xuất thuốc lá, dệt may và sản phẩm từ da. Trong vòng 10 năm nay Trung Quốc đi đầu về sản xuất quần áo, nhựa, cao su, luyện kim, thiết bị điện và máy móc. Năm 2011 Trung Quốc đã ngang Mỹ và gần như trở thành cường quốc số 1 về công nghiệp của thế giới.

Tại các nước đang phát triển trị giá gia tăng của sản xuất công nghiệp có xu hướng tăng

Hiện nay đang diễn ra khuynh hướng các ngành mới có tính chất công nghệ như công nghệ thông tin chẳng hạn xâm nhập vào sản xuất công nghiệp. Tại các nước phát triển khuynh hướng này rất dễ nhận thấy bởi vì tại đây các nhà máy sản xuất quần áo và giày dép chẳng hạn gần như không còn.

Còn tại các nước đang phát triển, hầu hết các ngành sản xuất đều nở rộ: dệt may, luyện kim, máy móc thiết bị. Các sản phẩm này vừa để đáp ứng nhu cầu trong nước, vừa để xuất khẩu.

Sự lệ thuộc của thế giới vào các tập đoàn xuyên quốc gia ngày càng lớn. Cùng với tiền đầu tư, công nghệ và kỹ năng quản lý cũng được chuyển giao và tiếp nhận tại các nước đang phát triển. Và vì vậy tại các nước này số lượng các tập đoàn xuyên quốc gia xuất hiện ngày càng nhiều.

Nhu cầu của các nước đang phát triển ngày càng tăng và vấn đề nhân khẩu đang làm thay đổi bộ mặt công nghiệp toàn cầu

Sản xuất công nghiệp tại một khu vực nào đó phát triển trước hết phụ thuộc vào chính nhu cầu nội tại của khu vực đó. Theo đánh giá của Liên Hợp Quốc đến năm 2020 các nước càng kém phát triển thì dân số tăng càng nhanh.

Tiêu dùng cũng trực tiếp bị ảnh hưởng bởi sự già hóa của dân số. Quá trình này diễn ra ở khắp mọi nơi, tuy nhiên sự khởi đầu và tốc độ ở mỗi nơi đều mỗi khác. Ngoài ra mức độ tiêu dùng cũng trực tiếp ảnh hưởng đến quy mô của hộ gia đình và quy mô đô thị hóa.

Mức tăng về thu nhập tính theo đầu người tại các nước đang phát triển sẽ nhanh hơn tại các nước phát triển. Đến năm 2020 tại các nước đang phát triển, sức mua sẽ chiếm ¾ trên tổng sức mua của toàn thế giới. Chỉ riêng Trung Quốc và Ấn Độ đã chiếm tới 43%.

Nhờ các nước đang phát triển mà tiêu dùng của toàn thế giới sẽ tăng

Nhu cầu tiêu dùng không giống nhau phụ thuộc vào tùy từng lĩnh vực và trình độ phát triển cụ  thể. Khi mà thu nhập còn thấp thì nhu cầu tiêu dùng chỉ tập trung vào các vật dụng thiết yếu như ăn và mặc. Khi thu nhập tăng lên, bắt đầu xuất hiện nhu cầu mua các vật dụng đắt tiền và xa xỉ hơn (như đồ điện tử gia dụng chẳng hạn). Cũng chính nhờ đó mà sản xuất phát triển.

Trên thế giới tầng lớp trung lưu ngày càng gia tăng. Trong vòng 8 năm tới, số lượng người có mức thu nhập 5-10 nghìn và thậm chí 10-20 nghìn USD/năm trên toàn thế giới sẽ có khoảng trên 650 triệu. 2/3 số người này là ở Trung Quốc và Ấn Độ. Việc mua sắm ô tô, đi lại bằng máy bay, đi du lịch của tầng lớp này sẽ ngày càng tăng.

Sau khủng hoảng, tại các nước phát triển chi tiêu trở nên dè dặt. Tuy nhiên do dân số bị già hóa nên các chi tiêu cho chăm sóc và bảo vệ sức khỏe vẫn có xu hướng leo thang.

Trên thế giới tầng lớp trung lưu ngày càng tăng

Thị hiếu tiêu dùng đang làm thay đổi sản xuất công nghiệp của thế giới. Người tiêu dùng tại các nước đang phát triển đang thừa hưởng các giá trị từ các sản phẩm của phương Tây. Các thương hiệu lớn ngày càng có chỗ đứng tại các nước này. Hàng có thương hiệu và hợp mốt ngày càng được chú trọng và càng có nhiều người sử dụng.

Tuy nhiên mọi sự còn phụ thuộc vào thị trường sức lao động.

Ưu thế của các nước đang phát triển là nhóm lao động có độ tuổi từ 15-59 trong những năm tới sẽ tăng. Nhóm lao động này trên toàn thế giới có khoảng 450 triệu người và tại Ấn Độ sẽ có khoảng 120 triệu. Còn tại Trung Quốc trong những năm tới nhóm này sẽ không có thay đổi về số lượng.

Chính điều này sẽ ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của Trung Quốc khi mà thu nhập tại đây trong những năm qua tăng nhanh hơn sự gia tăng của sản xuất. Từ 2005 đến 2010 lương bình quân tại Trung Quốc tăng 19% trong khi ở Mỹ chỉ tăng có 5%.

Tại Trung Quốc, ngoài việc sức lao động sẽ trở nên thiếu hụt vấn đề thay đổi mô hình phát triển kinh tế cũng đòi hỏi cần phải hướng tới việc đẩy mạnh nội tiêu và sản xuất ra các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao và từ đó dẫn tới khuynh hướng ngành công nghiệp sẽ có sự dịch chuyển sang các nước có trình độ thấp hơn như Việt Nam, Ấn Độ, Bangladesh, Indonesia…

Xu hướng thương mại thế giới

Bán lẻ trên thế giới sẽ thay đổi rõ nét. Tại các nước phát triển do khủng hoảng nên sức mua sẽ giảm, còn ở các nước đang phát triển ngược lại sẽ tăng do thu nhập bình quân vẫn có xu hướng tăng và do quá trình đô thị hóa mạnh mẽ.

Tăng trưởng bán lẻ trên thế giới phụ thuộc rất nhiều vào mức sống của các nước đang phát triển, đặc biệt là Trung Quốc và châu Á.

Năm 2008 bán lẻ tại thị trường Bắc Mỹ và châu Âu chiếm 53% tổng bán lẻ của toàn cầu, theo dự báo đến 2014 tỷ lệ này sẽ còn khoảng 43% , xấp xỉ với khu vực châu Á và Thái Bình Dương.

Số người giàu tại các nước đang phát triển sẽ ngày càng giàu hơn và thói quen mua sắm của nhóm người này dần dần sẽ giống nhóm người giàu tại các nước phát triển. Tỷ lệ hàng xa xỉ sẽ được họ mua nhiều hơn so với hàng thực phẩm ăn uống.

Song hành cùng với quá trình thu nhập tăng tại các nước đang phát triển sẽ là sự tăng trưởng cả về học vấn và già hóa dân số.

Hệ thống siêu thị và đại siêu thị sẽ phát triển. Buôn bán trên Internet các mặt hàng như điện tử gia dụng sẽ ngày càng trở nên phổ biến.

Theo VGP

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày