Thứ 6, 22/11/2024, 05:12[GMT+7]

Sẵn sàng ứng phó thảm họa dịch bệnh

Chủ nhật, 18/02/2024 | 20:06:32
1,276 lượt xem
Tròn bốn năm kể từ khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu đối với dịch Covid-19, các nhà lãnh đạo trên thế giới vẫn kỳ vọng sớm đạt được một hiệp ước về ứng phó các thảm họa dịch bệnh mới. Tăng cường hợp tác quốc tế tiếp tục là chìa khóa để thế giới vượt qua thách thức, trong bối cảnh nhiều dịch bệnh cùng bùng phát như hiện nay.

Ảnh minh họa. Nguồn: Reuters

Trong một bức thư ngỏ, các đồng chủ tịch của Ủy ban độc lập về chuẩn bị và ứng phó đại dịch cùng một số lãnh đạo các nước cảnh báo, nguy cơ xảy ra một đại dịch mới trong tương lai là khó tránh khỏi. Bức thư kêu gọi thế giới cần nhanh chóng đạt đồng thuận về một hiệp ước mang tính ràng buộc pháp lý, nhằm ứng phó hiệu quả hơn với các đại dịch trong tương lai. Hiệp ước này sẽ bảo đảm tất cả các nước có năng lực phát hiện, cảnh báo và ngăn chặn mối đe dọa mà đại dịch có thể gây ra, cũng như bảo đảm các nước được trang bị công cụ bảo vệ sức khỏe người dân. 

Sáng kiến xây dựng một hiệp ước toàn cầu về ứng phó đại dịch được đưa ra vào năm 2021, thời điểm dịch Covid-19 làm chao đảo hệ thống y tế các nước. Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus từng kỳ vọng đây sẽ là thỏa thuận lịch sử đánh dấu sự thay đổi mạnh mẽ của toàn cầu trong cách tiếp cận vấn đề an ninh y tế sau cuộc khủng hoảng Covid-19. Người đứng đầu WHO cũng mong muốn đến tháng 5/2024, thỏa thuận mang tính pháp lý này sẽ được 194 nước thành viên WHO thông qua. 

Tuy nhiên, từ kỳ vọng đến thực tế là một khoảng cách xa, cần rất nhiều nỗ lực của các nước. Cho đến nay, tiến trình đàm phán về hiệp ước vẫn đình trệ do những bất đồng. Phát biểu trong một cuộc họp mới đây của WHO, ông Ghebreyesus cho rằng, nhiều nước có thể sẽ không thực hiện được các cam kết trong thỏa thuận, trong khi vẫn còn một số vấn đề đáng quan ngại cần phải giải quyết. 

Trang Politico nhận định, tiến trình đàm phán khó có thể cán đích vào tháng 5/2024 bởi nhiều yếu tố, một trong số đó là sự chú ý của các nước đối với việc ứng phó đại dịch đang dần nhường chỗ cho các vấn đề khác, trong khi dịch Covid-19 đã không còn là tình trạng khẩn cấp y tế. Bên cạnh đó, các nước cũng bất đồng quan điểm về một số khía cạnh trong văn bản dự thảo thỏa thuận, như quyền sở hữu trí tuệ, chia sẻ thông tin về mầm bệnh...

Các nước dự kiến sẽ tiến hành thêm hai phiên thảo luận nữa liên quan hiệp ước. Ủy ban độc lập về chuẩn bị và ứng phó đại dịch kêu gọi các nước cần "chạy đua với thời gian" để đạt được thỏa thuận đúng thời hạn chót. Các dịch bệnh bùng phát cùng lúc như hiện nay đang đặt ra yêu cầu cấp bách tăng cường sự phối hợp giữa các quốc gia và tổ chức quốc tế. 

WHO cảnh báo, mặc dù số ca tử vong liên quan Covid-19 đã giảm đáng kể so với thời kỳ đỉnh điểm, nhưng hiện mỗi tháng vẫn có khoảng 10.000 người chết do căn bệnh này tại khoảng 50 quốc gia trên thế giới. Dịch tả, dịch sốt xuất huyết... cũng lây lan mạnh ở các khu vực như châu Phi, châu Á. Tuy vậy, thời gian qua, các nước vẫn nỗ lực triển khai nhiều sáng kiến để nâng cao nhận thức của cộng đồng về các dịch bệnh, chia sẻ mô hình kiểm soát dịch bệnh, chia sẻ vaccine và hợp tác để nghiên cứu, phát triển vaccine.

Ðể giải quyết tình trạng bất bình đẳng trong tiếp cận vaccine, Liên minh toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (GAVI) đã công bố kế hoạch đầu tư lên tới 1 tỷ USD để thúc đẩy sản xuất vaccine cho châu Phi. Nguồn tài trợ cho chương trình này đến từ số tiền còn lại trong sáng kiến COVAX. Liên đoàn Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC) mới đây kêu gọi các nước thành lập "ngân hàng vaccine quốc tế" để đề phòng đại dịch tiếp theo.

Theo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày