Thứ 7, 23/11/2024, 15:18[GMT+7]

WTO ứng phó những “cơn gió ngược”

Thứ 3, 12/03/2024 | 09:10:56
1,333 lượt xem
Tại cuộc họp cấp bộ trưởng ở Abu Dhabi, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã cảnh báo những “cơn gió ngược” đối với kinh tế và căng thẳng địa chính trị đang đe dọa thương mại toàn cầu cũng như các hệ thống thương mại đa phương, đồng thời thúc đẩy cải cách, tạo cơ hội để các nước đang phát triển và kém phát triển nhất tăng cường năng lực thu hút đầu tư. Tổ chức thương mại đa phương đang nỗ lực củng cố khuôn khổ thương mại toàn cầu bằng cách tránh chủ nghĩa bảo hộ, thúc đẩy nền kinh tế linh hoạt, trong bối cảnh xuất hiện các dấu hiệu “phân mảnh” trong nền kinh tế toàn cầu.

Hội nghị cấp Bộ trưởng lần thứ 13 của Tổ chức Thương mại Thế giới (MC13). Nguồn: Báo Công thương

Khó khăn, vướng mắc

Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 13 của WTO (MC13) tại Abu Dhabi là hội nghị đầu tiên sau hai năm của tổ chức thương mại đa phương này, với các chủ đề về đánh bắt cá, nông nghiệp và thương mại điện tử…

Tổng Giám đốc WTO, bà Ngozi Okonjo-Iweala bày tỏ quan ngại cuộc họp gặp nhiều thách thức do “những cơn gió ngược về kinh tế và chính trị”, như xung đột ở Ukraine, căng thẳng tại Biển Đỏ, lạm phát, giá lương thực tăng và những khó khăn kinh tế trên toàn cầu.

Tại cuộc họp cấp bộ trưởng gần đây nhất của WTO ở Geneva (Thụy Sĩ) vào tháng 6/2022, các bộ trưởng thương mại đã đạt một thỏa thuận lịch sử về cấm trợ cấp cho hoạt động khai thác, đánh bắt thủy sản gây hại cho sinh vật biển và đồng ý miễn trừ bằng sáng chế tạm thời đối với vắc-xin ngừa Covid-19, đồng thời cam kết thiết lập lại hệ thống giải quyết tranh chấp mà Mỹ tạm dừng vào năm 2019 sau nhiều năm ngăn chặn việc bổ nhiệm các thẩm phán mới cho tòa phúc thẩm của WTO.

Chủ nghĩa đa phương đang bị tấn công từ mọi phía, bất ổn khắp nơi, thế giới đang trong một thời điểm thậm chí còn khó khăn hơn so với hai năm trước đây khi diễn ra Hội nghị MC12.

Tổng Giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala

Tuy nhiên, Ủy viên Thương mại Liên minh châu Âu (EU) Valdis Dombrovskis nhận định, sẽ rất khó để lặp lại thành công của hội nghị năm 2022, do các cuộc đàm phán về cải cách giải quyết tranh chấp và một số nội dung trong văn kiện cuối cùng có thể sẽ gặp nhiều thách thức.

MC13 dự kiến kéo dài đến ngày 29/2 và đang được hy vọng sẽ đạt tiến bộ, đặc biệt trong lĩnh vực đánh bắt cá, nông nghiệp và thương mại điện tử. Tuy nhiên, khó có thể đạt được các thỏa thuận lớn vì các quy tắc của WTO đòi hỏi sự đồng thuận của tất cả 164 quốc gia thành viên.

Phát biểu trong ngày đầu tiên của MC13, Tổng Giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala nhấn mạnh chủ nghĩa đa phương đang bị tấn công từ mọi phía, bất ổn khắp nơi, thế giới đang trong một thời điểm thậm chí còn khó khăn hơn so với hai năm trước đây khi diễn ra Hội nghị MC12.

Chính vì vậy, bà Okonjo-Iweala cho rằng, cần cải cách hệ thống thương mại đa phương và tăng cường hợp tác quốc tế. Nhắc lại cảnh báo về dấu hiệu “phân mảnh” trong nền kinh tế toàn cầu, Tổng Giám đốc Okonjo-Iweala cho biết, thế giới có thể không đạt được mức tăng trưởng khối lượng giao dịch hàng hóa 3,3% trong năm nay và nhiều khả năng cũng không thể đạt được mốc tăng trưởng khối lượng giao dịch 0,8% trong năm 2023 như dự báo WTO đưa ra hồi tháng 10 năm ngoái.

Ưu tiên các nước đang phát triển

Hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Giám đốc WTO, Bộ trưởng Ngoại thương UAE Thani bin Ahmed Al Zeyoudi bày tỏ hy vọng MC13 sẽ đóng vai trò là bệ phóng cho những cải cách cần thiết. Ủy viên Thương mại EU Valdis Dombrovskis cũng nhận định, thế giới đã thay đổi, căng thẳng địa chính trị đang gia tăng, các tổ chức như WTO cần không ngừng cải tổ.

Ngay trước thềm MC13, hơn 120 thành viên WTO đã đạt thỏa thuận tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư vào các nước đang phát triển bằng cách cải thiện tính minh bạch và xóa bỏ các rào cản quan liêu. Thỏa thuận có tên Hiệp định Tạo thuận lợi đầu tư cho phát triển (IFD), được 75% thành viên WTO ký kết. Nội dung văn kiện này được công bố trên trang mạng của WTO vài giờ trước khi Hội nghị MC13 khai mạc. Các bên ký kết IFD mong muốn các bộ trưởng tham dự hội nghị ở Abu Dhabi đưa hiệp định này vào hệ thống các thỏa thuận chính thức của WTO. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi thỏa thuận phải được toàn bộ thành viên đồng thuận.

Thỏa thuận IFD nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho dòng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nhất là đến các nước đang phát triển và kém phát triển nhất, nhằm thúc đẩy phát triển bền vững.

Thỏa thuận IFD nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho dòng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), nhất là đến các nước đang phát triển và kém phát triển nhất, nhằm thúc đẩy phát triển bền vững. Để đạt được điều này, các nước tham gia đồng ý cải thiện tính minh bạch của các biện pháp, đơn giản hóa thủ tục hành chính, áp dụng các biện pháp hỗ trợ đầu tư khác và thúc đẩy hợp tác quốc tế. Người đứng đầu WTO Ngozi Okonjo-Iweala đánh giá đây là thỏa thuận tiên phong, hứa hẹn giúp các bên ký kết có thể thu hút được FDI để thúc đẩy tăng trưởng.

Trong khi đó, các nước sản xuất bông ở châu Phi đã kêu gọi WTO tìm giải pháp chấm dứt tình trạng cạnh tranh thiếu công bằng trong hoạt động mua bán bông, bắt nguồn từ chính sách trợ cấp. Lời kêu gọi được các nước C4 (bao gồm Benin, Burkina Faso, Mali và Chad) đưa ra ngay trước thềm hội nghị. Bên cạnh việc kêu gọi chấm dứt trợ cấp giá bông, nhóm C4 cũng đề nghị các nước liên quan bồi thường thiệt hại, đồng thời loại bỏ bông ra khỏi hồ sơ nông nghiệp nhằm thúc đẩy các cuộc thảo luận riêng về vấn đề này.

Trước khi bước vào hội nghị chính thức, Tổng Giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala đã công bố quỹ trị giá 50 triệu USD để hỗ trợ nữ doanh nhân tại các nước đang phát triển nắm bắt những cơ hội to lớn do kinh tế số đem lại. Theo bà Okonjo-Iweala, các nước cần có giải pháp để giải quyết vấn đề tài chính mà phụ nữ đang đối mặt. Quốc vụ khanh phụ trách thương mại quốc tế thuộc Bộ Ngoại thương UAE, Thani al-Zeyoudi đánh giá đây không chỉ là sáng kiến tôn vinh sự đóng góp vô giá của các nữ doanh nhân và các doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo trên toàn thế giới, mà còn ghi nhận vai trò quan trọng của họ trong phát triển kinh tế. Thực tế cho thấy phụ nữ chiếm khoảng 50% dân số thế giới, nhưng chỉ đóng góp 37% GDP toàn cầu.

Một trong những nội dung quan trọng trong chương trình nghị sự tại hội nghị lần này là vấn đề trợ cấp nghề cá. Đại sứ Iceland Einar Gunnarsson - người chủ trì các cuộc đàm phán về nghề cá tại WTO, kêu gọi các nước thỏa hiệp nhằm hoàn tất một thỏa thuận toàn diện về vấn đề này. Đây là nỗ lực nhằm thúc đẩy trữ lượng cá bền vững trên toàn cầu, sau khi WTO đạt một thỏa thuận lịch sử về trợ cấp đánh bắt cá tại MC12 diễn ra tháng 6/2022. Đó là thỏa thuận đầu tiên về cấm các khoản trợ cấp dẫn đến các hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.

Tuy nhiên, thỏa thuận này chưa giải quyết được một số vấn đề và các thành viên WTO cam kết tiếp tục thảo luận để đạt một thỏa thuận toàn diện tại MC13. Sau nhiều tháng đàm phán căng thẳng, bản dự thảo thỏa thuận mới đã được công bố, song một số điểm trong dự thảo mới liên quan đến định nghĩa về cơ chế ưu đãi đối với các nước đang phát triển và các quốc gia nghèo nhất vẫn đang trong quá trình thảo luận. Thỏa hiệp là điều không dễ dàng đối với cơ chế đàm phán đa phương và việc các nước có đạt một thỏa thuận mang tính toàn diện về vấn đề này hay không dường như sẽ quyết định đáng kể vào thành công của hội nghị lần này.

Theo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày