Thứ 7, 27/04/2024, 21:19[GMT+7]

Khuôn khổ pháp lý hướng tới sự phát triển AI an toàn

Thứ 5, 28/03/2024 | 07:26:53
1,021 lượt xem
Công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) phát triển nhanh chóng, đặt ra “bài toán khó” về tận dụng cơ hội và giảm thiểu rủi ro. Với dự luật về AI vừa được Nghị viện châu Âu (EP) thông qua, các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) tiến thêm một bước trong tiến trình xây dựng khuôn khổ pháp lý đầu tiên về công nghệ tiên tiến này.

Ảnh minh họa. (Nguồn: linkedin.com)

Tại phiên họp toàn thể của EP diễn ra ở thành phố Strasbourg của Pháp, dự luật về AI do Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất, còn gọi là Đạo luật AI, được phê chuẩn với sự ủng hộ mạnh mẽ từ 523 nghị sĩ. Là một trong những nhà lập pháp thúc đẩy dự luật này, ông Brando Benifei nhấn mạnh, đây là quy định đầu tiên trên thế giới vạch ra lộ trình rõ ràng hướng tới sự phát triển AI an toàn và lấy con người làm trung tâm.

Dự luật được EP thông qua đặt ra những quy định với các hệ thống AI dựa trên bốn mức độ rủi ro, từ thấp, hạn chế, đến cao và cuối cùng là không thể chấp nhận. Những mô hình AI có mức độ rủi ro càng cao thì phải tuân thủ các quy định càng nghiêm ngặt. Dự luật cấm những mô hình AI có nguy cơ đe dọa quyền công dân các nước thành viên EU, như hệ thống chấm điểm xã hội, ứng dụng có khả năng thao túng nhận thức, hành vi của người dùng hay thu thập hình ảnh để tạo cơ sở dữ liệu nhận dạng khuôn mặt. Việc sử dụng hệ thống nhận dạng sinh trắc học cũng sẽ bị cấm, ngoại trừ một số trường hợp cụ thể.

Để được cấp phép, các hệ thống AI mang rủi ro cao có nghĩa vụ tuân theo những quy định, như trải qua đánh giá trước khi được đưa ra thị trường EU hay các bước nhằm giảm tác động tiêu cực. Bảo đảm tính minh bạch cũng là một yêu cầu được nhấn mạnh trong dự luật AI. Những trường hợp không tuân thủ có thể bị phạt từ 7,5 triệu euro hoặc 1,5% doanh thu lên tới 35 triệu euro hoặc 7% doanh thu toàn cầu, tùy thuộc hành vi vi phạm và quy mô của các công ty.

Việc EP thông qua dự luật AI ngay lập tức nhận được sự phản hồi từ các công ty công nghệ. Người phát ngôn của Amazon khẳng định, công ty này cam kết hợp tác với EU nhằm hỗ trợ sự phát triển AI an toàn, được bảo mật và có trách nhiệm. Trong khi đó, người phụ trách các vấn đề EU của Meta nhấn mạnh, vấn đề cần chú trọng là dự luật không đánh mất tiềm năng của AI trong việc thúc đẩy sự đổi mới của châu Âu.

Theo tổ chức thương mại Digital Europe, hiện nay chỉ có 3% số “kỳ lân AI” trên thế giới là thuộc EU, trong khi thị trường AI toàn cầu được dự báo đạt khoảng 1.500 tỷ USD vào năm 2030. Do đó, Digital Europe cho rằng cần tăng cường nỗ lực nhằm bảo đảm rằng các công ty châu Âu có thể khai thác hiệu quả thị trường đầy tiềm năng này.

Bước tiếp theo trong tiến trình phê chuẩn dự luật AI sẽ do Hội đồng châu Âu thúc đẩy. Nỗ lực sắp tới được nhận định là không gặp nhiều khó khăn, bởi EP và Hội đồng châu Âu đã đạt thỏa thuận chính trị về các điều khoản của dự luật từ tháng 12/2023 và các nước thành viên EU cũng đã giải tỏa vướng mắc về vấn đề này hồi tháng 2 vừa qua. Đạo luật AI sẽ có hiệu lực sau khi được công bố trên Công báo chính thức của EU, dự kiến giữa năm nay. Tuy nhiên, phần lớn điều khoản chỉ được áp dụng sau 24 tháng kể từ khi luật có hiệu lực.

Dù đã được EP thông qua, song Đạo luật AI vẫn nhận 46 phiếu chống và 49 phiếu trắng, cho thấy nhiều nhà lập pháp châu Âu chưa sẵn sàng phê chuẩn. Liên đoàn doanh nghiệp châu Âu cũng băn khoăn về cách giải thích và thực hiện quy định trên thực tế. Một số chuyên gia pháp lý còn lo ngại luật sẽ sớm lỗi thời bởi tốc độ phát triển chóng mặt của công nghệ AI.

Mục tiêu của dự luật về AI là bảo vệ quyền lợi của người dân EU trước rủi ro từ công nghệ này, đồng thời thúc đẩy đổi mới và đưa châu Âu dẫn trước trong lĩnh vực AI được quan tâm hàng đầu hiện nay. EU kỳ vọng, khi có hiệu lực, Đạo luật AI sẽ góp phần đặt ra những tiêu chuẩn toàn cầu, là nền tảng để hoạch định chính sách và xây dựng cách tiếp cận chung về quản lý AI trên thế giới.

Theo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày