Thứ 7, 23/11/2024, 19:38[GMT+7]

Cơ hội cuối cho “hiệp ước đại dịch”

Thứ 3, 23/04/2024 | 11:13:06
1,913 lượt xem
Bất chấp nỗ lực thúc đẩy của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tiến trình đàm phán về “hiệp ước đại dịch” toàn cầu vấp phải nhiều vướng mắc và đã bỏ lỡ mục tiêu xây dựng hoàn chỉnh nội dung vào ngày 31/3. Vòng đàm phán mới diễn ra vào cuối tháng 4/2024 được nhận định là cơ hội cuối để các nước tìm kiếm sự đồng thuận, giúp ứng phó hiệu quả các thảm họa y tế tương lai.

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanmon Ghebreyesus. (Ảnh: who.int)

Sáng kiến xây dựng một hiệp ước toàn cầu về ứng phó đại dịch được đưa ra vào năm 2021, thời điểm dịch Covid-19 làm hệ thống y tế thế giới rơi vào khủng hoảng.

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh, hiệp ước này sẽ đặt ra các nguyên tắc mang tính cam kết cao nhằm tăng cường sự đoàn kết, công bằng.

Sự bùng phát nhiều dịch bệnh cùng lúc như hiện nay đang đặt ra yêu cầu cấp bách tăng cường phối hợp giữa các quốc gia và tổ chức quốc tế. Các nước cũng tiếp tục thúc đẩy triển khai sáng kiến hợp tác về ứng phó dịch bệnh. Mới đây, WHO ra mắt mạng lưới toàn cầu về virus corona CoViNet, nhằm phát hiện, theo dõi và đánh giá sớm cũng như chính xác các virus SARS-CoV-2, MERS-CoV và các chủng virus corona mới.

Các quốc gia nhất trí thành lập Cơ quan đàm phán liên chính phủ (INB), với nhiệm vụ soạn thảo nội dung và đàm phán về hiệp ước, đồng thời mong muốn đạt được thỏa thuận mang tính lịch sử này vào hạn chót là tháng 5/2024. Hiệp ước cũng trở thành một trong những ưu tiên hàng đầu của Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus trong nhiệm kỳ 5 năm lần thứ 2 của mình.

Tuy nhiên, từ mong muốn đến hiện thực là một khoảng cách xa. Chỉ còn vài tuần nữa là đến thời hạn cuối cùng song các quốc gia vẫn chưa thể giải quyết những bất đồng trong quá trình đàm phán. Vòng đàm phán gần đây nhất đã lỡ mục tiêu hoàn chỉnh nội dung hiệp ước trước ngày 31/3 vừa qua để 194 nước thông qua tại kỳ họp thường niên năm 2024 của Đại hội đồng Y tế Thế giới, khai mạc vào ngày 27/5 tới.

Theo WHO, trong vòng đàm phán này, các nhà đàm phán đã thảo luận về những điều khoản trong dự thảo hiệp ước, bao gồm tài chính để chuẩn bị sẵn sàng trước đại dịch, tiếp cận công bằng các biện pháp y tế cần thiết và tăng cường lực lượng lao động y tế. Hiện các nước đang tranh luận về những điểm vướng mắc chính, bao gồm khả năng tiếp cận để tiến hành điều tra mầm bệnh mới nổi, giám sát tốt hơn các đợt bùng phát dịch, nguồn tài chính bảo đảm và chuyển giao công nghệ chống đại dịch cho những nước kém phát triển hơn.

Một vòng đàm phán bổ sung sẽ được tiến hành từ ngày 29/4 đến 10/5 tại trụ sở của WHO ở Geneva (Thụy Sĩ), để các nước tiếp tục “chạy đua với thời gian” tìm kiếm sự đồng thuận cho hiệp ước ứng phó đại dịch.

Đồng Chủ tịch INB, ông Roland Driece kỳ vọng rằng các quốc gia sẽ tận dụng cơ hội cuối cùng này, xóa bỏ những bất đồng và không để đàm phán thất bại.

Quan chức này nêu rõ, không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải đàm phán thành công và các quốc gia cần có trách nhiệm duy trì tính cấp bách của vấn đề y tế này. Theo kế hoạch, INB sẽ soạn dự thảo hiệp ước mới trước ngày 18/4, trong đó tập trung vào những lĩnh vực đã đạt được sự đồng thuận của các nước.

Sự bùng phát nhiều dịch bệnh cùng lúc như hiện nay đang đặt ra yêu cầu cấp bách tăng cường phối hợp giữa các quốc gia và tổ chức quốc tế. Các nước cũng tiếp tục thúc đẩy triển khai sáng kiến hợp tác về ứng phó dịch bệnh. Mới đây, WHO ra mắt mạng lưới toàn cầu về virus corona CoViNet, nhằm phát hiện, theo dõi và đánh giá sớm cũng như chính xác các virus SARS-CoV-2, MERS-CoV và các chủng virus corona mới.

Giới chuyên gia vẫn cho rằng, sự chú ý của các nước đối với các thảm họa y tế đang dần nhường chỗ cho những vấn đề quan trọng khác như biến đổi khí hậu, các cuộc xung đột ở Gaza, Ukraine... Đây cũng là một rào cản khiến hiệp ước toàn cầu về ứng phó đại dịch khó cán đích đúng thời hạn. Ngay khi các cuộc đàm phán về hiệp ước này được khởi động, nhiều ý kiến cho rằng đây sẽ là một tiến trình chông gai bởi những nội dung trong đó gồm các biện pháp mang tính ràng buộc pháp lý với các nước ký kết, theo đó các nước phải chia sẻ lợi ích nhiều hơn.

Tuy khó khăn nhưng việc đạt được hiệp ước toàn cầu về ứng phó đại dịch sẽ mang ý nghĩa đặc biệt đối với thế giới. Tình trạng hỗn loạn bởi dịch Covid-19 trong quá khứ đã cho thấy thế giới cần một thoả thuận chung để tạo nền tảng vững chắc cho việc chuẩn bị ứng phó sẵn sàng, hiệu quả với các thảm họa dịch bệnh trong tương lai.

Theo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày