Thứ 6, 27/12/2024, 17:02[GMT+7]

Chính sách kinh tế khắc khổ của Argentina

Thứ 5, 16/05/2024 | 08:28:59
2,339 lượt xem
Lần đầu tiên sau 16 năm, Argentina đạt thặng dư ngân sách trong một quý với hơn 4,3 tỷ USD, tương đương 0,6% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), nhờ áp dụng triệt để chính sách “thắt lưng buộc bụng”. Các biện pháp siêu tiết kiệm của Tổng thống Javier Milei đã giúp giải quyết tình trạng thâm hụt ngân sách, góp phần hạ nhiệt lạm phát và hy vọng thúc đẩy tăng trưởng. Tuy nhiên, chính sách kinh tế khắc khổ “với những liệu pháp gây sốc” cũng khiến cuộc sống của người dân lâm vào khó khăn, và làn sóng biểu tình tiếp tục gia tăng.

Người dân mua sắm ở một cửa hàng bán quần áo cũ tại thủ đô Buenos Aires của Argentina. (Ảnh: Reuters)

Kể từ khi nhậm chức hồi tháng 12/2023, Tổng thống Javier Milei đã điều chỉnh chính sách tài khóa, trong đó cắt giảm mạnh chi tiêu công nhằm đạt được cân bằng tài chính. Ngay sau khi được thành lập, Chính phủ Tổng thống Milei tuyên bố phá giá 50% giá trị đồng peso nội tệ; cắt giảm số bộ, từ 18 còn 9 bộ; sa thải nhiều lao động trong khu vực công; giảm trợ cấp phương tiện giao thông công cộng và chăm sóc y tế; giảm ngân sách trung ương phân bổ cho các tỉnh và ngừng mở thầu các dự án hạ tầng sử dụng ngân sách nhà nước. Quý I/2024, Chính phủ Argentina đã sa thải 50.000 người lao động khu vực nhà nước và khẳng định sẽ tiếp tục cắt giảm thêm 70.000 người trong tháng 4.

Kết quả ban đầu

Với việc cắt giảm mạnh chi tiêu công, chính phủ của Tổng thống Milei đặt ra mục tiêu đầy tham vọng là đạt thặng dư ngân sách tương đương 3% GDP trong năm 2024. Tổng thống Milei cho biết, kể từ năm 2008 tới nay, đây là quý đầu tiên, Argentina thoát khỏi tình trạng thâm hụt ngân sách và đây là “một phép màu”. Theo ông Milei, chính phủ hiện nay đã cắt giảm 22% chi phí vận hành của bộ máy nhà nước, tinh giản triệt để bộ máy hành chính công với việc giảm một nửa số người đảm nhiệm chức vụ tại các cơ quan nhà nước, cũng như giải thể nhiều bộ, ban, ngành không cần thiết.

Với việc điều chỉnh chi tiêu công thông qua giảm 76% ngân sách trung ương phân bổ cho các địa phương và cắt giảm tới 87% vốn đầu tư công vào công trình công cộng, Chính phủ Argentina đã tiết kiệm được khoản tài chính tương đương 5% GDP.

Với việc điều chỉnh chi tiêu công thông qua giảm 76% ngân sách trung ương phân bổ cho các địa phương và cắt giảm tới 87% vốn đầu tư công vào công trình công cộng, Chính phủ Argentina đã tiết kiệm được khoản tài chính tương đương 5% GDP. Lạm phát tại Argentina trong tháng 3 đã hạ so với trước, khi Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tiếp tục đà giảm tháng thứ ba liên tiếp và chỉ tăng 11% so với tháng 2. Mức tăng CPI tháng 3 đã giảm đáng kể so với 13,2% ghi nhận trong tháng 2 và 20,6% của tháng 1.

Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm 2023, lạm phát tại nền kinh tế lớn thứ 3 Mỹ Latin vẫn ở mức rất cao. Cụ thể, tháng 3 vừa qua, lạm phát vẫn ở mức 11% so với tháng trước và tăng tới 287,9% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là mức tăng lạm phát cao nhất trên thế giới. Ngân hàng JP Morgan dự báo tình trạng siêu lạm phát của nền kinh tế Argentina sẽ được kiểm soát vào năm 2025 ở mức 40%. Trong khi đó, Morgan Stanley nhận định lạm phát của Argentina có thể chỉ còn 31% vào năm 2025, và đây là mức dự báo lạc quan nhất. Theo Morgan Stanley, thâm hụt ngân sách trong năm nay ở mức 1,7% và sẽ ở mức 0,7% vào năm tới, thấp hơn nhiều so với kỳ vọng của Tổng thống Milei.

Các giải pháp cải cách kinh tế của Tổng thống Argentina Javier Milei được Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đánh giá cao. Ông William Maloney, nhà kinh tế trưởng phụ trách Mỹ Latin và Caribe của WB đánh giá, Chính phủ Argentina đang đi đúng hướng để quốc gia Nam Mỹ có thể thoát khỏi tình trạng trì trệ. Việc Buenos Aires khống chế thâm hụt ngân sách được đánh giá sẽ góp phần kiềm chế lạm phát và việc kiểm soát được siêu lạm phát mang tính quyết định đối với nền kinh tế. IMF cũng ca ngợi các chính sách kinh tế “táo bạo” của chính phủ Tổng thống Milei để khôi phục ổn định kinh tế và giải quyết các vấn đề đang làm chậm tăng trưởng và đầu tư. Ủng hộ chính sách cắt giảm thâm hụt ngân sách, nhưng IMF cũng cảnh báo Buenos Aires cần quan tâm tới những người dễ bị tổn thương trong xã hội khi điều chỉnh các chính sách kinh tế.

Khó khăn, thách thức

Các chính sách “thắt lưng buộc bụng” của Tổng thống Milei đang gây bất đồng giữa chính quyền trung ương và các thống đốc tỉnh bởi các địa phương bị cắt giảm ngân sách dành cho giáo dục, y tế và xây dựng hạ tầng. Việc sa thải nhân viên, cộng với lạm phát vẫn ở mức hai con số khiến đời sống của người lao động gặp nhiều khó khăn. Thu nhập thực tế của người dân Argentina sụt giảm. Một nghiên cứu cho thấy, 51,8% dân số nước này, tức khoảng 22,6 triệu người rơi vào cảnh nghèo đói trong quý I/2024, tăng 3,2 triệu người so với tháng 12/2023. Giáo sư Martin Gonzalez-Rozada của Đại học Torcuato Di Tella cho biết, nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tỷ lệ nghèo đói tại Argentina tăng vọt trong 3 tháng đầu năm nay là do lạm phát vẫn ở mức rất cao. Theo giới phân tích, việc chính quyền của Tổng thống Javier Milei quyết định phá giá tới 50% đồng peso và sự leo thang mất kiểm soát giá hàng hóa thiết yếu đã làm suy giảm đáng kể sức mua ở tầng lớp trung lưu, đẩy hàng triệu người rơi vào cảnh nghèo đói.

Các chính sách kinh tế hà khắc của chính phủ dẫn tới đình công, biểu tình trên khắp Argentina. Mới đây nhất, hiệu trưởng của 57 trường đại học công lập tại Argentina đã kêu gọi các học sinh, sinh viên và người lao động tham gia biểu tình. Nhiều tổ chức xã hội, các chính đảng đối lập và sinh viên nhiều trường đại học tư cũng hưởng ứng. Đây là cuộc biểu tình lớn nhất phản đối chính sách “thắt lưng buộc bụng” của chính phủ kể từ khi Tổng thống Milei nhậm chức. Chỉ riêng tại thủ đô đã có khoảng 500.000 người tham gia. Thư ký Liên đoàn Đại học Argentina (FUA) Tomás Battaglino khẳng định, người dân Argentina sẽ không từ bỏ hệ thống giáo dục công lập, miễn phí và có chất lượng, phục vụ phát triển và bảo vệ chủ quyền đất nước.

Chính phủ sẽ thúc đẩy tiết kiệm và giảm thuế cho đến khi Argentina có mức chi tiêu công phù hợp với mức đất nước cần phát triển.

Tổng thống Milei

Ông nhấn mạnh sự tham gia đông đảo của các giảng viên và sinh viên vào cuộc biểu tình là lời cảnh tỉnh mạnh mẽ đối với các chính sách hà khắc hiện nay của chính phủ. Năm nay, Chính phủ Argentina đã cắt giảm hơn 72% ngân sách cho hệ thống giáo dục và là mức ngân sách thấp nhất kể từ năm 1997. Mới đây, Đại học Buenos Aires (UBA), một trong ba trường đại học có danh tiếng nhất tại Mỹ Latin, thuộc sở hữu nhà nước, đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp về ngân sách và cảnh báo trường sẽ chỉ có thể tiếp tục hoạt động thêm vài tháng tới do cạn kiệt kinh phí.

Tổng thống Milei cho biết, chính phủ sẽ thúc đẩy tiết kiệm và giảm thuế cho đến khi Argentina có mức chi tiêu công phù hợp với mức đất nước cần phát triển. Theo ông, cách duy nhất để giúp 60% người dân Argentina thoát nghèo là tăng trưởng kinh tế, dựa trên các ngành khoáng sản, dầu mỏ, khí đốt và nông nghiệp cùng với việc tái cơ cấu tiền lương sát thực tế, kiềm chế lạm phát. Ông cam kết sẽ đạt thặng dư tài chính trong năm nay, từ mức thâm hụt tương đương 2,9% GDP trong năm 2023. Được đánh giá đem lại một số dấu hiệu tích cực cho nền kinh tế, song chính sách “mang tính tham vọng nhất trong lịch sử” của Tổng thống Milei hiện nay vẫn gây tranh cãi trong nước và tiếp tục đặt chính quyền của ông Milei trước những thách thức lớn.

Theo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày