Chủ nhật, 24/11/2024, 22:20[GMT+7]

Nhật Bản củng cố quan hệ với các nước Nam bán cầu

Thứ 5, 23/05/2024 | 09:37:11
1,908 lượt xem
Bộ trưởng Ngoại giao Nhật BảnYoko Kamikawa đang có chuyến công du dài ngày trải dài từ châu Âu, châu Phi và Nam Á. Ngoại trừ cuộc họp ở Pháp, việc người đứng đầu ngành ngoại giao Nhật Bản thăm các quốc gia châu Phi và Nam Á được cho là nhằm củng cố quan hệ với Nam bán cầu.

Bộ trưởng Ngoại giao hai nước Nhật Bản và Madagascar gặp gỡ ngày 27/4/2024. (Ảnh: Bộ Ngoại giao Nhật Bản)

Chuyến thăm của Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Yoko Kamikawa tới một loạt nước, gồm Madagascar, Côte d’Ivoire, Nigeria, Pháp, Sri Lanka và Nepal, kéo dài từ ngày 26/4 đến 5/5, là chuyến thăm đầu tiên của bà đến các nước châu Phi thuộc khu vực cận Sahara và hai quốc gia Nam Á. Đây cũng là lần đầu, một “vị thuyền trưởng” ngành ngoại giao của đất nước Mặt trời mọc thăm đảo quốc Madagascar kể từ khi nước này giành độc lập năm 1960.

Chuyến thăm được cho là nhằm tăng cường quan hệ kinh tế với Lục địa Đen, cũng như đặt nền móng cho cuộc họp cấp bộ trưởng về phát triển châu Phi mà Nhật Bản sẽ tổ chức tại Tokyo tháng 8 tới.

Chuyến thăm của Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Yoko Kamikawa tới một loạt nước, gồm Madagascar, Côte d’Ivoire, Nigeria, Pháp, Sri Lanka và Nepal, kéo dài từ ngày 26/4 đến 5/5, là chuyến thăm đầu tiên của bà đến các nước châu Phi thuộc khu vực cận Sahara và hai quốc gia Nam Á.

Bà Kamikawa cho biết, để hỗ trợ hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp Nhật Bản mở rộng trên thế giới nói chung và tại khu vực châu Phi nói riêng, Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã quyết định bổ nhiệm quan chức chuyên trách về kinh tế tại các cơ quan đại diện nước ngoài. Trước mắt, nội dung này sẽ được thí điểm tại sáu cơ quan đại diện ở năm quốc gia, gồm Đại sứ quán Nhật Bản tại Nam Phi, Anh, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và Tổng Lãnh sự quán tại Dubai (Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất) và Tổng Lãnh sự quán tại Istabul (Thổ Nhĩ Kỳ). Trong chuyến thăm dài ngày lần này, Bộ trưởng Kamikawa có các cuộc làm việc, đối thoại để lắng nghe nguyện vọng của các doanh nghiệp Nhật Bản đang kinh doanh ở sở tại, từ đó có những truyền đạt đến chính phủ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp này phát triển các dự án hợp tác ở khu vực.

Trong khuôn khổ chuyến thăm, người đứng đầu Bộ Ngoại giao Nhật Bản đến thủ đô Paris (Pháp) để tham dự Hội nghị Bộ trưởng Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), nhân dịp kỷ niệm 60 năm Nhật Bản trở thành thành viên của tổ chức này, cũng như tham dự Hội nghị không chính thức cấp bộ trưởng của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và Đối thoại kinh tế cấp cao Nhật Bản-Liên minh châu Âu (EU).

Bà Kamikawa nhấn mạnh, trong bối cảnh tình hình quốc tế chia rẽ và xung đột sâu sắc, Nhật Bản cần đẩy mạnh hợp tác với các nước Nam bán cầu đang ngày càng hiện diện mạnh mẽ trên trường quốc tế, xây dựng niềm tin chiến lược với các nước châu Phi, Nam Á để cùng phát triển, thịnh vượng và hiện thực hóa một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Ngoài ra, quốc gia Đông Á cũng truyền đi thông điệp mạnh mẽ về tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác giữa các nước để giải quyết các vấn đề toàn cầu, bao gồm cụ thể hóa Chương trình nghị sự của Liên hợp quốc về phụ nữ, hòa bình và an ninh (WPS).

Quyết tâm củng cố quan hệ với châu Phi từng được Tokyo thể hiện qua chuyến công du kéo dài một tuần của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio tới Ai Cập, Ghana, Kenya và Mozambique hồi tháng 4/2023. Đây là chuyến thăm châu Phi đầu tiên của ông Kishida kể từ khi nhậm chức Thủ tướng Nhật Bản tháng 10/2021. Sách Xanh ngoại giao Nhật Bản công bố tháng 3/2023 lần đầu đề cập thuật ngữ “Nam bán cầu”, thường được dùng chỉ các nước đang phát triển và các nước mới nổi ở khu vực Trung-Nam Mỹ, châu Phi, Nam Á, Đông Nam Á. Tài liệu này nêu rõ, điều quan trọng là hợp tác với các quốc gia mới nổi và đang phát triển theo cách toàn diện để vượt qua những sự khác biệt về giá trị và lợi ích trong chủ nghĩa đa phương. Ngoài ra, theo giới chuyên gia, các nước Nam bán cầu có nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng, nhân lực dồi dào và tiềm năng phát triển kinh tế có vai trò hết sức quan trọng trong việc giúp Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) khắc phục các cuộc khủng hoảng hiện nay như giá năng lượng và lương thực tăng cao, gián đoạn chuỗi cung ứng, trong đó có việc chuyển chuỗi cung ứng sang các nước Nam bán cầu.

Trong 10 năm qua, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của Nhật Bản vào châu Phi giảm đáng kể, xuống còn 6,1 tỷ USD năm 2021, chưa bằng một nửa số tiền đầu tư hồi năm 2013. Tuy nhiên, Nhật Bản đã nhận ra sự “lơ là” của mình nên đang nỗ lực củng cố hợp tác với Nam bán cầu, trong đó có các quốc gia châu Phi, nhằm gia tăng ảnh hưởng, vị thế của đất nước Mặt trời mọc đối với khu vực này.

Theo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày