Giải bài toán tài chính cho WHO
Nhằm hạn chế tình trạng bấp bênh về tài chính, WHO vừa tuyên bố thay đổi cách thức gây quỹ. Theo đó, cơ chế tài chính mới mang tên “Vòng đầu tư” sẽ giúp WHO huy động nguồn tài chính ổn định, linh hoạt hơn cho giai đoạn 2025-2028. Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus khẳng định, với ngân sách bền vững, WHO có thể tập trung thực hiện các dự án y tế hoặc ứng phó khi dịch bệnh bùng phát, thay vì lãng phí thời gian gây quỹ hoạt động.
Ngay sau khi được công bố, cơ chế mới đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ. Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố đóng góp hơn 250 triệu euro cho “Vòng đầu tư”. Brazil thông báo sẽ đăng cai tổ chức “Vòng đầu tư” vào tháng 11 tới, trên cương vị Chủ tịch Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), để huy động sự đóng góp của các nhà tài trợ. Singapore, Qatar, Pháp, Đức, Na Uy, Ireland… cũng khẳng định ủng hộ WHO xây dựng quỹ hoạt động ổn định và linh hoạt hơn.
Bộ trưởng Y tế Na Uy Jan Christian Vestre nhấn mạnh, triển khai cơ chế tài chính mới là bước đi quan trọng, tiếp sức cho nỗ lực bảo vệ sức khỏe người dân của WHO.
Tài chính luôn là bài toán nan giải của WHO. Kinh phí hoạt động của tổ chức này chủ yếu đến từ hai nguồn là đóng góp tự nguyện và đóng góp cố định. Đóng góp cố định là khoản phí thành viên từ 194 quốc gia, được tính dựa trên quy mô dân số và sự thịnh vượng của mỗi nước. Chỉ chiếm chưa đến 1/5 tổng kinh phí hoạt động nhưng đây là khoản tài chính mà WHO có thể sử dụng linh hoạt. Trong khi đó, mặc dù chiếm phần lớn nguồn thu ngân sách của WHO, hơn 80%, song khoản đóng góp tự nguyện lại không bền vững, do phụ thuộc vào các nhà tài trợ. Ngoài ra, nguồn quỹ này được phân bổ kèm theo các điều kiện cụ thể của các nhà tài trợ về mục đích, thời gian, địa điểm sử dụng.
Tình trạng trên khiến WHO khó duy trì nền tảng tài chính bền vững để chủ động ứng phó các cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu. Tổng Giám đốc WHO thừa nhận, trong giai đoạn Covid-19 bùng phát, tổ chức này gặp rất nhiều khó khăn khi tìm kiếm nguồn tài trợ tự nguyện từ các nước để ứng phó đại dịch.
Giai đoạn khó khăn nhất của đại dịch Covid-19 đã qua, song thách thức đối với WHO vẫn tồn tại. Cơ quan này vẫn phải ứng phó ngày càng nhiều trường hợp khẩn cấp, từ xung đột, thiên tai đến các dịch bệnh truyền nhiễm. Báo cáo do một ủy ban giám sát độc lập công bố mới đây cho thấy, chỉ trong năm 2023, bộ phận ứng phó khẩn cấp của WHO đã phải huy động nguồn lực để xử lý 72 tình huống khẩn cấp, trong đó có các trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, xung đột ở Sudan, Ukraine và Dải Gaza, cũng như đợt bùng phát dịch tả quy mô lớn trên toàn cầu.
Mặc dù có rất nhiều vấn đề cần giải quyết ngay nhưng bộ phận ứng phó khẩn cấp của WHO lại đang phải đối mặt nguy cơ cạn kiệt nguồn tài chính để xử lý khủng hoảng và duy trì hoạt động. Ông Ghebreyesus cho biết, do hạn chế về tài chính, WHO thậm chí phải ký hợp đồng ngắn hạn với nhiều nhân viên. Giới phân tích nhận định, khi thế giới đối mặt nhiều tình trạng khẩn cấp cùng lúc, khoảng trống về tài chính và nhân lực của WHO càng lộ rõ.
Không thể phủ nhận vai trò “nhạc trưởng” của WHO trong xử lý các cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu. Trong 5 năm qua, với nỗ lực của WHO và các nước thành viên, 1,2 tỷ người dân sống khỏe mạnh hơn nhờ môi trường sống lành mạnh, có thêm gần 430 triệu người được tiếp cận các dịch vụ y tế thiết yếu, 600 triệu người được bảo vệ tốt hơn... WHO cũng kề vai sát cánh cùng các nước vượt qua giai đoạn sóng gió nhất của đại dịch Covid-19.
Nguồn tài chính bền vững và linh hoạt là nhân tố quan trọng hàng đầu giúp WHO thực hiện sứ mệnh của mình, đồng thời tiếp tục khẳng định vai trò trung tâm trong giải quyết các thách thức y tế toàn cầu.
Theo Nhân Dân
Tin cùng chuyên mục
- Châu Âu trải qua 5 mùa hè nóng nhất trong 2 thập kỷ 20.07.2022 | 11:00 AM
- 10 năm sau thảm họa kép tại Nhật Bản: Nỗi đau vẫn còn 11.03.2021 | 09:43 AM
- Bạo loạn tại nhà Quốc hội - Cuộc khủng hoảng nghiêm trọng về hình ảnh và vị thế nước Mỹ 10.01.2021 | 14:37 PM
- 4 kịch bản bất ngờ sau ngày bầu cử Mỹ 03.11.2020 | 15:02 PM
- Đông Nam Á chạy đua đón đầu tư Mỹ 12.06.2020 | 08:49 AM
- Người Mỹ trong vòng xoáy của “cơn bão kép” 03.06.2020 | 09:29 AM
- Hành trình Covid-19 lây nhiễm toàn cầu và vượt mốc 1 triệu người mắc 04.04.2020 | 09:51 AM
- Lý giải nguyên nhân khiến dịch Covid-19 lây lan nhanh ở châu Âu 11.03.2020 | 17:27 PM
- Những thay đổi với cuộc sống người dân EU và Anh trong ngày 1/2 31.01.2020 | 13:59 PM
- Nhìn lại thế giới 2019: Các xu hướng chiến lược ở châu Phi 24.12.2019 | 15:59 PM
Xem tin theo ngày
- Đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế tạo đà bứt phá cho tăng trưởng năm 2025
- Xác định công tác cán bộ là nhiệm vụ “then chốt” của công tác xây dựng Đảng
- Các đồng chí lãnh đạo hai tỉnh Thái Bình, Hưng Yên: Thăm, chúc mừng Tòa Giám mục Giáo phận Thái Bình nhân dịp lễ Giáng sinh năm 2024
- Công tác dân vận góp phần giữ vững ổn định chính trị, xã hội
- Đưa nội hàm “chống lãng phí” vào công tác kiểm tra, giám sát của Đảng
- Bế giảng lớp bồi dưỡng đối với công chức ngạch chuyên viên cao cấp và tương đương năm 2024
- Triển khai chương trình thống nhất hành động công tác mặt trận năm 2025
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh nhân kỷ niệm 80 năm ngày thành lập QĐND Việt Nam
- Gặp mặt kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm ngày hội quốc phòng toàn dân
- Gặp mặt cán bộ cấp tướng Quân đội, Công an quê hương Thái Bình