Thứ 3, 25/06/2024, 18:32[GMT+7]

Khởi đầu mới

Thứ 6, 21/06/2024 | 09:33:14
732 lượt xem
Sau hơn 20 năm hoạt động, Phái bộ Hỗ trợ của Liên hợp quốc tại Iraq (UNAMI) sẽ chấm dứt sứ mệnh vào cuối năm 2025. Ủng hộ quyết định lịch sử mở ra chương mới trong tiến trình phát triển, người dân Iraq khẳng định sẵn sàng chịu hoàn toàn trách nhiệm về tương lai chính trị của đất nước.

Ảnh: Fanpage United Nations Assistance Mission for Iraq-UNAMI

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã thống nhất thông qua Nghị quyết chấm dứt sứ mệnh của UNAMI vào cuối năm 2025, sau hơn 20 năm phái bộ hoạt động tại Iraq.

Hồi đầu tháng 5, trong thư gửi cơ quan Liên hợp quốc, Thủ tướng Iraq Mohammed Shia’ al-Sudani đề nghị “đóng cửa” phái bộ, với lý do sau khi UNAMI đã hoàn tất những nhiệm vụ chủ chốt, không còn cơ sở để tiếp tục phái bộ chính trị tại Iraq.

Được thành lập năm 2003 theo Nghị quyết của Hội đồng Bảo an với sứ mệnh giúp Iraq lập lại ổn định, UNAMI có nhiệm vụ hỗ trợ phát triển các thể chế, thúc đẩy đối thoại, bầu cử và nhiều vấn đề khác. Với khoảng 700 nhân viên, phái bộ chịu trách nhiệm cố vấn cho Chính phủ Iraq về đối thoại và hòa giải chính trị, cũng như hỗ trợ các cuộc bầu cử, cải cách an ninh. Với Nghị quyết mà Hội đồng Bảo an vừa thông qua, UNAMI được gia hạn 19 tháng cuối cùng, trước khi “ngừng mọi công việc và hoạt động” sau ngày 31/12/2025.

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã thống nhất thông qua Nghị quyết chấm dứt sứ mệnh của UNAMI vào cuối năm 2025, sau hơn 20 năm phái bộ hoạt động tại Iraq.

Tiến trình chuyển đổi vai trò của Liên hợp quốc tại Iraq được Nga, Trung Quốc, Anh và Pháp bày tỏ ủng hộ. Nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an còn lại là Mỹ, sau những thận trọng ban đầu, đã chắp bút soạn thảo Nghị quyết. Đại diện Mỹ tại Liên hợp quốc nhấn mạnh, Iraq đã thay đổi đáng kể trong những năm gần đây và nhiệm vụ của UNAMI cần được điều chỉnh lại, nhằm thúc đẩy một Iraq an toàn, ổn định và có chủ quyền.

Trong kế hoạch kết thúc sứ mệnh UNAMI vừa được thông qua, Hội đồng Bảo an tiếp tục khẳng định ủng hộ nỗ lực không ngừng nghỉ của Baghdad nhằm ổn định tình hình trong nước, trong đó có cuộc chiến chống tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) và các nhóm cực đoan khác.

Được nhất trí trong bối cảnh Iraq mong muốn thu hẹp hoạt động của liên minh quân sự do Mỹ đứng đầu chống IS, với lý do lực lượng an ninh Iraq đủ khả năng đối phó các nhóm thánh chiến sót lại trong nước, Nghị quyết còn bày tỏ ủng hộ nỗ lực của Baghdad hồi hương người Iraq vốn phải di tản do bất ổn, thúc đẩy cải cách chống tham nhũng, tôn trọng và bảo vệ nhân quyền, cung cấp các dịch vụ thiết yếu cho người dân, tạo việc làm và đa dạng hóa nền kinh tế, cũng như thúc đẩy giải quyết các vấn đề giữa Iraq và các quốc gia khác…

Hơn ai hết, Iraq hoan nghênh Nghị quyết mới của Hội đồng Bảo an, đồng thời đánh giá cao vai trò tích cực của UNAMI và các cơ quan Liên hợp quốc tại Iraq hai thập niên qua. Người phát ngôn Chính phủ Iraq khẳng định, kế hoạch “đóng cửa” UNAMI phản ánh tiến bộ và ổn định ở quốc gia Trung Đông. Song, những thách thức vẫn còn hiện hữu.

Thực tế, trong đánh giá chiến lược về Iraq, bên cạnh những thành tựu đáng ghi nhận của quốc gia Trung Đông, các chuyên gia cho hay, sự ổn định của Iraq vẫn bị đe dọa bởi sự mong manh của các thể chế, nguy cơ gia tăng các nhóm vũ trang và khả năng xuất hiện hình thức khủng bố và chủ nghĩa cực đoan bạo lực khác. Chính phủ Iraq tin rằng, với nỗ lực của quốc gia, bằng cách tập hợp các nhà lãnh đạo chính trị, các giải pháp thực tế sẽ được triển khai. Khẳng định UNAMI hết sứ mệnh tại quốc gia Trung Đông là vì không còn phù hợp, Iraq nhấn mạnh mong muốn tiếp tục tăng cường hợp tác với các tổ chức của Liên hợp quốc.

Đề nghị chấm dứt sứ mệnh của UNAMI, đồng thời cam kết vẫn là đối tác bền vững với tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh và các chương trình phát triển của Liên hợp quốc, Iraq khẳng định nỗ lực củng cố và tăng cường uy tín quốc gia, bằng cách đối mặt trực tiếp những thách thức trong nước, đồng thời tích cực mở rộng quan hệ đối tác với nhiều quốc gia trên thế giới. Sau 20 năm thay đổi, đã đến lúc Iraq sẵn sàng chịu trách nhiệm hoàn toàn về vận mệnh chính trị của quốc gia có chủ quyền và nỗ lực đóng góp cho sự ổn định và phát triển trong khu vực.

Theo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày