Thứ 6, 27/12/2024, 12:34[GMT+7]

EU tăng cường an ninh khu vực

Thứ 5, 11/07/2024 | 11:37:24
2,060 lượt xem
Tờ Nikkei Asia của Nhật Bản đưa tin, Liên minh châu Âu (EU) đang tìm cách thiết lập mối quan hệ đối tác an ninh, quốc phòng với Nhật Bản và Hàn Quốc, nhằm tiến tới hợp tác chung trong các dự án phát triển công nghiệp quốc phòng. Động thái này sẽ đánh dấu lần đầu EU thiết lập quan hệ đối tác an ninh, quốc phòng với các quốc gia châu Á.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Getty/Báo Quân đội nhân dân)

Nâng cao năng lực ứng phó

Việc phát triển các mối quan hệ hợp tác phù hợp và có lợi ích cho cả hai bên là một trụ cột quan trọng trong nỗ lực an ninh và quốc phòng của EU, như đã được nhấn mạnh trong sáng kiến “La bàn chiến lược” của EU. Công cụ mới này dựa trên các quan hệ hợp tác lâu đời của EU, là một khuôn khổ hợp tác chính trị phi ràng buộc được thiết kế riêng cho các đối tác được lựa chọn, đồng thời cấu trúc mối quan hệ rộng lớn và sâu sắc của châu Âu trên toàn bộ lĩnh vực thúc đẩy hòa bình, an ninh và quốc phòng.

Với “La bàn chiến lược”, EU đặt mục tiêu cao nhất là nâng cao năng lực tự chủ, theo hướng nhanh hơn, mạnh hơn và linh hoạt hơn, để có thể tự thực hiện trách nhiệm bảo đảm an ninh và quản lý các cuộc khủng hoảng. EU sẽ tiếp tục mở rộng và làm sâu sắc các mối quan hệ đối tác phù hợp các giá trị và lợi ích chung, điển hình là sự phát triển của quan hệ đối tác chiến lược giữa EU và Liên hợp quốc về hòa bình và an ninh, cũng như quan hệ đối tác chiến lược với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp chưa từng có với nhiều mối đe dọa và thách thức chồng chéo như cuộc xung đột tại Ukraine, tình hình leo thang căng thẳng ở Trung Đông, vùng Sahel và nhiều khu vực khác trên thế giới, mối đe dọa khủng bố gia tăng, EU đứng trước nhiệm vụ cấp bách phải nâng cao khả năng ứng phó các nguy cơ, đồng thời tăng cường năng lực phản ứng nhanh trước các tình huống khủng hoảng.

Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng EU ở Brussels (Bỉ) gần đây đã hoan nghênh các nhiệm vụ và hoạt động của Chính sách an ninh và quốc phòng chung (CSDP) của EU trên toàn thế giới, bao gồm việc ra mắt EUNAVFOR ASPIDES-lực lượng hải quân tập hợp để chống lại hoạt động buôn người ở Địa Trung Hải. Hội đồng quân sự EU cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của Cơ chế Hòa bình châu Âu (EPF) như một công cụ hỗ trợ toàn cầu, khuyến khích các quốc gia thành viên đóng góp vào năng lực triển khai nhanh của EU vào năm 2025.

Các bộ trưởng EU khẳng định tầm quan trọng của việc tăng cường khả năng phòng ngừa, phát hiện, răn đe và phản ứng của EU đối với các mối đe dọa như tấn công mạng và thông tin sai lệch.

Các bộ trưởng EU khẳng định tầm quan trọng của việc tăng cường khả năng phòng ngừa, phát hiện, răn đe và phản ứng của EU đối với các mối đe dọa như tấn công mạng và thông tin sai lệch. Các lĩnh vực không gian, hàng hải và hàng không có vai trò đặc biệt quan trọng đối với an ninh và quốc phòng của EU. Tháng 3 vừa qua, EU công bố chiến lược công nghiệp quốc phòng đầu tiên của khối, nhằm tăng cường sự hợp tác của các nước thành viên trong đầu tư, nghiên cứu, phát triển và mua sắm thiết bị quốc phòng. Chiến lược này cũng nhằm tìm cách tăng cường hợp tác giữa EU với những nước có cùng mối quan tâm.

Củng cố các mối quan hệ đối tác

Bên cạnh các ưu tiên nhằm củng cố năng lực phòng thủ, quốc phòng, EU chú trọng tăng cường phát triển các mối quan hệ đối tác quan trọng. EU và Na Uy đã ký kết thỏa thuận Đối tác an ninh và phòng thủ mới. Đây là bước tiến mới trong quan hệ hai bên, góp phần vào an ninh tập thể mang lại lợi ích cho cả công dân Na Uy và EU. Thỏa thuận bao gồm các lĩnh vực hợp tác hiện có và việc Na Uy tham gia các nhiệm vụ, hoạt động trong khuôn khổ CSDP, cũng như tham gia các sáng kiến quốc phòng của EU. Ngoài ra, mối quan hệ đối tác này còn thúc đẩy hợp tác thực tiễn trong các lĩnh vực như an ninh hàng hải, an ninh mạng, chống thao túng và can thiệp thông tin từ nước ngoài.

Trong khi đó, nhằm cải thiện hợp tác an ninh với các nước Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, EU và Ấn Độ đã thiết lập một số đối thoại về quốc phòng và an ninh. Nhóm 27 quốc gia cũng đã hợp tác với quốc gia Nam Á trong dự án CRIMARIO nhằm tập trung nâng cao năng lực nhận thức về lĩnh vực hàng hải cho các quốc gia Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Ấn Độ cũng phối hợp với EU trong dự án Tăng cường An ninh với châu Á và tại châu Á (ESIWA) do EU tài trợ, xây dựng sự hợp tác về an ninh mạng, chống khủng bố và an ninh hàng hải. Hai bên tăng cường hợp tác an ninh trong những năm gần đây với cuộc tập trận hải quân chung đầu tiên ở Vịnh Guinea và Ấn Độ cũng tham gia cuộc tập trận Chiến dịch Atalanta của EU ở tây bắc Ấn Độ Dương. Sự hợp tác an ninh và quốc phòng của EU với Ấn Độ cũng như sự tham gia của EU trên khắp Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ngày càng gia tăng.

Đặc phái viên EU về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Richard Tibbels cho rằng, hợp tác quốc phòng và an ninh của EU với Ấn Độ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương dự kiến sẽ tăng lên trong bối cảnh môi trường an ninh trong khu vực ngày càng xấu đi. Ấn Độ và EU đã nâng quan hệ song phương lên đối tác chiến lược vào năm 2004, song quốc phòng và an ninh chỉ gần đây mới trở thành một phần quan trọng trong chương trình nghị sự, điều này đặc biệt quan trọng khi trật tự an ninh khu vực ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương có dấu hiệu rạn nứt. Ông Tibbels nhấn mạnh, EU có mối quan tâm rõ ràng đến khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nơi các quốc gia độc lập, có chủ quyền có đủ sức mạnh để bảo vệ lợi ích quốc gia của mình. Khi thế giới đang phải đối mặt những bước ngoặt địa chính trị lớn, EU coi Ấn Độ là đối tác quan trọng trong việc thực hiện Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Trong quan hệ đối tác với Nhật Bản và Hàn Quốc, EU xem xét hợp tác trong các lĩnh vực như không gian, an ninh mạng, an ninh hàng hải cũng như ngăn chặn thông tin sai lệch. Riêng đối với Nhật Bản, đã có đề xuất về việc mở rộng cơ hội để các công ty nước này tham gia những chương trình nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực quốc phòng do EU dẫn đầu. Phía EU có thể cung cấp vốn để triển khai dự án chung giữa công ty Nhật Bản và châu Âu. Bên cạnh đó, kế hoạch còn bao gồm hợp tác về vấn đề giải trừ quân bị và không phổ biến vũ khí hạt nhân. Giới phân tích nhận định, về phía EU, quan hệ đối tác sẽ tạo nền tảng cho việc phối hợp Nhật Bản trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, mang lại cơ hội phát triển chung thiết bị quốc phòng và tăng nguồn mua sắm.

EU mong muốn tăng cường hợp tác với các đối tác quan trọng nhằm chứng minh cam kết mạnh mẽ đối với việc tăng cường an ninh và ổn định không chỉ trong khu vực mà còn trên toàn cầu. Với định hướng chiến lược về an ninh, quốc phòng được thông qua hồi tháng 3, EU đặt mục tiêu trở thành một tổ chức có năng lực lớn hơn, có thể cung cấp bảo đảm an ninh mạnh mẽ hơn, qua đó củng cố và nâng cao tự chủ chiến lược, cũng như khả năng phối hợp với các đối tác nhằm bảo vệ các giá trị và lợi ích của liên minh. Trước các mối đe dọa và thách thức ngày một gia tăng, EU đang tăng cường cải thiện năng lực nhằm hành động quyết đoán trong các cuộc khủng hoảng, cũng như chủ động hơn nữa trong bảo vệ an ninh của liên minh và khu vực.

Theo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày