Thứ 6, 22/11/2024, 00:43[GMT+7]

Tín hiệu tích cực ở Afghanistan

Thứ 5, 18/07/2024 | 09:18:01
2,017 lượt xem
Vòng đàm phán mới nhất của Liên hợp quốc về tình hình Afghanistan, với lần đầu tiên có sự tham gia của đại diện Taliban, đã khép lại. Tuy chưa đạt được bước tiến quan trọng nào do quan điểm khác biệt giữa các bên nhưng cuộc họp cho thấy tín hiệu tích cực về lộ trình đưa người dân Afghanistan đến với cuộc sống ổn định và giải quyết vấn đề nhân đạo ở quốc gia Nam Á này.

Các thành viên phái đoàn Taliban dự cuộc đàm phán hòa bình với phái đoàn Chính phủ Afghanistan tại Doha, Qatar. (Ảnh: TTXVN)

Đây là lần thứ ba Liên hợp quốc tổ chức đàm phán về tình hình Afghanistan chỉ trong hơn một năm qua, song lại là vòng đàm phán có ý nghĩa đặc biệt bởi lần đầu tiên lực lượng Taliban hiện đang nắm quyền ở quốc gia Nam Á này tham dự. Hai cuộc họp lần trước, đại diện của chính quyền Taliban không tham dự vì không được mời hoặc được mời nhưng từ chối tham gia. Trong vòng đàm phán kéo dài hai ngày vừa qua, các quan chức Liên hợp quốc cùng hơn 20 đặc phái viên đã trao đổi với đại diện chính quyền Taliban do người phát ngôn Zabihullah Mujahid dẫn đầu về việc tăng cường hợp tác với Afghanistan trong các vấn đề kinh tế và nỗ lực chống ma túy.

Kết thúc vòng đàm phán mới đây, người phát ngôn của Taliban Zabihullah Mujahid cho biết, các quan chức nước ngoài "có tinh thần hợp tác tốt với Afghanistan" và "chính sách của nước ngoài với Afghanistan đang thay đổi tích cực". Về phần mình, đặc phái viên của EU tại Afghanistan Tomas Niklasson nhấn mạnh, các cuộc thảo luận về tăng cường sự can dự của cộng đồng quốc tế với Afghanistan và có những phản ứng mang tính phối hợp cao hơn với quốc gia này trong vấn đề kinh tế và chống ma túy là "một sự khởi đầu tốt".

Các cuộc thảo luận về tăng cường sự can dự của cộng đồng quốc tế với Afghanistan và có những phản ứng mang tính phối hợp cao hơn với quốc gia này trong vấn đề kinh tế và chống ma túy là "một sự khởi đầu tốt".

Đặc phái viên của EU tại Afghanistan Tomas Niklasson

Tuy vậy, vẫn có nhiều tranh cãi chung quanh cuộc thảo luận mà Liên hợp quốc tổ chức. AFP đưa tin, các nhà hoạt động vì phụ nữ đã chỉ trích việc Liên hợp quốc "nhượng bộ", không mời đại diện các tổ chức xã hội dân sự và phụ nữ tham gia cuộc họp trên để đổi lấy việc Taliban chấp thuận ngồi vào bàn đối thoại. Trước những lời chỉ trích này, ông Tomas Niklasson cho biết, kỳ vọng về giải quyết vấn đề nhân quyền tại Afghanistan sẽ không thể thực hiện được trong một cuộc đàm phán chỉ vỏn vẹn vài ngày.

Kể từ khi lên nắm quyền tại Afghanistan vào tháng 8/2021, Taliban đã áp dụng nhiều quy định hạn chế đối với phụ nữ và trẻ em gái. Hầu hết các trường cấp hai cho nữ sinh vẫn phải đóng cửa, trong khi nữ giới không được đảm nhận các vị trí trong chính phủ và bị cấm ra nước ngoài, thậm chí không được ra ngoài trừ khi đi cùng một người thân là nam giới. Những chính sách hạn chế với nữ giới của Taliban đã khiến nhiều nước, tổ chức quốc tế và cơ quan viện trợ cắt giảm tài trợ cho Afghanistan, trong khi nguồn viện trợ từ nước ngoài là yếu tố quan trọng để quốc gia này giải quyết khó khăn. Liên hợp quốc đã nhiều lần thúc giục chính quyền Taliban xem xét lại chính sách để nữ giới có thể đóng góp tích cực vào sự phát triển của cộng đồng và xã hội.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres từng khẳng định cần thúc đẩy một lộ trình chung để giải quyết những lo ngại ở Afghanistan, trong đó có vấn đề nhân đạo. Tình trạng bất ổn kinh tế ở quốc gia Nam Á này ngày càng trở nên trầm trọng. Báo cáo của Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) cho biết, 69% dân số Afghanistan phải đối mặt với tình trạng thiếu các loại nhu yếu phẩm. Hồi tháng 3/2024, ông Antonio Guterres tuyên bố rằng Liên hợp quốc chỉ có thể bảo đảm 3% ngân sách cần thiết để giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Afghanistan. Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) tại Afghanistan cho biết, hơn một triệu bà mẹ và trẻ em ở quốc gia Nam Á này hiện không còn nhận được hỗ trợ dinh dưỡng do thiếu nguồn tài chính lớn. Trong khi đó, theo tổ chức Save the Children, khoảng 6,5 triệu trẻ em Afghanistan đối mặt nạn đói ở mức độ nghiêm trọng trong năm 2024.

Về mặt tích cực, thời gian qua, cuộc chiến chống ma túy của Afghanistan đã có bước tiến khi lệnh cấm người dân trồng cây thuốc phiện và buôn bán thuốc phiện được ban hành. Tuy nhiên, đất nước Afghanistan vẫn đối mặt khó khăn chồng chất. Dù chưa đạt được kết quả như mong đợi song việc Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế kiên trì tìm giải pháp để đối thoại với Taliban, thúc đẩy sự thay đổi ở Afghanistan cũng giúp nhen nhóm hy vọng về một tương lai bớt ảm đạm cho người dân nơi đây.

Theo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày