Chủ nhật, 24/11/2024, 11:16[GMT+7]

Cuộc chiến chống độc quyền

Thứ 4, 07/08/2024 | 11:45:18
743 lượt xem
Việc Thẩm phán Mỹ vừa ra phán quyết khẳng định Google đã vi phạm luật chống độc quyền khi chi hàng chục tỷ USD để xây dựng thế độc quyền bất hợp pháp và trở thành công cụ tìm kiếm mặc định trên toàn cầu, được coi là chiến thắng quan trọng đầu tiên của chính quyền liên bang nhằm vào sự thống trị thị trường của các “ông lớn” công nghệ (Big Tech).

Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN)

"Gã khổng lồ tìm kiếm” Google kiểm soát khoảng 90% thị trường tìm kiếm trực tuyến và 95% trên điện thoại thông minh, khiến nhiều đối thủ cạnh tranh gặp khó khăn và hạn chế sự đa dạng cho người dùng. Thẩm phán tòa án khu vực Amit Mehta cho biết, tòa đã đi đến kết luận rằng Google là công ty độc quyền. Chỉ riêng trong năm 2021, Google đã chi 26,3 tỷ USD để biến công cụ tìm kiếm của mình trở thành lựa chọn mặc định trên điện thoại thông minh và trình duyệt web, từ đó loại bỏ sự cạnh tranh và củng cố vị thế độc quyền.

Phán quyết trên mở đường cho phiên tòa thứ hai nhằm xác định các biện pháp khắc phục vi phạm, có khả năng bao gồm cả việc chia tách công ty mẹ Alphabet của Google - điều này sẽ thay đổi hoàn toàn bức tranh toàn cảnh của thế giới quảng cáo trực tuyến mà Google đã thống trị trong nhiều năm. Giai đoạn khắc phục có thể kéo dài, với việc Google nhiều khả năng kháng cáo lên Tòa phúc thẩm thủ đô Washington và Tòa án Tối cao Mỹ. Cuộc chiến pháp lý có thể kéo dài sang năm 2025, thậm chí đến năm 2026.

Alphabet cho biết, sẽ kháng cáo phán quyết của Thẩm phán Mehta. Trong ngày 5/8, cổ phiếu của công ty mẹ Alphabet đã giảm 4,5% trong bối cảnh thị trường chứng khoán công nghệ nói chung đi xuống. Quảng cáo trên Google chiếm 77% tổng doanh thu của Alphabet trong năm 2023. Trong khi đó, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Merrick Garland mô tả phán quyết này là chiến thắng lịch sử đối với người dân Mỹ, đồng thời nhấn mạnh “không một công ty nào - dù tầm ảnh hưởng lớn đến đâu - được đứng trên luật pháp”.

Không chỉ vấp phải sự cáo buộc duy trì độc quyền ở Mỹ, hai “đại gia” công nghệ Google và Apple cũng bị Nhật Bản chỉ trích đã thống trị thị trường ứng dụng. Hồi tháng 6, Quốc hội Nhật Bản ban hành luật nhằm thúc đẩy cạnh tranh trong thị trường ứng dụng di động, qua đó hạn chế vị thế thống trị của Apple và Google, buộc các hãng này phải cạnh tranh lành mạnh với các đối thủ nhỏ hơn, từ đó mang lại lợi ích cho người tiêu dùng và khuyến khích sự đổi mới.

Theo luật mới, Apple và Google sẽ không được phép ngăn cản các bên thứ ba bán và vận hành ứng dụng trên nền tảng của các hãng này. Cụ thể, luật này sẽ cấm các nhà cung cấp hệ điều hành iOS của Apple và Android của Google, cửa hàng ứng dụng và nền tảng thanh toán chặn việc bán các ứng dụng và dịch vụ cạnh tranh trực tiếp với dịch vụ của họ.

Nếu không tuân thủ, các công ty này sẽ phải chịu mức phạt lên tới 20% doanh thu nội địa của dịch vụ vi phạm. Mức phạt có thể tăng lên 30% nếu các công ty không chấm dứt hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Luật mới này dự kiến có hiệu lực vào cuối năm 2025 và được đánh giá là tương đồng với quy định chống độc quyền được Liên minh châu Âu (EU) áp dụng.

Trước đó, EU đã mở cuộc điều tra về việc liệu các công ty công nghệ Apple, Google và Meta có vi phạm quy định trong Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số (DMA) của EU hay không. Đây là cuộc điều tra đầu tiên được triển khai theo DMA vốn có hiệu lực từ đầu tháng 3 nhằm ngăn chặn những “gã khổng lồ” công nghệ kiểm soát thị trường kỹ thuật số. Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số là một bộ quy tắc rộng rãi nhắm vào các công ty công nghệ lớn cung cấp dịch vụ nền tảng cốt lõi mà đạo luật này gán mác là “người gác cổng”, theo đó yêu cầu các công ty tuân thủ một loạt quy định. Vi phạm các quy định của DMA có thể khiến các công ty phải đối mặt những khoản phạt tài chính nặng nề.

Gần đây, Italia thông báo mở cuộc điều tra đối với Google và công ty mẹ Alphabet về các hành vi thương mại không công bằng liên quan dữ liệu cá nhân của người dùng. Cơ quan chống độc quyền Italia cáo buộc quy trình xác nhận sự đồng ý mà Google yêu cầu từ người dùng sẽ giúp công ty có quyền truy cập không công bằng vào thông tin cá nhân của người dùng, mà không cho phép họ chọn không tham gia hoặc sửa đổi các điều khoản.

Cơ quan giám sát này nêu rõ yêu cầu xác nhận đồng ý mà Google gửi tới người dùng để kết nối nhiều dịch vụ của công ty “có thể cấu thành hành vi thương mại gây nhầm lẫn”. Theo luật pháp Italia, các công ty vi phạm những quy tắc về quyền lợi của người tiêu dùng có thể đối mặt với các khoản tiền phạt từ 5.000 euro đến 10 triệu euro. Ủy ban Cạnh tranh Thổ Nhĩ Kỳ gần đây cũng xử phạt hành chính Tập đoàn Google gần 15 triệu USD vì vi phạm lệnh cấm liên quan đến thuật toán tìm kiếm khách sạn. Trước đó, hai gã khổng lồ công nghệ Google và Apple bị phạt tại Hàn Quốc vì vi phạm luật dữ liệu định vị.

Có thể thấy, trước khi Thẩm phán Mỹ ra phán quyết khẳng định Google đã vi phạm luật chống độc quyền, thì nhiều nước cũng đã “tuýt còi” hoặc mạnh tay xử lý các hãng công nghệ lớn. Việc chống độc quyền là cần thiết để bảo đảm cạnh tranh lành mạnh giữa các nền kinh tế và ngăn chặn những “ông lớn” công nghệ có dấu hiệu vượt khỏi tầm kiểm soát của nhà nước.

Theo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày