Thứ 2, 20/01/2025, 22:14[GMT+7]

Sóng dữ trên Biển Đỏ

Thứ 5, 15/08/2024 | 11:48:55
1,469 lượt xem
Những cơn sóng dữ vẫn chưa tan trên Biển Ðỏ khi các vụ đụng độ tại đây giữa lực lượng Houthi và liên quân Mỹ-Anh liên tục gia tăng. Những đòn “ăn miếng trả miếng” của các bên tiếp tục thổi bùng lên sóng gió ở tuyến hàng hải huyết mạch kết nối Á-Âu này, gây áp lực lớn lên chuỗi cung ứng toàn cầu và làm lan rộng vòng xoáy xung đột ở khu vực.

Ảnh minh họa. (Nguồn: US Navy)

Tầm quan trọng của tuyến vận tải Biển Ðỏ đi qua kênh đào Suez là không thể bàn cãi. Ðây là tuyến đường ngắn nhất, hiệu quả nhất để kết nối châu Á với châu Âu qua Ðịa Trung Hải. Ðịa thế quan trọng này đã khiến Biển Ðỏ có vai trò chiến lược đối với thương mại toàn cầu, với ít nhất 12% giao dịch thương mại hàng hóa thế giới trung chuyển qua vùng biển này. Tuy nhiên, suốt từ khi cuộc xung đột ở Dải Gaza bùng phát vào tháng 10/2023 đến nay, tại tuyến hàng hải quan trọng này cũng không ngớt tiếng súng.

Houthi đã thực hiện nhiều vụ tấn công bằng tên lửa đạn đạo chống hạm, máy bay không người lái… vào các tàu có liên hệ với Israel đi qua Biển Ðỏ nhằm thể hiện sự ủng hộ với người dân Palestine ở Dải Gaza. Ðáng chú ý, vụ ám sát ở Tehran (Iran) khiến thủ lĩnh Hamas, ông Ismail Haniyeh thiệt mạng hồi cuối tháng 7/2024 càng thổi bùng lên căng thẳng, khiến Houthi gia tăng các vụ tấn công. Chỉ riêng hôm 13/8, Trung tâm hoạt động thương mại đường biển của quân đội Anh cho biết, một tàu trên Biển Ðỏ đã hứng chịu đến ba vụ tấn công nghi do lực lượng Houthi thực hiện.

Ðáp lại, liên quân Mỹ-Anh tấn công liên tiếp vào các mục tiêu của lực lượng Houthi ở Yemen. Ngày 8/8, chỉ trong vòng 24 giờ, các lực lượng Mỹ và Anh đã thực hiện hai cuộc không kích vào khu vực Al-Jabanah thuộc tỉnh Hodeidah của Yemen. Liên quân này còn tấn công đảo Kamaran, hòn đảo lớn nhất của Yemen ở Biển Ðỏ, trước đây được Houthi sử dụng để cất giấu kho tên lửa và thiết bị bay không người lái.

Những hành động đáp trả lẫn nhau không có hồi kết đang dẫn tới sự tắc nghẽn nghiêm trọng ở tuyến vận tải hàng hải huyết mạch, ảnh hưởng xấu tới hoạt động thương mại toàn cầu và đe dọa sự ổn định của nền kinh tế thế giới. Ðể tránh các cuộc tấn công nhằm vào tàu thương mại, nhiều hãng vận tải buộc phải tạm dừng di chuyển tàu qua Biển Ðỏ và kênh đào Suez, thay đổi lộ trình, theo đó di chuyển qua Mũi Hảo Vọng ở Nam Phi - một lộ trình dài hơn, tiêu tốn nhiều nhiên liệu cho chuyến đi, kéo theo tăng chi phí vận chuyển hàng hóa.

Những hành động đáp trả lẫn nhau không có hồi kết đang dẫn tới sự tắc nghẽn nghiêm trọng ở tuyến vận tải hàng hải huyết mạch, ảnh hưởng xấu tới hoạt động thương mại toàn cầu và đe dọa sự ổn định của nền kinh tế thế giới.

Trong tháng 7/2024, giá cước vận tải container chở hàng từ Thượng Hải đến Bờ Tây nước Mỹ đã tăng lên mức cao kỷ lục là 8.100 USD, dù số lượng hàng vận chuyển bằng đường biển thấp hơn mức đạt được hồi đầu đại dịch Covid-19. Hãng vận tải biển Maersk của Ðan Mạch cảnh báo, khách hàng cần sẵn sàng cho hóa đơn thanh toán tiền vận chuyển tăng, khi hành trình kéo dài làm tăng 40% chi phí nhiên liệu.

Các hãng vận tải biển phải điều động thêm tàu cũng như thiết bị khiến năng lực của ngành vận tải tuyến châu Á-châu Âu suy giảm từ 15-20% trong quý II năm nay. Doanh thu hằng năm từ kênh đào Suez ở Ai Cập đã giảm gần 25% trong năm tài chính vừa qua.

Ngành vận tải biển được coi là “xương sống” của thương mại quốc tế và cuộc khủng hoảng tại Biển Ðỏ khiến các nền kinh tế đứng trước nguy cơ tăng trưởng chậm. Với Liên minh châu Âu (EU), 23% tổng lượng hàng hóa nhập khẩu từ châu Á đến bằng đường biển, trong đó phần lớn đi qua kênh đào Suez. Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) kiêm Cao ủy thương mại EU Valdis Dombrovskis cảnh báo, khối này đang đối mặt nguy cơ giá tiêu dùng tăng và tăng trưởng chậm lại do sự gián đoạn vận chuyển hàng hóa qua Biển Ðỏ.

Ðánh giá rằng các cuộc tấn công đáp trả nhau trên Biển Ðỏ cho thấy “một cấp độ bạo lực mới và nguy hiểm”, Ðặc phái viên Liên hợp quốc về Yemen Hans Grundberg nêu rõ, điều đáng báo động là không có dấu hiệu giảm leo thang, chứ chưa nói đến một giải pháp cho vấn đề này. Trong khi “lò lửa” ở Trung Ðông vẫn rực cháy với những “mồi lửa” mới và xung đột ở Gaza có nguy cơ trở thành một cuộc chiến tranh toàn diện tại khu vực, triển vọng Biển Ðỏ tan sóng gió vẫn còn rất xa vời .

Theo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày