Thứ 6, 20/09/2024, 06:57[GMT+7]

Thách thức cho khu vực Tây Phi

Thứ 6, 16/08/2024 | 11:21:13
694 lượt xem
Các chính quyền quân sự ở Burkina Faso, Mali và Niger đã đặt bút ký “hiệp ước thành lập liên bang”, gây gia tăng lo ngại về tình trạng tách biệt của liên minh khỏi phần còn lại của khối Tây Phi. Diễn biến mới làm phức tạp thêm tình hình vốn đã rất khó khăn trong khu vực.

Người đứng đầu chính quyền quân sự Niger (giữa), Mali (trái) và Burkina Faso tại lễ ký hiệp ước thành lập Liên minh các quốc gia Sahel (AES), ở Niamey, ngày 6/7/2024. (Ảnh: Getty Images/TTXVN)

Tháng 7 vừa qua, tại cuộc họp thượng đỉnh đầu tiên của Liên minh các quốc gia Sahel (AES) diễn ra ở thủ đô Niamey của Niger, các chính quyền quân sự của Burkina Faso, Mali và Niger đã đặt bút ký một “hiệp ước thành lập liên bang” với nhiều mục tiêu, trong đó có tăng cường các nỗ lực đối phó thách thức chung. Sự kiện được chính Niger nhấn mạnh đã đặt nền móng cho một “liên bang ba nước khu vực Sahel”.

Tại cuộc họp thượng đỉnh của AES, người đứng đầu chính quyền quân sự Niger, Tướng Abdourahamane Tiani kêu gọi biến liên minh thành tổ chức thay thế bất kỳ nhóm khu vực nào, bằng cách xây dựng một cộng đồng các dân tộc có chủ quyền, tránh xa sự kiểm soát của các “thế lực nước ngoài”. Thông báo từ cuộc họp cho biết, AES trở thành một “liên bang” với khoảng 72 triệu dân.

Ra đời tháng 9/2023, AES gồm Mali, Burkina Faso và Niger, ba nước đều do quân đội nắm quyền sau các cuộc đảo chính từ năm 2020 đến năm 2023 và đang “đau đầu” đối phó bạo lực thánh chiến, nhất là ở khu vực được gọi là “ba biên giới”. Khi xây dựng liên minh, chính quyền ba nước đã mau chóng thiết lập cấu trúc phòng thủ chung và cam kết hỗ trợ lẫn nhau.

Ban đầu được giới thiệu như một “liên minh phòng vệ”, AES nhanh chóng trở thành một “công cụ chiến lược”, với nhiều quyết định khiến giới chức Cộng đồng Kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) lo ngại. Burkina Faso, Mali và Niger nhiều lần tuyên bố rút khỏi ECOWAS, với lý do “cảm thấy thất vọng khi nhận thấy rằng ECOWAS đã đi chệch khỏi lý tưởng của những nhà sáng lập và không hỗ trợ được nhiều trong cuộc chiến chống khủng bố và bất ổn”.

Được thành lập năm 1975, ECOWAS tập hợp các đại diện Tây Phi, hướng đến tăng cường hội nhập, phát triển kinh tế khu vực. Những năm gần đây, khối gặp khó khăn khi cố gắng đảo ngược làn sóng đảo chính quân sự trong khu vực, trong đó có Mali, Burkina Faso và Niger. Khi mà nỗ lực kéo ba nước trở lại hội nhập khu vực còn chưa mang lại kết quả, ECOWAS lại phải đón nhận thêm tin Mali, Burkina Faso và Niger đặt bút ký “hiệp ước thành lập liên bang”, làm gia tăng lo ngại về sự tách biệt liên minh khỏi Tây Phi.

Trước đó, quan hệ giữa AES và ECOWAS đã xấu đi đáng kể kể từ cuộc đảo chính ngày 26/7/2023, đưa Tướng Tiani lên nắm quyền tại Niger. ECOWAS không chỉ áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế nghiêm ngặt đối với Niger, mà còn đe dọa can thiệp quân sự để phục chức cho tổng thống bị lật đổ. Dù các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ hồi tháng 2 năm nay, quan hệ giữa hai khối dường như vẫn đóng băng.

Giới quan sát lo ngại việc Mali, Burkina Faso và Niger thành lập “liên bang” và rời khỏi ECOWAS đe dọa Khu vực thương mại tự do lục địa châu Phi, ảnh hưởng việc thúc đẩy thương mại nội khối và nỗ lực nâng cao vị thế thương mại của lục địa này trên thị trường toàn cầu. Ngay lập tức, ECOWAS phải tổ chức hội nghị thượng đỉnh bất thường tại Nigeria, bày tỏ lo ngại về tình hình bất ổn và kêu gọi ba nước nhanh chóng trở lại chế độ dân chủ.

ECOWAS đánh giá quyền tự do đi lại và thị trường chung 400 triệu dân đang bị đe dọa khi Burkina Faso, Mali và Niger rời khỏi ECOWAS. Những nguy cơ ảnh hưởng hoạt động, thậm chí tác động xấu đến sự tồn tại của ECOWAS không chỉ cản trở quyền tự do đi lại và định cư của người dân, mà còn khiến tình trạng bất ổn trong khu vực thêm nghiêm trọng.

Dẫu rằng chính quyền ba nước AES nhấn mạnh việc “thành lập liên bang” giúp tăng cường các kế hoạch hỗ trợ lẫn nhau và xây dựng chiến lược phòng thủ chung, cũng như cam kết giải quyết hiệu quả các thách thức an ninh, nhất là bạo lực, thì việc Burkina Faso, Mali và Niger rời ECOWAS cũng được coi là đòn giáng mạnh vào hợp tác an ninh, nhất là đối với lĩnh vực chia sẻ thông tin tình báo và tham gia cuộc chiến chống khủng bố trong khu vực.

Chưa kể, lập trường thống nhất của Burkina Faso, Mali và Niger tách biệt khỏi khu vực được cho là thách thức ảnh hưởng truyền thống của ECOWAS và các đồng minh bên ngoài, trong đó có Pháp.

Theo Nhân dân

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày