Chủ nhật, 01/09/2024, 08:28[GMT+7]

APEC cam kết vì một khu vực phát triển bền vững

Thứ 5, 22/08/2024 | 09:51:24
985 lượt xem
Hội nghị Bộ trưởng An ninh lương thực Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 9 (FSMM) diễn ra ở Trujillo (Peru), đã kêu gọi tiếp cận toàn diện và hành động khẩn cấp để giải quyết các thách thức an ninh lương thực khu vực và toàn cầu. Diễn ra trong bối cảnh những tác động đan xen của biến đổi khí hậu, tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng và bất bình đẳng kinh tế đang ngày càng đe dọa sự ổn định của hệ thống lương thực thế giới, hội nghị khẳng định lại cam kết của các thành viên về bảo đảm an ninh lương thực lâu dài và bền vững.

Ảnh minh họa: Thu hoạch lúa mì trên cánh đồng ở tỉnh Hyderabad, Pakistan, ngày 1/4/2024. (Ảnh: THX/TTXVN)

Khu vực châu Á-Thái Bình Dương đứng trước những thách thức lớn về an ninh lương thực với nguy cơ mất an ninh lương thực ngày càng trở nên trầm trọng hơn do thiên tai tàn phá mùa màng và cơ sở hạ tầng. Khoảng cách về phát triển kinh tế cũng dẫn đến bất bình đẳng trong tiếp cận và khả năng chi trả cho lương thực, trong khi quá trình đô thị hóa nhanh chóng làm hao mòn giá trị đất nông nghiệp. Theo Bộ trưởng Phát triển Nông nghiệp và Thủy lợi Peru, ông Ángel Manero Campos, những vấn đề nêu trên đang ngày càng thể hiện rõ là mối đe dọa chính đối với an ninh lương thực toàn cầu, gây ra tình trạng khan hiếm và đẩy giá lương thực lên cao.

Trong khi đó, dân số toàn cầu ngày càng tăng kéo theo nhu cầu về lương thực càng lớn, gia tăng áp lực khai thác các nguồn tài nguyên vốn đã cạn kiệt. Bất bình đẳng kinh tế vẫn là một rào cản đáng kể, khiến hàng triệu người không thể mua đủ lương thực và dinh dưỡng. Thêm vào đó, đại dịch Covid-19 đã phơi bày nhiều lỗ hổng trong hệ thống thực phẩm nông nghiệp toàn cầu, càng phản ánh nhu cầu phải bảo đảm tính ổn định và bền vững cho ngành nông nghiệp.

Vấn đề an ninh lương thực đang trở nên cấp bách hơn bao giờ hết khi đã có khoảng 733 triệu người phải đối mặt với nạn đói vào năm 2023, tương đương cứ 11 người lại có 1 người đói trên phạm vi toàn cầu.

Vấn đề an ninh lương thực đang trở nên cấp bách hơn bao giờ hết khi đã có khoảng 733 triệu người phải đối mặt với nạn đói vào năm 2023, tương đương cứ 11 người lại có 1 người đói trên phạm vi toàn cầu. Báo cáo mới nhất về tình trạng an ninh lương thực và dinh dưỡng trên thế giới năm 2024 (SOFI 2024) do 5 cơ quan chuyên môn của Liên hợp quốc công bố gần đây cảnh báo thế giới đang tụt hậu 15 năm trong việc tiến tới đạt được mục tiêu phát triển bền vững (SDG) số 2 - Không còn nạn đói - vào năm 2030 theo Chương trình Nghị sự 2030 của Đại hội đồng Liên hợp quốc.

Đáng lo ngại hơn, mức độ suy dinh dưỡng trên toàn cầu hiện tương đương giai đoạn 2008-2009. Mặc dù có một số tiến bộ nhất định về việc giảm tỷ lệ thấp còi và tăng tỷ lệ nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ lên 48%, nhưng khoảng 713 triệu đến 757 triệu người trên thế giới suy dinh dưỡng trong năm 2023, tăng 152 triệu người so với năm 2019. Đây là một con số đáng báo động bởi hàng tỷ người vẫn khó tiếp cận với nguồn lương thực đầy đủ. Năm ngoái, khoảng 2,33 tỷ người trên toàn cầu bị đói ở mức độ trung bình hoặc nghiêm trọng, không thay đổi đáng kể so với mức tăng mạnh vào năm 2020 trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Hơn 2,8 tỷ người không đủ khả năng chi trả cho chế độ ăn uống lành mạnh vào năm 2022. Tỷ lệ này ở các quốc gia thu nhập thấp lên tới 71,5%, chênh lệch rõ rệt so với mức 6,3% ở các quốc gia thu nhập cao.

Hội nghị về an ninh lương thực của APEC đã khép lại với sự khẳng định cam kết từ các bộ trưởng nhằm đạt được Tầm nhìn APEC Putrajaya 2040, bao gồm cả việc thực hiện Kế hoạch hành động Aotearoa. Mục đích của kế hoạch gồm bảo đảm an ninh lương thực lâu dài, an toàn thực phẩm và cải thiện dinh dưỡng cho tất cả mọi người, cũng như giảm thất thoát và lãng phí lương thực trong khu vực bằng cách thúc đẩy thương mại nông nghiệp và thực phẩm, tính bền vững và đổi mới cũng như thúc đẩy nền nông nghiệp xanh, có sức chống chịu tốt và ít phát thải. Phát triển nông nghiệp bền vững và bảo đảm an ninh lương thực là mục tiêu quan trọng mà các nền kinh tế thành viên APEC đang hướng đến, vì một khu vực hòa bình và phát triển thịnh vượng.

Theo Vietnam+

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày