Thứ 4, 15/01/2025, 14:24[GMT+7]

Chương mới trong lịch sử Thái Lan

Thứ 2, 26/08/2024 | 10:46:18
1,623 lượt xem
Được bầu làm tân thủ tướng Thái Lan, bà Paetongtarn Shinawatra vinh dự trở thành người đứng đầu chính phủ trẻ nhất trong lịch sử Xứ Chùa vàng. Sự kiện này mở ra một chương mới trong tiến trình chính trị Thái Lan, mang đến những kỳ vọng mới mẻ, song cũng được dự báo đứng trước không ít thách thức, nhất là yêu cầu phát triển kinh tế và giữ ổn định chính trị trong nước.

Tân Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra phát biểu họp báo tại Bangkok, Thái Lan, ngày 18/8/2024. (Ảnh: THX/TTXVN)

Chỉ 2 ngày sau khi Tòa án Hiến pháp khép lại nhiệm kỳ của chính quyền Thủ tướng Srettha Thavisin, Hạ viện Thái Lan đã nhất trí bầu bà Paetongtarn Shinawatra - lãnh đạo đảng Vì nước Thái (Pheu Thai) đứng đầu liên minh cầm quyền, vào ghế thủ tướng.

Cũng chỉ sau đó 2 ngày, bà Paetongtarn chính thức được Quốc vương Thái Lan phê chuẩn làm thủ tướng thứ 31 của nước này, trước khi tuyên thệ nhậm chức trở thành thủ tướng trẻ nhất trong lịch sử Thái Lan.

Trước mắt nữ thủ tướng là không ít thách thức, nhất là yêu cầu vực dậy nền kinh tế chật vật phục hồi sau đại dịch Covid-19. Tháng 7 vừa qua, Ngân hàng Thế giới (WB) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Thái Lan năm 2024 từ 2,8% xuống 2,4% do xuất khẩu và đầu tư công trong những tháng đầu năm yếu hơn dự kiến.

Ngoài xuất khẩu yếu, nền kinh tế Thái Lan cũng bị ảnh hưởng từ mức nợ hộ gia đình cao và tiêu dùng trì trệ. Người dân trông đợi các giải pháp hữu hiệu, giúp hồi sinh giới doanh nhân trong nước, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang gặp khó trước làn sóng hàng hóa giá rẻ tràn vào Thái Lan.

Vì không thể cạnh tranh, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ Xứ Chùa vàng phải đóng cửa, kéo theo nhiều hệ lụy, trong đó có tình trạng người lao động mất việc làm, thu nhập giảm, khiến sức mua trong nước giảm theo.

Cùng với đó, bà Paetongtarn cũng đứng trước yêu cầu khôi phục niềm tin của các nhà đầu tư Thái Lan và nước ngoài, cũng như đảo ngược tình trạng sức cạnh tranh của Thái Lan suy giảm, phần lớn do các ngành sản xuất địa phương tụt hậu trong bối cảnh đất nước thiếu chiến lược phát triển công nghiệp.

Lời giải cho các vấn đề kinh tế sẽ có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với chính quyền tân thủ tướng Paetongtarn Shinawatra. Lường trước thách thức, nhà lãnh đạo Thái Lan cam kết sớm hoàn thiện nội các, một nỗ lực nhằm tránh tạo ra khoảng trống trong điều hành đất nước.

Trong cuộc họp báo đầu tiên với tư cách thủ tướng, bà Paetongtarn cam kết tiếp tục các chính sách của người tiền nhiệm Srettha Thavisin, gồm các biện pháp kích thích và cải cách nhằm phục hồi nền kinh tế, trong đó có chương trình ví tiền kỹ thuật số cung cấp hỗ trợ tài chính cho người dân, thúc đẩy tăng chi tiêu trong nước.

Bà Paetongtarn cho biết chính phủ sẽ không từ bỏ chính sách “chủ lực” ví kỹ thuật số, song sẽ nghiên cứu và lắng nghe các lựa chọn bổ sung để bảo đảm chương trình phù hợp về mặt tài chính. Bên cạnh đó, tân thủ tướng cũng nhấn mạnh trọng tâm trong việc giải quyết vấn nạn ma túy bất hợp pháp, cải thiện hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn dân…

Những quyết định mới đang được đưa ra, vừa phát huy chính sách hiệu quả từ người tiền nhiệm, vừa nỗ lực “vá kín” những “lỗ hổng” trong nền kinh tế. Duy trì cân bằng giữa sự tiếp nối và thay đổi cũng là một trong những thách thức chính đối với bà Paetongtarn.

Theo giới chuyên gia, cam kết tiếp tục nhiều kế hoạch của người tiền nhiệm nhằm duy trì ổn định, chính quyền Thủ tướng Paetongtarn cũng cần khẳng định bản sắc riêng, và trên hết là yêu cầu mau chóng giải quyết những thách thức cấp bách mà đất nước đang đối mặt. Điều này góp phần nâng cao uy tín và tỷ lệ ủng hộ chính quyền tân thủ tướng trong công chúng.

Ngoài các vấn đề kinh tế, giữ ổn định chính trị trong nước cũng là nhiệm vụ quan trọng đối với bà Paetongtarn.

Trong nỗ lực không gây xáo trộn tình hình trong nước, việc cựu Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin tham gia lễ nhậm chức của bà Paetongtarn còn phát đi tín hiệu của giới lãnh đạo tránh những thay đổi đột ngột trong chính quyền mới.

Thực tế, trong những phát biểu sau khi nhậm chức, bà Paetongtarn cho thấy cách tiếp cận thận trọng để tránh xung đột với Tòa án Hiến pháp và quân đội, vốn có ảnh hưởng quan trọng đến bối cảnh chính trị Thái Lan.

Bên cạnh đó, việc đảng Pheu Thai vẫn đối mặt sự phản đối từ đảng Nhân dân mới thành lập sau khi Đảng Tiến bước bị giải thể đã phần nào phản ánh sự phân cực trong chính trường Thái Lan.

Vì lẽ đó, vai trò và khả năng của bà Paetongtarn “lèo lái” đất nước vượt qua bối cảnh chia rẽ này có ý nghĩa quyết định đến thành công của chính quyền mới. Bà Paetongtarn sẽ cần xây dựng liên minh và thúc đẩy đối thoại giữa các phe phái chính trị để bảo đảm chính phủ có thể triển khai các chính sách một cách hiệu quả.

Điều này đòi hỏi hành động cân bằng khéo léo, nhằm duy trì sự ủng hộ của chính đảng, trong khi vẫn giải quyết được những lo ngại của phe đối lập và đáp ứng yêu cầu từ người dân.

Là thủ tướng trẻ nhất trong lịch sử Thái Lan, bà Paetongtarn Shinawatra mang đến những kỳ vọng mới mẻ, khả năng kết nối các thế hệ trong nước. Tầm nhìn của bà trong vai trò mới là phục hồi kinh tế, tiến bộ xã hội và ổn định chính trị.

Để đạt được mục tiêu này, sẽ phải vượt qua những trở ngại đáng kể. Nhưng quan trọng nhất, nhà lãnh đạo mới của Thái Lan đã thể hiện sự sẵn sàng học hỏi từ quá khứ, vạch ra lộ trình mới cho tương lai, thể hiện ở cam kết lắng nghe mọi ý kiến và phối hợp các nhà lập pháp để đưa đất nước ổn định tiến lên.

Theo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày