Thứ 7, 23/11/2024, 15:25[GMT+7]

“Thỏi nam châm” BRICS

Thứ 2, 02/09/2024 | 20:16:07
865 lượt xem
Thêm nhiều quốc gia như Azerbaijan, Malaysia, Thái Lan… mới đây nộp đơn xin gia nhập Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS). Vị thế và sức hút ngày càng gia tăng của nhóm này đang thu hút mạnh mẽ sự quan tâm của dư luận, nhất là đối với các nước Nam bán cầu, trong bối cảnh Hội nghị thượng đỉnh BRICS sắp diễn ra cuối tháng 10 tới.

(Ảnh: Getty Images)

Kể từ lần mở rộng mang tính bước ngoặt của nhóm BRICS vào tháng 1/2024, ngày càng nhiều quốc gia mong muốn được trở thành một phần của nhóm này. Nhóm BRICS mở rộng được dư luận kỳ vọng sẽ đóng vai trò quan trọng hơn thúc đẩy tăng trưởng chung, bảo vệ chủ nghĩa đa phương khi quy tụ các thành viên đến từ khắp các châu lục. 

Cách đây không lâu, Azerbaijan xác nhận đã chính thức nộp đơn xin gia nhập BRICS, sau khi Chủ tịch luân phiên của BRICS năm nay là Nga lên tiếng ủng hộ nguyện vọng gia nhập nhóm của Azerbaijan. BRICS đặc biệt có sức hút với “các nước Nam bán cầu”, thuật ngữ để chỉ các nước đang phát triển ở khu vực châu Á, châu Phi, Mỹ Latin. Malaysia, Thái Lan vừa gửi đơn đề nghị gia nhập BRICS, trong khi Venezuela bày tỏ hy vọng có thể gia nhập BRICS trong năm nay với tư cách là thành viên chính thức tại hội nghị thượng đỉnh diễn ra vào tháng 10 tới. 

Có thể thấy, việc BRICS cùng nhiều tổ chức quốc tế như Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO)… chủ trương mở rộng, kết nạp thêm thành viên mới phản ánh xu hướng hợp tác và liên kết ngày càng rõ nét trong một thế giới nhiều biến động, khó lường. 

Tính chất phức tạp của các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống đã đe dọa nghiêm trọng sự phát triển của nhân loại. Hàng loạt cuộc khủng hoảng từ đại dịch Covid-19, các điểm nóng xung đột, an ninh lương thực, biến đổi khí hậu, an ninh mạng… đã khiến yêu cầu hợp tác cùng giải quyết khó khăn trở nên cấp bách. 

Trước thực tế này, các thành viên sáng lập của BRICS khẳng định cánh cửa gia nhập nhóm luôn rộng mở. Brazil cho biết, nhóm BRICS sẵn sàng đón chào các thành viên mới, trong khi Ấn Độ tuyên bố, việc mở rộng nhóm nhằm hướng đến mục tiêu thúc đẩy nền kinh tế thế giới tăng trưởng nhanh hơn, giải quyết vấn đề nghèo đói, giáo dục, công nghệ, y tế… cho các nước đang phát triển. 

Với đợt mở rộng hồi tháng 1/2024, BRICS được đánh giá là như “hổ mọc thêm cánh”. 

Với đợt mở rộng hồi tháng 1/2024, BRICS được đánh giá là như “hổ mọc thêm cánh”. Diễn biến này giúp nâng tầm vị thế và ảnh hưởng của nhóm trên trường quốc tế, đồng thời thể hiện quyết tâm đoàn kết, hợp tác với các quốc gia đang phát triển khác. 

Theo Reuters, trước đợt mở rộng nêu trên, nhóm BRICS với năm thành viên gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi đã chiếm đến khoảng 40% dân số thế giới và một phần tư GDP toàn cầu. Việc kết nạp một loạt thành viên mới, trong đó có các nhà sản xuất dầu mỏ lớn của thế giới như Iran, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), giúp nâng cao đáng kể sức mạnh kinh tế và tầm quan trọng trên toàn cầu của BRICS. 

Sự đón chào các nền kinh tế đang phát triển gia nhập nhóm cũng khẳng định vai trò ngày càng quan trọng của các nền kinh tế này trong trật tự thế giới mới. Trở thành một phần của BRICS, các nước sẽ tiếp cận những thị trường đầu tư mới, giúp đa dạng hóa nền kinh tế và giảm rủi ro do phụ thuộc vào một số đối tác thương mại. Hiện tại nhóm này đang nỗ lực tạo ra hệ thống thanh toán riêng. 

Tuy nhiên, không phải sự mở rộng khối nào cũng mang lại kết quả như mong đợi. Và nhóm BRICS mở rộng còn phải trải qua một chặng đường dài phía trước để tạo dựng sự thống nhất, liên kết chặt chẽ nội khối. Sự chênh lệch về mức độ phát triển hay khác biệt về lợi ích giữa các thành viên cũ, mới chắc chắn sẽ làm nảy sinh nhiều vấn đề trong nhóm. 

Giữ chức Chủ tịch luân phiên của BRICS năm 2024 trong bối cảnh nhóm này có sự gia tăng đột phá về số lượng thành viên, Nga tuyên bố sẽ nỗ lực bảo đảm rằng nhóm hỗ trợ các thành viên mới nhanh chóng hòa nhập. Hội nghị thượng đỉnh BRICS vào tháng 10 tới tại Kazan, Nga sẽ tập trung vào tăng cường các mối quan hệ đối tác về chính trị, an ninh, kinh tế, văn hóa, nhân đạo, đồng thời thúc đẩy các hành động tập thể để cùng giải quyết thách thức toàn cầu.

Theo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày