Thứ 6, 20/09/2024, 07:58[GMT+7]

Không thể chủ quan đối với dịch bệnh đậu mùa khỉ

Thứ 4, 04/09/2024 | 09:04:05
1,172 lượt xem
Bệnh đậu mùa khỉ (mpox) không chỉ đang hoành hành tại nhiều nước châu Phi mà còn lây lan sang cả những quốc gia ngoài khu vực. Trước tình trạng đáng báo động này, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường các nỗ lực chung nhằm ngăn chặn mpox lan rộng, không thể chủ quan trước nguy cơ dịch bệnh vượt ngoài tầm kiểm soát và kéo theo những hệ lụy khó lường.

Bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ ở Cộng hòa Dân chủ Congo. (Nguồn: Getty Images/TTXVN)

Ðậu mùa khỉ vốn là bệnh đặc hữu ở châu Phi trong nhiều thập kỷ. Cũng bởi vậy, những đợt lây lan nhỏ lẻ của mpox không nhận được nhiều sự quan tâm của cộng đồng quốc tế. Ðiều này kéo theo việc các nước ít đầu tư vào nghiên cứu và phát triển vắc-xin, phương pháp điều trị, cũng như cách thức ứng phó đối với căn bệnh này.

Tiến sĩ Dimie Ogoina, người đứng đầu Ủy ban khẩn cấp của WHO về bệnh đậu mùa khỉ, cho rằng sự thờ ơ của cộng đồng quốc tế là một trong những nguyên nhân khiến mpox lan rộng.

Theo ông Dimie Ogoina, mpox âm thầm lây lan ở châu Phi trong nhiều năm, trước khi lần đầu bùng phát ra ngoài khu vực năm 2022. Ðiều này dẫn đến việc WHO phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng trên toàn cầu (PHEIC) đối với mpox vào thời điểm đó. Nhờ những nỗ lực chung, đợt bùng phát này mới được kiểm soát và PHEIC được dỡ bỏ sau chưa đầy một năm vào tháng 5/2023.

Dù đợt bùng phát nêu trên đã được ngăn chặn, song mpox lan mạnh thời gian qua cho thấy mối đe dọa vẫn chưa chấm dứt. Ðiều này còn đáng lo ngại hơn khi những chủng mới của vi-rút gây mpox được cho là lan nhanh và có nguy cơ gây tử vong cao hơn.

Những ca mắc biến thể Clade 1b chủ yếu được tìm thấy ở Cộng hòa Dân chủ Congo và các nước láng giềng, những nơi vốn thiếu nguồn lực cho các biện pháp giám sát và phòng ngừa dịch bệnh.

Tuy nhiên, những trường hợp mắc biến thể này gần đây cũng được xác nhận tại một số nước ngoài khu vực, như Thụy Ðiển và Thái Lan. Trong khi đó, các biến thể khác, như Clade 1a và Clade 2, vẫn lây lan ở nhiều nước châu Phi, gây không ít khó khăn đối với nỗ lực đẩy lùi đợt bùng phát mới.

Tình trạng đáng quan ngại nêu trên là lý do mà cơ quan giám sát y tế của Liên minh châu Phi (AU) giữa tháng 8 này ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng cấp châu lục đối với mpox. Ngay sau đó, WHO một lần nữa phải ban bố PHEIC vì mpox.

Những động thái của các cơ quan y tế là tiếng chuông cảnh báo và cũng là lời kêu gọi các quốc gia, tổ chức khu vực và quốc tế cần sớm thúc đẩy các biện pháp phòng ngừa và ứng phó, cũng như hỗ trợ nỗ lực chung nhằm hạn chế sự lây lan của mpox.

Sau khi PHEIC được đưa ra, nhiều quốc gia tích cực triển khai các hệ thống giám sát, trung tâm xét nghiệm và bảo đảm các cơ sở y tế đủ năng lực ứng phó nếu tình hình dịch bệnh diễn biến xấu hơn.

Dù chưa ghi nhận ca mắc mpox nào, song một số quốc gia cũng khẩn trương tiến hành các biện pháp phòng ngừa, đồng thời kêu gọi người dân nâng cao cảnh giác. Một số nước, như Mỹ, Pháp, Ðức… tuyên bố sẽ tài trợ vắc-xin ngừa mpox giúp các quốc gia ở châu Phi đang phải vật lộn với dịch bệnh.

Với mong muốn các nước trong khu vực có thể tự sản xuất vắc-xin, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) châu Phi đang tiến hành các cuộc thảo luận với hãng công nghệ dược phẩm Bavarian Nordic của Ðan Mạch về chuyển giao công nghệ.

Nhằm đẩy lùi mpox, WHO khởi động Kế hoạch chuẩn bị và ứng phó chiến lược toàn cầu. WHO kêu gọi sự phối hợp của cộng đồng quốc tế nhằm tăng khả năng tiếp cận vắc-xin ngừa mpox, nhất là đối với các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình.

Theo kế hoạch, các chiến dịch tiêm chủng sẽ hướng đến những cá nhân có nguy cơ mắc bệnh cao là người tiếp xúc gần với các ca bệnh, cũng như nhân viên y tế nhằm cắt đứt chuỗi lây truyền.

Bên cạnh đó, kế hoạch sẽ thúc đẩy nghiên cứu và bảo đảm tiếp cận công bằng với các phương pháp chẩn đoán, điều trị và các dịch vụ chăm sóc sức khỏe thiết yếu khác.

Tầm quan trọng của việc đẩy mạnh giám sát và phản ứng kịp thời, nhất là ở những nơi có nguy cơ mắc mpox cao, cũng được WHO nhấn mạnh trong kế hoạch. Bước đầu của kế hoạch dự kiến được triển khai trong nửa năm bắt đầu từ tháng 9 tới, với kinh phí ước tính là 135 triệu USD.

Với niềm tin rằng, đợt bùng phát mpox mới sẽ được kiểm soát và ngăn chặn, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus kêu gọi các quốc gia áp dụng kế hoạch của WHO để định hướng cho những nỗ lực phòng ngừa và ứng phó dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe của mọi người dân.

Những bài học từ đại dịch Covid-19 cho thấy, sự chung tay của các quốc gia, tổ chức khu vực và quốc tế, cũng như các nhà nghiên cứu và sản xuất vắc-xin, đóng vai trò thiết yếu trong việc đẩy lùi dịch bệnh đang ngày một nghiêm trọng hơn.

Theo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày