Thứ 4, 04/12/2024, 00:49[GMT+7]

Nhu cầu dầu mỏ toàn cầu vẫn thấp

Thứ 2, 16/09/2024 | 09:15:03
1,370 lượt xem
Thị trường dầu mỏ thế giới tiếp tục ảm đạm khi Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) vừa hạ dự báo nhu cầu dầu mỏ toàn cầu trong cả năm 2024, trong bối cảnh Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đối tác (OPEC+) vừa quyết định hoãn tăng sản lượng khai thác. Giá dầu thế giới gần đây đã lao dốc xuống mức thấp nhất trong vòng 9 tháng và ở ngưỡng đáy từ đầu năm tới nay.

Ảnh minh họa. Nguồn: Reuters

IEA đã hạ dự báo nhu cầu dầu mỏ trong cả năm 2024 do nhu cầu tiêu thụ của Trung Quốc thấp hơn dự báo, cùng những quan ngại về nhu cầu dầu mỏ trong ngắn hạn của Mỹ và Trung Quốc và triển vọng OPEC+ tăng nguồn cung ra thị trường.

Theo IEA, trong nửa đầu năm 2024, nhu cầu dầu toàn cầu tăng nhưng tốc độ tăng ở mức chậm nhất kể từ năm 2020 khi nhu cầu tại Trung Quốc giảm. Theo đó, nhu cầu tăng 800.000 thùng/ngày trong 6 tháng đầu năm 2024, từ mức 2,3 triệu thùng/ngày ghi nhận cùng kỳ năm 2023. IEA đã giảm dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu năm 2024 xuống 900.000 thùng/ngày, tức thấp hơn khoảng 70.000 thùng/ngày so với dự báo trước và dự báo tổng nhu cầu dầu toàn cầu là gần 103 triệu thùng/ngày.

Nguyên nhân chính dẫn đến sự suy giảm nhu cầu dầu mỏ là do sức tiêu thụ tại Trung Quốc đang chậm lại nhanh chóng. Trong tháng 7 vừa qua, mức tiêu thụ dầu tại nền kinh tế thứ 2 thế giới giảm so cùng kỳ năm trước, đánh dấu xu hướng này kéo dài sang tháng thứ 4 liên tiếp.

IEA cho rằng, việc Trung Quốc chuyển từ dầu mỏ sang sử dụng năng lượng thay thế cũng là một phần nguyên nhân dẫn tới sự sụt giảm nêu trên. Trong khi đó, nếu không tính Trung Quốc, nhu cầu dầu tại các nước khác trên thế giới đang tăng nhẹ hoặc giảm.

Xu hướng hiện tại củng cố dự báo của IEA rằng, nhu cầu dầu mỏ toàn cầu sẽ ổn định vào cuối thập niên này. IEA giữ nguyên dự báo tăng trưởng nhu cầu năm 2025 không thay đổi, ở mức khoảng 950.000 thùng/ngày.

Giá dầu suy yếu trong năm nay do lo ngại về triển vọng kinh tế toàn cầu. Giá dầu giảm khiến các thành viên hàng đầu của liên minh dầu mỏ OPEC+, gồm các thành viên sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ trong và ngoài tổ chức OPEC, hoãn kế hoạch tăng sản lượng và thay vào đó gia hạn cắt giảm nguồn cung tự nguyện cho đến cuối tháng 11.

Tám quốc gia thành viên OPEC+ gồm Saudi Arabia, Nga, Iraq, UAE, Kuwait, Kazakhstan, Algeria và Oman sẽ duy trì mức cắt giảm 2,2 triệu thùng/ngày. Quyết định này đảo ngược kế hoạch tăng sản lượng từ tháng 10 được thông báo tại cuộc họp hồi tháng 6. Quyết định của OPEC+ giúp tổ chức này có thời gian để đánh giá thêm triển vọng nhu cầu trong năm tới cũng như tác động của tình trạng gián đoạn sản xuất ở Libya.

Tuy nhiên, khi nguồn cung từ các quốc gia ngoài OPEC+ tăng nhanh hơn nhu cầu chung, nhóm này có thể đang phải đối mặt với tình trạng dư thừa đáng kể, ngay cả khi vẫn duy trì các biện pháp hạn chế bổ sung. Nhà phân tích Ipek Ozkardeskaya nhận định, biện pháp của OPEC+ có thể chưa đủ để hỗ trợ giá dầu do lo ngại về nhu cầu suy yếu. Giá dầu WTI đã giảm xuống dưới 70 USD/thùng lần đầu tiên sau 13 tháng.

Giới phân tích cho rằng, giá dầu thô có thể giảm xuống dưới mức hiện nay, giữa lúc các nhà giao dịch dự đoán một giải pháp sẽ sớm được đưa ra để dỡ bỏ lệnh phong tỏa các mỏ dầu ở Libya góp phần tăng nguồn cung, trong khi những lo ngại về nhu cầu suy yếu đang gây tâm lý hoang mang trên thị trường năng lượng toàn cầu.

Ông Hasnain Malik, Giám đốc bộ phận chiến lược vốn chủ sở hữu thị trường mới nổi và cận biên tại hãng phân tích dữ liệu Tellimer, nhận định: “Giá dầu được điều chỉnh theo lạm phát hiện là cực kỳ rẻ. Điều này có thể thu hút các nhà đầu tư dài hạn vào các tài sản liên quan đến dầu mỏ. Nhưng trong ngắn hạn, tăng trưởng nhu cầu yếu và sản lượng gia tăng sẽ khiến giá dầu tiếp tục đi xuống”.

Các chuyên gia cho rằng, giá dầu phục hồi từ mức hiện nay phụ thuộc vào tâm lý kinh tế Mỹ, vì hầu như không có cơ sở nào khác. OPEC+ sẽ vẫn ở chế độ chờ và theo dõi, ít nhất là cho đến cuộc họp chính sách sắp tới của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED), dự kiến diễn ra vào ngày 17-18/9.

Liên minh OPEC+, do Saudi Arabia và Nga dẫn dắt, đã quyết định trì hoãn việc tiếp tục cắt giảm sản lượng dự kiến bắt đầu vào tháng 10 và đợt bổ sung nguồn cung đầu tiên, dự kiến 180.000 thùng/ngày, có thể diễn ra vào tháng 12 tới.

Phó Chủ tịch phụ trách nghiên cứu tại S&P Global Commodity Insights, ông Jim Burkhard, cho biết, OPEC+ sẽ bắt đầu tăng nguồn cung dầu mỏ ra thị trường từ năm 2025, đánh dấu sự chuyển hướng đầu tiên của tổ chức này kể từ năm 2022. Đây được cho là tín hiệu lạc quan hơn về triển vọng thị trường “vàng đen”, song OPEC+ vẫn cảnh báo rằng tổ chức này để ngỏ khả năng tạm dừng hoặc đảo ngược các điều chỉnh chính sách nếu thấy cần thiết.

Theo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày