Chặng đường gian nan với chính phủ mới của Pháp
Chính phủ mới của Pháp gồm tổng cộng 39 vị trí bộ trưởng thực quyền, bộ trưởng ủy nhiệm và quốc vụ khanh, được phân bổ giữa đảng Những người Cộng hòa (LR) của Thủ tướng Barnier, các đảng thuộc đa số mãn nhiệm ủng hộ Tổng thống Emmanuel Macron, gồm Phục hưng (Renaissance), Phong trào Dân chủ (Modem) và Những chân trời (Horizons) cùng một vài đảng nhỏ hơn. Theo Thượng nghị sĩ Patrick Kanner, Chủ tịch nhóm Xã hội trong Thượng viện Pháp, đây là sự chuyển đổi "từ một ê-kíp trung hữu và cánh hữu sang một ê-kíp cánh hữu và trung hữu khác". Thậm chí chính phủ mới còn thiên hữu hơn so với chính phủ tiền nhiệm của ông Gabriel Attal khi hầu hết các bộ trưởng mới của LR đều nổi tiếng với quan điểm rất bảo thủ.
Với danh sách các thành viên chính phủ mới không có thành viên các đảng cánh tả và cực tả, những đảng đã giành được kết quả cao trong cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn vừa qua, chính phủ mới của Pháp vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ phe cánh tả. Lãnh đạo đảng Xã hội (PS) Olivier Faure chỉ trích ông Barnier quyết định thành lập một chính phủ trung hữu, trong khi lãnh đạo đảng cực tả Nước Pháp Bất khuất (LFI) Jean-Luc Melanchon thậm chí còn cho rằng chính phủ mới là tập hợp của những đảng thất bại trong cuộc tổng tuyển cử vừa qua. Lãnh đạo PS cho biết, đảng này đang có kế hoạch thúc đẩy một cuộc bỏ phiếu "bất tín nhiệm" đối với chính phủ mới vào ngày 1/10 tới, ngay sau khi Thủ tướng Barnier có bài phát biểu trước Quốc hội về chính sách chung của chính phủ. Tuy nhiên, do không chiếm thế đa số tuyệt đối, các đảng cánh tả sẽ cần đến lá phiếu của đảng cực hữu Tập hợp Quốc gia (RN), lực lượng chính trị lớn thứ ba tại Quốc hội Pháp. Lãnh đạo RN, ông Jordan Bardella cũng phản đối thành phần chính phủ mới, nhưng tuyên bố "sẽ chờ đợi" trước khi thực hiện bất kỳ động thái nào chống lại chính phủ mới. Trong khi đó, cựu lãnh đạo RN, bà Marine Le Pen, cũng bày tỏ sự thất vọng đối với chính phủ mới, cho rằng chính phủ của ông Barnier mang tính "chuyển tiếp" và kêu gọi một "sự thay đổi lớn".
Trong khi đó, nhiệm vụ cấp bách lúc này của Thủ tướng Barnier là nhanh chóng hoàn tất dự thảo ngân sách quốc gia năm 2025 trước ngày 1/10 và trình Quốc hội xem xét và biểu quyết thông qua. Việc đệ trình kế hoạch ngân sách này được coi là bài "sát hạch lớn" đầu tiên đối với chính phủ của ông Barnier trong bối cảnh Liên minh châu Âu (EU) xác định Pháp là một trong những nước vi phạm các quy định tài chính của khối. Chính vì vậy, gánh nặng xây dựng kế hoạch ngân sách mới để kịp đệ trình Quốc hội vào tháng 10 tới đang đè nặng lên tân Bộ trưởng Tài chính Antoine Armand và Bộ trưởng Ngân sách Laurent de Saint-Martin. Sau hơn hai tháng không có chính phủ, nước Pháp đang đứng trước rất nhiều vấn đề cấp bách cần giải quyết. Thủ tướng Barnier cảnh báo tình hình ngân sách quốc gia đang rất nghiêm trọng. Mức thâm hụt ngân sách công của Pháp dự báo khoảng 5,6% GDP năm 2024 và hơn 6% năm 2025, cao hơn nhiều so với mức trần thâm hụt quy định 3% do EU đặt ra. Pháp buộc phải giảm thâm hụt dần qua các năm và chỉ còn dưới 3% GDP vào năm 2027 nếu không muốn bị EU trừng phạt. Tuy nhiên, Ngân hàng Trung ương Pháp cảnh báo, mục tiêu quay trở lại tuân thủ các quy tắc thâm hụt ngân sách của EU vào năm 2027 là không thực tế. Ông Barnier đề xuất tăng thuế để giúp ổn định tài chính trong khi Tổng thống Macron luôn loại trừ khả năng này trong suốt bảy năm cầm quyền. Tăng thuế được coi là điều cấm kỵ đối với các đảng ủng hộ Tổng thống Macron. Thủ tướng Barnier cũng chịu áp lực lớn khi cam kết sẽ không tăng thuế nhằm vào các tầng lớp trung lưu và người lao động.
Trước diễn biến tình hình chính trị và kinh tế hiện nay, chính phủ mới của Pháp đứng trước muôn vàn thách thức. Để nhanh chóng ổn định chính trường và tập trung giải bài toán ngân sách, phục hồi nền kinh tế là nhiệm vụ nặng nề đối với chính phủ của Thủ tướng Barnier trong chặng đường gian nan phía trước.
Theo Nhân Dân
Tin cùng chuyên mục
- Châu Âu trải qua 5 mùa hè nóng nhất trong 2 thập kỷ 20.07.2022 | 11:00 AM
- 10 năm sau thảm họa kép tại Nhật Bản: Nỗi đau vẫn còn 11.03.2021 | 09:43 AM
- Bạo loạn tại nhà Quốc hội - Cuộc khủng hoảng nghiêm trọng về hình ảnh và vị thế nước Mỹ 10.01.2021 | 14:37 PM
- 4 kịch bản bất ngờ sau ngày bầu cử Mỹ 03.11.2020 | 15:02 PM
- Đông Nam Á chạy đua đón đầu tư Mỹ 12.06.2020 | 08:49 AM
- Người Mỹ trong vòng xoáy của “cơn bão kép” 03.06.2020 | 09:29 AM
- Hành trình Covid-19 lây nhiễm toàn cầu và vượt mốc 1 triệu người mắc 04.04.2020 | 09:51 AM
- Lý giải nguyên nhân khiến dịch Covid-19 lây lan nhanh ở châu Âu 11.03.2020 | 17:27 PM
- Những thay đổi với cuộc sống người dân EU và Anh trong ngày 1/2 31.01.2020 | 13:59 PM
- Nhìn lại thế giới 2019: Các xu hướng chiến lược ở châu Phi 24.12.2019 | 15:59 PM
Xem tin theo ngày
- Khởi công xây dựng nhà máy sản xuất rượu soju tại khu công nghiệp Liên Hà Thái
- Cộng đồng doanh nghiệp thi đua đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh ngay từ đầu xuân mới
- Thủ tướng đôn đốc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán Ất Tỵ 2025
- Đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường làm việc với UBND tỉnh
- Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy và các đồng chí lãnh đạo tỉnh: Dự lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” xuân Ất Tỵ năm 2025
- Đồng chí Đỗ Đức Duy, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường dâng hương tưởng niệm đồng chí Nguyễn Đức Cảnh
- Thành phố Thái Bình: Phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” xuân Ất Tỵ
- Ra sức thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng tỉnh Thái Bình ngày càng phát triển, văn minh, giàu đẹp
- Tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam
- Dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh và các anh hùng liệt sĩ