Chủ nhật, 05/01/2025, 14:05[GMT+7]

Nỗ lực xóa bỏ nạn đói

Thứ 3, 01/10/2024 | 10:46:38
1,294 lượt xem
Chỉ còn vài năm nữa là đến hạn chót thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG), song thực tế cho thấy, thế giới vẫn còn cách xa mục tiêu không còn nạn đói.

Hội nghị Bộ trưởng Thương mại G7 mở rộng diễn ra tại Italia trong 2 ngày 16 và 17/7.

Nhóm họp tại thành phố Syracuse của Italia mới đây, các Bộ trưởng Nông nghiệp Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) khẳng định lại cam kết chung nhằm xây dựng hệ thống nông nghiệp hiệu quả, kiên cường và bền vững hơn, góp phần tăng cường nỗ lực bảo đảm an ninh lương thực.

Xây dựng hệ thống nông nghiệp bền vững là một phần thiết yếu trong việc hiện thực hóa mục tiêu chấm dứt nạn đói. Các hệ thống nông nghiệp bền vững cũng góp phần vào nỗ lực ứng phó biến đổi khí hậu, ngăn chặn và đảo ngược tình trạng mất đa dạng sinh học, đóng góp vào sự thịnh vượng và hội nhập kinh tế toàn cầu. Những điều này được nêu bật trong thông cáo chung của các Bộ trưởng Nông nghiệp G7 ngay sau hội nghị vừa qua.

Theo các Bộ trưởng Nông nghiệp G7, xung đột, biến đổi khí hậu, suy thoái kinh tế vẫn là những nguyên nhân chính gây ra nạn đói. Các cuộc xung đột làm gián đoạn chuỗi cung ứng, tăng chi phí đầu vào của ngành nông nghiệp, như thức ăn chăn nuôi, phân bón… làm trầm trọng thêm tình trạng mất an ninh lương thực toàn cầu, đặc biệt là ở những quốc gia dễ bị tổn thương nhất.

Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) ước tính, khoảng 733 triệu người, tương đương 9,1% dân số thế giới, phải đối mặt nạn đói trong năm 2023. Con số này ở riêng châu Phi, khu vực có tỷ lệ dân số chịu nạn đói cao nhất, là khoảng 298 triệu người trong năm qua và sẽ tăng thêm 10 triệu người vào năm 2030. Cơ quan của Liên hợp quốc nhận định, sau đại dịch Covid-19, số lượng người không đủ khả năng chi trả cho chế độ ăn uống lành mạnh tăng đáng kể, nhất là ở các quốc gia thu nhập thấp và trung bình thấp. FAO dự báo rằng, 19,5% trẻ em dưới năm tuổi trên thế giới sẽ bị còi cọc vào năm 2030.

Đề cập những con số nêu trên tại Hội nghị Bộ trưởng Nông nghiệp G7, Tổng Giám đốc FAO Qu Dongyu gióng lên hồi chuông cảnh báo rằng, mục tiêu chấm dứt nạn đói còn lâu mới đạt được. Theo ông Qu Dongyu, nếu các hệ thống nông nghiệp bền vững không nhận được thêm nguồn hỗ trợ, thế giới sẽ tiếp tục đi chệch hướng trong nỗ lực chấm dứt nạn đói, cũng như bảo đảm an ninh lương thực vào năm 2030 hoặc thậm chí là những mốc thời gian sau đó. Dù vậy, ông Qu Dongyu cũng nêu ra lý do để hy vọng là những tiến bộ đáng khích lệ ở một số khu vực, trong đó có Mỹ Latin.

Nhận thức rõ những bài toán khó đặt ra, các Bộ trưởng Nông nghiệp G7 khẳng định cam kết thúc đẩy hệ thống nông nghiệp và chuỗi cung ứng lương thực, thực phẩm bền vững. G7 nhất trí đầu tư vào những hệ thống nông nghiệp có khả năng cung cấp thực phẩm chất lượng, giá cả phải chăng cho mọi người dân, cũng như các giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học. Bên cạnh đó, G7 nêu rõ tầm quan trọng của việc giảm lãng phí thực phẩm từ khâu sản xuất đến tiêu thụ. Ngoài ra, ứng dụng khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp, đóng góp của nghề cá đối với an ninh lương thực, trao quyền cho thế hệ trẻ trong lĩnh vực nông nghiệp… là những nội dung được thảo luận tại hội nghị ở Italia vừa qua.

Nông nghiệp được xem là “xương sống” của sự phát triển bền vững, đóng vai trò thiết yếu cho tương lai thịnh vượng của các quốc gia châu Phi. Điều này không chỉ được các Bộ trưởng Nông nghiệp G7 mà cả các bên tham dự, trong đó có FAO và Liên minh châu Phi (AU), nhấn mạnh tại hội nghị ở Italia vừa qua. Cũng bởi vậy, G7 cam kết tăng cường quan hệ với các đối tác châu Phi thông qua chia sẻ kinh nghiệm về tăng năng suất và giá trị của ngành nông nghiệp, sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên hiệu quả… nhằm giảm đói nghèo và nâng cao khả năng phục hồi trước biến đổi khí hậu ở châu lục.

Italia hiện đảm nhiệm vai trò Chủ tịch G7 năm 2024. Hỗ trợ phát triển châu Phi không chỉ là trọng tâm của Hội nghị Bộ trưởng Nông nghiệp G7 lần này mà cũng là một trong những ưu tiên chính Italia theo đuổi trong nhiệm kỳ, bên cạnh các vấn đề như di cư, quản trị trí tuệ nhân tạo... Bộ trưởng Nông nghiệp Italia Francesco Lollobrigida khẳng định sự đồng hành của G7 với tiến trình phát triển của các quốc gia châu Phi; cho rằng điều này đem lại lợi ích cho các nước thành viên. Ông Francesco Lollobrigida tin tưởng rằng, với các nỗ lực đa phương, thế hệ trẻ ở nhiều quốc gia châu Phi sẽ không còn phải trốn chạy khỏi nạn đói.

Theo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày