Thứ 7, 23/11/2024, 15:17[GMT+7]

Tìm hiểu về BRICS - Tiềm năng trụ cột mới trong hệ thống đa phương

Thứ 4, 23/10/2024 | 10:53:30
1,713 lượt xem
Các quốc gia BRICS là những thị trường mới nổi lớn nhất trên thế giới, thông qua tăng cường hợp tác lẫn nhau để tăng động lực cho sự phát triển của mỗi nước và là sự tìm tòi mang tính “cách mạng.”

Biểu tượng Nhóm BRICS cùng quốc kỳ các nước thành viên và các nước được mời gia nhập nhóm. (Ảnh: IRNA/TTXVN)

Nhận lời mời của Tổng thống Nga Vladimir Putin, Chủ tịch Nhóm BRICS năm 2024, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam Phạm Minh Chính sẽ dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị các nhà lãnh đạo Nhóm BRICS mở rộng năm 2024 tại Kazan, Liên bang Nga, từ ngày 23-24/10.

Đây là hoạt động cấp cao quan trọng của BRICS và các nước đối tác trong năm 2024, với sự tham dự của lãnh đạo hơn 30 nước, cùng nhiều khách mời là đại diện các tổ chức quốc tế và khu vực.

BRICS được thành lập năm 2006 ở cấp Bộ trưởng Ngoại giao, ban đầu gồm 4 nước Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, nâng cấp lên Hội nghị thượng đỉnh từ năm 2009.

Năm 2010, BRIC kết nạp thêm Nam Phi chính thức trở thành BRICS và từ 1/1/2024 kết nạp thêm các thành viên là Ai Cập, Ethiopia, Iran và UAE. Trong 20 năm qua, BRICS đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Kể từ lần mở rộng mang tính bước ngoặt của nhóm BRICS vào tháng 1/2024, ngày càng nhiều quốc gia mong muốn được trở thành một phần của nhóm này. Mới đây có Azerbaijan, Malaysia, Thái Lan… đã nộp đơn xin gia nhập BRICS.

BRICS được thành lập với mục tiêu ban đầu là thúc đẩy hợp tác, phối hợp chính sách giữa các nền kinh tế mới nổi, tuy nhiên trong bối cảnh cạnh tranh giữa các nước lớn thời gian gần đây, nhóm đã dần trở thành một tập hợp lực lượng có vai trò và tiếng nói lớn hơn, thúc đẩy hình thành trật tự thế giới mới.

Với việc mở rộng thành viên, BRICS đang dần trở thành một tập hợp lực lượng của các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển có quy mô lớn nhất thế giới và tiềm lực ngày càng to lớn, đã và đang trở thành một tổ chức đa phương có uy tín và tầm ảnh hưởng ngày càng tăng, cơ chế hợp tác toàn diện, nhận được sự quan tâm ngày càng lớn của đông đảo các quốc gia trên thế giới.

Lãnh đạo các nước thành viên nhóm BRICS (từ trái sang): Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tại một diễn đàn trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Johannesburg (Nam Phi) ngày 22/8/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Điều đặc biệt là BRICS hiện nay đang có 2 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (Trung Quốc, Nga); 5 thành viên G20 (Ấn Độ, Brazil, Nga, Trung Quốc, Nam Phi), nhiều thành viên là các nước tầm trung.

Hợp tác của BRICS dựa trên ba trụ cột, gồm hợp tác chính trị-an ninh, kinh tế-tài chính, văn hóa và giao lưu nhân dân.

Các cơ chế hợp tác nổi bật gồm Hội nghị thượng đỉnh, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao, các Hội nghị Bộ trưởng chuyên ngành, Ngân hàng phát triển mới (NDB), các hội đồng/liên minh/cơ chế hợp tác chuyên ngành và các cơ chế đối thoại với các nước không phải thành viên.

Trong trật tự thế giới đa cực đang hình thành, BRICS đang nổi lên có tiềm năng trở thành một trụ cột mới trong hệ thống đa phương.

Về quy mô kinh tế, BRICS quy tụ nhiều nền kinh tế mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển năng động. Đến nay, BRICS đóng góp khoảng 37% GDP toàn cầu (tính theo sức mua tương đương), chiếm gần 50% dân số toàn cầu, 49% sản lượng lúa mỳ, 43% sản lượng dầu mỏ toàn cầu và 25% xuất khẩu hàng hóa của thế giới. Điều ấn tượng là trong số các thành viên BRICS thì Trung Quốc có GDP theo sức mua tương đương (PPP) đứng đầu thế giới với qui mô 35.000 tỷ USD, Ấn Độ chiếm vị trí thứ 3 với 14.600 tỷ USD, và Nga đứng thứ 4 với 6.450 tỷ USD (theo số liệu của World Bank tháng 4/2024).

Các nước thành viên BRICS đứng đầu về giá trị trữ lượng tài nguyên, khoáng sản và nằm ở các cửa ngõ giao thương lớn, có vị trí chiến lược kết nối giao thông với các châu lục khác. Theo nghiên cứu về giá trị các nguồn tài nguyên thiên nhiên như dầu khí, than đá, gỗ, khoáng sản và các tài nguyên khác, Nga đứng đầu thế giới với 75.000 tỷ USD, Iran đứng thứ 5 (27.300 tỷ USD), Trung Quốc đứng thứ 6 (23.000 tỷ USD), Brazil đứng thứ 7 (21.800 tỷ USD).

Đồng thời, quy mô và sức mạnh kinh tế của BRICS được tăng cường với hoạt động của Ngân hàng phát triển mới (NDB) từ năm 2015 và Quỹ dự trữ - dự phòng BRICS (CRA). Các nước thành viên BRICS đứng đầu về giá trị trữ lượng tài nguyên, khoáng sản và nằm ở các cửa ngõ giao thương lớn, có vị trí chiến lược kết nối giao thông với các châu lục khác.

BRICS hiện tập trung vào một số định hướng hợp tác và phát triển, gồm:

- Thúc đẩy quá trình mở rộng thành viên nhằm mở rộng quy mô và ảnh hưởng của Nhóm trên phạm vi toàn cầu.

- Nghiên cứu thúc đẩy thể chế hóa cao hơn (ví dụ như thành lập cơ quan thường trực - Ban Thư ký BRICS).

- Củng cố, mở rộng vai trò, ảnh hưởng của Ngân hàng NDB.

- Thúc đẩy các giải pháp giảm sự phụ thuộc vào đồng USD và hệ thống tài chính-tiền tệ phương Tây, xây dựng hệ thống thanh toán nội khối...

- Mở rộng hợp tác trên nhiều lĩnh vực, hình thành một hệ thống riêng, phân tách với các hệ thống do Mỹ và phương Tây dẫn dắt: Chuỗi cung ứng BRICS, hợp tác công nghệ mới, hợp tác trong lĩnh vực vũ trụ, nền tảng thị trường chung (FTA BRICS), xây dựng kết cấu hạ tầng y tế, xã hội, thúc đẩy thương mại đa phương, đầu tư, chống biến đổi khí hậu...

Trong khuôn khổ BRICS, có một số cơ chế tham gia dành cho các nước không phải thành viên BRICS như: Tham gia Ngân hàng NDB; Tham gia các diễn đàn/đối thoại trong khuôn khổ BRICS mở rộng với tư các nước khách mời như Hội nghị các Nhà lãnh đạo BRICS mở rộng, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao BRICS mở rộng và một số hội nghị, đối thoại về các lĩnh vực cụ thể (an ninh, phát triển đô thị...).

Trong bối cảnh thế giới đang đứng trước nhiều nguy cơ và thách thức chưa từng có, trong đó chủ nghĩa bảo hộ, chủ nghĩa đơn phương trỗi dậy mạnh mẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến các mối quan hệ quốc tế và trật tự an ninh, những căng thẳng thương mại và biến động chính trị đã gây ảnh hưởng tới lòng tin, thương mại, đầu tư và tốc độ tăng trưởng, nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới trở thành điểm sáng được cộng đồng quốc tế kỳ vọng sẽ trở thành động lực mới cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Ngân hàng NDB. (Nguồn: Potenza) 

Không thể phủ nhận các quốc gia BRICS là những thị trường mới nổi lớn nhất trên thế giới, thông qua tăng cường hợp tác lẫn nhau để tăng động lực cho sự phát triển của mỗi nước và đây là sự tìm tòi mang tính “cách mạng.”

Điều đó không chỉ mang lại lợi ích cụ thể mà còn tăng tính chủ động chiến lược cho tất cả các quốc gia BRICS cũng như lợi ích chung với toàn cầu.

Việc BRICS củng cố hơn nữa sự tin tưởng lẫn nhau, tăng cường đối thoại và hợp tác với các nước đang phát triển và các thị trường đang nổi khác, phần nào đã giải quyết các vấn đề nóng bằng các giải pháp chính trị, đóng góp nhiều hơn cho hòa bình và phát triển của thế giới.

Đặc biệt đối mặt với những thách thức của đại dịch COVID-19, các nước BRICS, đã cho thấy quyết tâm chung đoàn kết và hợp tác cùng nhau vượt qua khó khăn. Cuộc khủng hoảng COVID-19 đã cho thấy tầm quan trọng của các yếu tố khu vực trong việc ngăn chặn đại dịch.

Nền tảng đa phương mới, tập hợp các khối hội nhập do BRICS đứng đầu, sẽ có khả năng góp phần tăng cường hợp tác giữa các nước đang phát triển cũng như củng cố các nỗ lực hội nhập kinh tế và nguồn lực tài chính để đảm bảo tăng trưởng bền vững và có sức chống chịu tốt hơn trước các cú sốc đột ngột.

Thỏa thuận giữa các nước trong BRICS để tiến hành thử nghiệm lâm sàng vaccine Sputnik-V và thành lập các trung tâm sản xuất vaccine của Nga tại Ấn Độ, Trung Quốc cũng như sáng kiến của Nam Phi về việc thành lập Trung tâm nghiên cứu vaccine BRICS không chỉ góp phần đáp ứng nhu cầu nội địa, mà còn có thể cung cấp cho các nước thứ ba.

Có thể nhận thấy với tiềm năng và vị thế của mình, BRICS không chỉ là một động lực thúc đẩy kinh tế thế giới phát triển, mà còn có vai trò ngày càng lớn trên bàn cờ địa chính trị toàn cầu./.

Theo Baocaovien.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày