Thứ 5, 21/11/2024, 19:48[GMT+7]

Tín hiệu tích cực trong quan hệ Pháp-Maroc

Thứ 6, 01/11/2024 | 11:20:58
1,407 lượt xem
Mối quan hệ giữa Pháp và Maroc, vốn lạnh nhạt trong những năm qua, đang dần được cải thiện bởi nỗ lực thúc đẩy hợp tác mạnh mẽ của lãnh đạo hai bên. Chuyến công du Maroc mới đây của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho thấy quyết tâm của Paris nhằm hàn gắn quan hệ với quốc gia Bắc Phi, nơi đang là điểm sáng về phát triển năng lượng tái tạo của Lục địa đen.

Quốc vương Maroc Mohammed VI và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong buổi lễ ký kết thỏa thuận tại Cung điện Hoàng gia ở thủ đô Rabat ngày 28/10. (Nguồn: Reuters)

Chuyến công du kéo dài ba ngày tới Maroc của Tổng thống Pháp đã thu được những kết quả đột phá, với hàng loạt thỏa thuận hợp tác song phương được ký kết, có tổng giá trị lên tới 10 tỷ euro. Theo thông báo của Ðiện Elysée, các thỏa thuận trong nhiều lĩnh vực gồm năng lượng, cơ sở hạ tầng, giáo dục, an ninh được ký kết trước sự chứng kiến của Tổng thống Pháp và Quốc vương Maroc. Ðáng chú ý, công ty năng lượng Engie của Pháp ký một thỏa thuận năng lượng tái tạo với các khoản đầu tư tiềm năng lên tới 3,5 tỷ euro.

Chuyến thăm Maroc của Tổng thống Pháp diễn ra sau khi quan hệ giữa Paris và Rabat trở nên căng thẳng. Truyền thông Pháp cho biết, hai quốc gia từng có truyền thống hợp tác trong nhiều lĩnh vực, nổi bật là thương mại, khí hậu và chống khủng bố. Maroc là một trong những điểm đến hàng đầu tại châu Phi của các doanh nghiệp Pháp, trong khi Pháp là đối tác thương mại lớn của Maroc. Tuy vậy, mối quan hệ chặt chẽ này vẫn đứng trước những khoảng thời gian sóng gió.

Hai nước từng có bất đồng lớn về vấn đề người di cư. Kể từ tháng 9/2021, quan hệ song phương trở nên căng thẳng sau khi Paris giảm một nửa hạn ngạch thị thực đối với người Maroc, nhằm đáp trả việc quốc gia Bắc Phi từ chối tiếp nhận lại những người di cư bất hợp pháp bị Pháp trục xuất. Cuộc khủng hoảng thị thực đã khiến Maroc đình chỉ quan hệ ngoại giao với Pháp. Cho đến cuối năm 2023, hai nước mới tuyên bố hàn gắn quan hệ.

Maroc là một trong những điểm trung chuyển chính được người di cư ở Tây Phi lựa chọn để đến Lục địa già. Kể từ đầu năm 2024 đến nay, cơ quan thực thi pháp luật Maroc đã ngăn chặn hơn 45.000 âm mưu vượt biên đến châu Âu của những người di cư. Trong khi đó, nhập cư và an ninh luôn là vấn đề gây nhức nhối cho các nước Liên minh châu Âu (EU), bao gồm cả Pháp, tạo sức ép lớn cho giới chức về siết chặt luật nhập cư, nhất là khi nhiều khu vực trên thế giới vẫn chìm trong giao tranh, xung đột. Ðây cũng là điểm tựa để phe cực hữu ở các nước ngày càng thu hút sự ủng hộ của cử tri và vươn lên vị thế cao hơn tại chính trường Pháp cũng như châu Âu.

Theo Euronews, chuyến công du của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron là sự tiếp nối nỗ lực xoa dịu quan hệ với Maroc. Trước đó, hồi tháng 7/2024, nhà lãnh đạo này đã bày tỏ quan điểm ủng hộ Rabat về vấn đề tranh chấp lãnh thổ đầy gai góc ở Tây Sahara. Maroc coi khu vực này là một phần lãnh thổ nhưng đang vướng các hoạt động đấu tranh của phong trào Polisario được quốc gia láng giềng Algeria hậu thuẫn.

Maroc cũng là một phần trong chiến lược giải bài toán năng lượng của Pháp. Giữa lúc nhu cầu về năng lượng sạch tăng nhanh và châu Âu đang tìm cách giảm sự phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên của Nga, ngày càng nhiều quốc gia châu Âu tìm đến châu Phi nói chung và Maroc nói riêng để đáp ứng nhu cầu năng lượng.

Theo báo cáo của công ty Deloitte, với nguồn tài nguyên tái tạo dồi dào và vị trí gần châu Âu, khu vực Bắc Phi sẽ trở thành nhà xuất khẩu hydro xanh lớn nhất thế giới vào năm 2050. Báo cáo ước tính, ngành công nghiệp này có thể tạo ra doanh thu 110 tỷ USD cho Bắc Phi vào năm 2050. Trong đó, Maroc được kỳ vọng trở thành một trong những nhà sản xuất chính loại năng lượng sạch này trong tương lai.

Truyền thông Maroc nhận định, chuyến công du quốc gia Bắc Phi của Tổng thống Pháp đánh dấu “tuần trăng mật mới” giữa hai nước, trong khi Quốc vương Maroc Mohammed VI gọi sự kiện này là cơ hội cho “một tầm nhìn mới và đầy tham vọng” trong quan hệ song phương. Với mối liên kết trong nhiều khía cạnh, việc Pháp và Maroc nỗ lực hàn gắn quan hệ và thúc đẩy hợp tác được cho là bước đi cần thiết, mang lại lợi ích thiết thực cho cả hai nước.

Theo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày