Thứ 5, 02/01/2025, 22:51[GMT+7]

Áp lực từ làn sóng di cư

Chủ nhật, 10/11/2024 | 08:49:19
1,555 lượt xem
Chính quyền của Tổng thống Joe Biden đang chuẩn bị các phương án dự phòng nhằm đối phó với làn sóng người di cư có thể diễn ra thời gian tới, trong bối cảnh Bộ An ninh Nội địa Mỹ lo ngại dòng người di cư đang cố nhập cảnh trước khi Mỹ có chính quyền mới.

Những người xin tị nạn, chủ yếu đến từ Venezuela, nghỉ ngơi trong lều do chính quyền Mexico dựng gần biên giới ở Nuevo Laredo, Mexico, ngày 27/6/2023. Ảnh minh họa: REUTERS

Đài NBC News dẫn lời các quan chức Mỹ cho biết, mặc dù vẫn chưa chứng kiến làn sóng di cư gia tăng, song Bộ An ninh Nội địa Mỹ bày tỏ quan ngại về tác động đối với an ninh biên giới sau khi ông Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống vừa qua. 

Làn sóng di cư trái phép vào Mỹ qua nhiều năm luôn là mối lo ngại của chính quyền Mỹ. Tổng thống Biden đã ban hành lệnh cấm tị nạn trong tháng 6 năm nay nhằm giảm số người di cư vượt biên trái phép, vốn đang ở mức kỷ lục.

Ðúng ngày bầu cử chính thức tại Mỹ, một đoàn di cư khoảng 3.000 người, trong đó có cả phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ, đã khởi hành từ miền Nam Mexico hướng đến Mỹ. Dòng người di cư đổ về Mỹ do lo ngại ông Trump - vốn là người có lập trường mạnh mẽ chống di cư trái phép, có thể đóng cửa biên giới khi chính thức lên nắm quyền vào đầu năm 2025.

Suốt chiến dịch tranh cử, ông Trump đã luôn thể hiện lập trường cứng rắn về di cư. Ông cam kết sẽ tiến hành đợt trục xuất lớn nhất trong lịch sử Mỹ đối với người tị nạn trái phép, đồng thời dự định khôi phục một số chính sách gây tranh cãi trong nhiệm kỳ đầu của mình. Một trong số đó là chương trình “Ở lại Mexico”, yêu cầu người xin tị nạn phải ở lại quốc gia láng giềng cho đến ngày hồ sơ của họ được phía Mỹ phê duyệt.

Làn sóng di cư trái phép vào Mỹ qua nhiều năm luôn là mối lo ngại của chính quyền Mỹ. Tổng thống Biden đã ban hành lệnh cấm tị nạn trong tháng 6 năm nay nhằm giảm số người di cư vượt biên trái phép, vốn đang ở mức kỷ lục. Ngay trước thềm bầu cử tổng thống, Bộ An ninh Nội địa Mỹ cho biết chính quyền Tổng thống Joe Biden siết chặt lệnh cấm tị nạn tại khu vực biên giới giữa nước này và Mexico nhằm hạn chế hơn nữa tình trạng vượt biên bất hợp pháp. 

Theo Bộ An ninh Nội địa Mỹ, việc siết chặt lệnh cấm nêu trên sẽ giúp duy trì các hạn chế về tị nạn cho đến khi số vụ bắt giữ người di cư vượt biên trái phép giảm xuống dưới mức trung bình 1.500 người/ngày trong 28 ngày, kéo dài hơn so với thời hạn hiện tại là 7 ngày. 

Dòng người di cư bất hợp pháp vào Mỹ không chỉ từ nước láng giềng Mexico mà còn từ nhiều nước trong khu vực. Số liệu thống kê của Cơ quan Di trú quốc gia Panama cho thấy từ đầu năm tới nay có hơn 281.000 người di cư nhập cảnh trái phép vào nước này qua khu rừng rậm Darien giáp biên giới giữa Panama và Colombia để tìm đường đến Mỹ, trong đó người di cư bất hợp pháp đến từ Venezuela có số lượng lớn nhất với hơn 196.800 người, tiếp đến là Colombia (hơn 16.000 người), Ecuador (hơn 15.000 người )... 

Trong tháng 10 vừa qua, hơn 21.500 người di cư đã đến các trạm tiếp nhận ở tỉnh Darien sau khi đi xuyên rừng Darien. Tình trạng các băng nhóm tội phạm, như Gulf Cartel và Tren de Aragua, đã lợi dụng làn sóng di cư của hàng trăm nghìn người đến từ Venezuela, Colombia, Haiti và Ecuador để buôn người và vận chuyển ma túy. Tổng thống Panama Jose Raul Mulino cho biết kể từ tháng 7 đến nay, Chính phủ Panama với sự hỗ trợ của Mỹ đã thực hiện ít nhất 23 chuyến bay hồi hương gần 800 người di cư trái phép, trong đó chủ yếu là về Colombia.

Thực trạng nêu trên khiến các nước láng giềng của Mỹ kêu gọi một giải pháp toàn diện giải quyết cuộc khủng hoảng di cư ở khu vực. Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador thúc giục Mỹ không xây dựng bức tường biên giới và quân sự hóa tại khu vực biên giới hai nước, mà thay vào đó là tăng cường đầu tư vào các nước Mỹ Latin. 

Tổng thống Obrador cho biết Chính phủ Mexico đang triển khai nhiều chương trình xã hội như “Gieo mầm cuộc sống” tại Guatemala, Honduras, El Salvador, Haiti, Venezuela, Colombia, Belize và Cuba nhằm hỗ trợ người dân các nước này cải thiện cuộc sống, góp phần ngăn chặn làn sóng di cư.

Di cư không còn là câu chuyện riêng của nước Mỹ mà là vấn đề chung của cả các quốc gia láng giềng với “xứ cờ hoa”. Do vậy, để giải quyết tận gốc rễ và ngăn chặn từ sớm, từ xa làn sóng di cư, đòi hỏi chính quyền của tân Tổng thống D.Trump tới đây phải quan tâm nhiều hơn việc chung tay hỗ trợ các quốc gia nghèo ở khu vực Trung Mỹ và Caribe. Việc xây dựng bức tường biên giới hay quân sự hóa tại khu vực có nhiều người di cư bất hợp pháp vào Mỹ chỉ là giải quyết “phần ngọn” của vấn đề.

Theo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày