Thứ 7, 14/12/2024, 11:02[GMT+7]

EU củng cố mục tiêu tham vọng về AI

Thứ 2, 11/11/2024 | 10:49:15
1,437 lượt xem
Hội đồng châu Âu mới đây khẳng định mục tiêu đầy tham vọng của Liên minh châu Âu (EU) về phát triển trí tuệ nhân tạo (AI), theo đó, khối này kỳ vọng trở thành một trong những trung tâm AI hàng đầu thế giới. Tuyên bố trên được đưa ra khi cuộc đua phát triển và ứng dụng AI ngày càng khốc liệt, trong khi EU đứng trước nguy cơ tụt hậu so với các nền kinh tế lớn như Mỹ hay Trung Quốc trong lĩnh vực hấp dẫn này.

Ảnh minh họa.

Quy tụ các nền kinh tế lớn như Đức, Pháp, Italia…, EU đã ghi nhiều dấu ấn quan trọng ngay từ khi AI mới nổi lên như một xu hướng công nghệ mới trên toàn cầu. Đức và Pháp công bố kế hoạch đầu tư hàng tỷ USD vào nghiên cứu, phát triển công nghệ AI. Nhiều sáng kiến nhằm xây dựng năng lực phát triển AI được EU đề ra, như sáng kiến “AI cho châu Âu” được khởi động từ năm 2019. 

Gần đây, Ủy ban châu Âu (EC) công bố sáng kiến thành lập các nhà máy trí tuệ nhân tạo (AI Factory), qua đó cung cấp các nền tảng và cơ sở hạ tầng cần thiết để phát triển, thử nghiệm và triển khai ứng dụng AI tiên tiến, nâng cao vị thế cạnh tranh của châu Âu trên trường quốc tế. 

Khi cuộc đua thống trị AI trở nên khốc liệt hơn trên toàn cầu, ngày càng có nhiều ý kiến cho rằng, châu Âu nói chung và EU nói riêng phải nỗ lực hơn nữa mới có thể bắt kịp Mỹ, Trung Quốc. Tại một sự kiện ở thành phố Novi Sad (Serbia) vào cuối tháng 8/2024, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thừa nhận, Lục địa già đang “tụt hậu chút ít” và cần phải “bắt kịp, đổi mới, đầu tư hơn nữa” về AI thì mới có thể sánh ngang một số nền kinh tế lớn trên thế giới. 

Tòa án Kiểm toán châu Âu cũng đưa ra nhận định tương tự và chỉ ra 3 lý do chính khiến châu Âu bị tụt lại trong cuộc chạy đua khốc liệt này, đó là: Đầu tư cho AI không đủ nhiều, những dự án nhận đầu tư không được quản trị một cách có hệ thống và hợp tác trong lĩnh vực này giữa các nước trong khu vực còn thiếu hiệu quả. Theo nghiên cứu của nền tảng thông tin InvestGlass có trụ sở tại Thụy Sĩ, Xứ Cờ hoa đang giữ vị thế dẫn đầu trong cuộc đua phát triển AI với những “đại gia” công nghệ như Google, Microsoft… đầu tư mạnh tay vào thị trường này.

Giới chuyên gia nhận định, dù đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các quốc gia sẵn sàng “rút hầu bao” cho phát triển AI như Mỹ hay Trung Quốc, EU vẫn đi đầu trong giải quyết rủi ro liên quan công nghệ này. Từ tháng 8/2024, EU chính thức kích hoạt đạo luật mang tính bước ngoặt trong công tác quản lý AI mà khối này kỳ vọng vừa giúp bảo vệ quyền công dân vừa thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Theo đó, các công ty bắt đầu phải tuân thủ đạo luật này vào năm 2026 nhưng các quy tắc áp dụng với những mô hình AI như ChatGPT sẽ được áp dụng 12 tháng sau khi luật có hiệu lực. 

Trên thực tế, châu Âu luôn là một trong những khu vực tiên phong về thiết lập các quy định quản lý lĩnh vực công nghệ, điển hình là Ðạo luật Dịch vụ kỹ thuật số (DSA) của EU đã siết chặt kiểm soát hoạt động của các “ông lớn” công nghệ, mang đến không gian mạng an toàn hơn cho người dùng. Các quy định của Brussels thường là khuôn mẫu cho nhiều khu vực khác.

Hoàng tử Hà Lan Constantijn từng bày tỏ lo ngại rằng, châu Âu đang dồn trọng tâm vào quản lý AI hơn là nỗ lực trở thành khu vực dẫn đầu về phát triển công nghệ này. Điều này đòi hỏi sự thay đổi trong cách tiếp cận của khu vực. Hội đồng châu Âu mới đây khẳng định, để EU có thể trở thành một trong những trung tâm AI sáng tạo và đáng tin cậy nhất trên thế giới, khối này cần tăng cường đầu tư vào nghiên cứu và phát triển AI, cải thiện khả năng tiếp cận hạ tầng kỹ thuật số và hợp tác chặt chẽ với các quốc gia thành viên, các đối tác quốc tế nhằm chia sẻ nguồn lực, kinh nghiệm.

Trước tiềm năng to lớn từ AI về phát triển kinh tế, xã hội cũng như thúc đẩy tiến bộ khoa học, việc EU tăng cường đầu tư vào lĩnh vực này là bước đi tất yếu. Giới chức EU kỳ vọng, với sự đầu tư đúng đắn và một chiến lược rõ ràng, liên minh này có thể khai thác tối đa tiềm năng của AI, mang lại lợi ích to lớn cho người dân và nền kinh tế.

Theo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày