Thứ 4, 04/12/2024, 15:50[GMT+7]

Cuộc đàm phán cam go nhằm ngăn chặn sự nóng lên của Trái đất

Thứ 3, 26/11/2024 | 11:57:42
490 lượt xem
Hội nghị lần thứ 29 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29) tại Baku (Azerbaijan) chưa thể tìm ra tiếng nói chung đối với vấn đề lớn là tài chính khí hậu trong những giờ đàm phán cuối cùng. Bất đồng khó có thể thỏa hiệp giữa các nước là yếu tố cản trở nỗ lực toàn cầu nhằm ngăn chặn sự nóng lên của Trái đất.

Các nhà lãnh đạo thế giới tham dự COP29 tại Baku. Ảnh: REUTERS

Dự thảo tuyên bố chung của COP29 không đưa ra bất kỳ con số cụ thể nào về mức tài trợ mà các nước giàu sẽ cung cấp để giúp các quốc gia đang phát triển chuyển đổi sang năng lượng sạch và thích ứng những tác động ngày càng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu, đã gây thất vọng cho nhiều đại biểu. Dự thảo công nhận rằng các nước đang phát triển cần ít nhất "X tỷ USD" mỗi năm, có điều con số quan trọng này - vốn là yếu tố quyết định để đạt được thỏa thuận, lại không được nêu rõ.

Việc không có con số cụ thể đã khiến các nhà đàm phán cảm thấy bế tắc, nhất là khi dự thảo nêu hai quan điểm đối lập rõ rệt. Một bên là các quốc gia giàu có, trong đó có Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ, cho rằng tài chính khí hậu nên bao gồm cả nguồn tài trợ từ các tổ chức tư nhân và các quốc gia đang phát triển như Trung Quốc. Bên kia, các nước đang phát triển lại yêu cầu rằng nguồn tài chính chủ yếu đến từ ngân sách chính phủ các nước giàu, và chủ yếu là dưới dạng viện trợ không hoàn lại, thay vì cho vay có thể làm gia tăng nợ công.

Theo báo cáo độc lập được Liên hợp quốc công bố, các nước đang phát triển, ngoại trừ Trung Quốc, sẽ cần 1.000 tỷ USD viện trợ bên ngoài mỗi năm vào cuối thập kỷ này để ứng phó tình trạng nóng lên toàn cầu. Con số này gấp hàng chục lần cam kết 100 tỷ USD/năm hiện tại. Các nước đang phát triển, nhất là các quốc gia ở châu Phi, Mỹ Latin và châu Á, từ lâu đã kêu gọi mục tiêu tài chính là 1.300 tỷ USD mỗi năm vào năm 2035. Số tiền này là cần thiết để giúp họ giảm phát thải, xây dựng khả năng thích ứng tác động của biến đổi khí hậu và thích nghi những ảnh hưởng ngày càng tồi tệ của sự nóng lên toàn cầu. Tuy nhiên, các nước giàu lại tiếp tục phản đối yêu cầu này, dẫn đến không thể đề xuất bất kỳ cam kết nghiêm túc nào. Việc đàm phán vấp phải nhiều nút thắt, như tranh cãi về việc chia sẻ gánh nặng từ các quốc gia mới nổi giàu có hay nguy cơ Mỹ từ chối trả tiền dưới thời chính quyền mới.

Sự thiếu tiến triển trên mặt trận tài chính khiến các nhà đàm phán thất vọng. Ông Ali Mohamed, Chủ tịch Nhóm đàm phán của các quốc gia châu Phi, bày tỏ: "Ðây là lý do chúng tôi có mặt ở đây... nhưng chúng tôi vẫn chưa tiến gần hơn (thỏa thuận) và chúng tôi cần các quốc gia phát triển nhanh chóng tham gia vấn đề này". Giám đốc tổ chức Power Shift Africa Mohamed Adow tỏ ra thất vọng về việc không có con số cụ thể khi ông nhấn mạnh: "Chúng tôi cần một tấm séc, nhưng tất cả những gì chúng tôi có hiện tại chỉ là một mảnh giấy trắng". Thiếu các con số cụ thể trong cam kết tài chính của các nước giàu được coi là một bước lùi lớn. Ủy viên khí hậu EU Wopke Hoekstra đánh giá, đây là sự mất cân bằng, không khả thi và không thể chấp nhận, đồng thời chỉ trích việc thiếu sự cụ thể về các đóng góp tài chính.

Trong khi tài chính khí hậu được xem là ưu tiên hàng đầu của chương trình nghị sự COP29, thì nhiên liệu hóa thạch tiếp tục là một vấn đề gây tranh cãi tại hội nghị năm nay. Tuy những cam kết quan trọng về việc chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch đã được đưa ra tại COP28, thế nhưng COP29 lại không đưa ra các bước đi cụ thể để giảm sự phụ thuộc vào các nguồn năng lượng này. Khi nhắc đến nhiên liệu hóa thạch, COP29 chỉ đề cập việc loại bỏ các khoản trợ cấp nhiên liệu hóa thạch không hiệu quả và khuyến khích các doanh nghiệp đóng góp những hành động vì khí hậu và điều chỉnh các hoạt động của doanh nghiệp để phù hợp Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015.

Giới quan sát cho rằng, trong cuộc đàm phán cam go này, các nhà đàm phán cần nhanh chóng đồng thuận về ba vấn đề chính: số tiền cụ thể được cam kết, bao nhiêu trong số đó sẽ dưới dạng viện trợ không hoàn lại và cách thức tài trợ sẽ được thu thập và phân phối. Các nhà lãnh đạo quốc tế đã hối thúc các nước thỏa hiệp để nhanh chóng đạt được thỏa thuận tài chính then chốt. Thư ký điều hành Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC), ông Simon Stiell cảnh báo, các chiêu trò tính toán sẽ đốt cháy thời gian quý báu và làm giảm thiện chí cần thiết để đạt được thỏa thuận tài chính cho các quốc gia nghèo hơn. Ông nhấn mạnh, thỏa thuận này quyết định sự an toàn và ngăn chặn thảm họa hủy diệt cuộc sống của hàng tỷ người. Trong khi đó, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho rằng, các nước trong Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) cần làm gương trong việc dẫn đầu và thỏa hiệp trong vấn đề quan trọng này.

Theo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày