Chủ nhật, 22/12/2024, 17:57[GMT+7]

Bạo lực ở Haiti: Vòng xoáy chưa có lối thoát

Thứ 5, 05/12/2024 | 10:45:19
1,122 lượt xem
Các băng nhóm tội phạm vẫn gieo rắc nỗi kinh hoàng tại Haiti bất chấp những nỗ lực của lực lượng cảnh sát và phái bộ Hỗ trợ an ninh đa quốc gia (MSS) do Kenya dẫn đầu nhằm khôi phục ổn định tại Haiti. Tình trạng bạo lực cản trở hoạt động viện trợ, khiến khủng hoảng nhân đạo thêm nghiêm trọng, đẩy người dân Haiti vào vòng xoáy khó khăn chưa có lối thoát.

Hàng trăm nghìn người Haiti phải tha hương vì bạo lực. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Người dân Haiti đang phải chống chọi tình cảnh bạo lực leo thang, đói nghèo lan rộng, trong khi cơ sở hạ tầng và dịch vụ thiết yếu tiến gần bờ vực sụp đổ. Gần một nửa dân số Haiti đối mặt nạn đói nghiêm trọng. Do bạo lực băng đảng, khoảng 700.000 người, một nửa trong số đó là trẻ em, phải rời nhà lánh nạn. Các băng nhóm tội phạm thậm chí còn nhằm mục tiêu vào bệnh viện và trường học, nơi trú ẩn tạm thời của hàng nghìn người. Con số trên thực tế có thể còn cao hơn nhiều. Điều này khiến nhiều người dân Haiti phải sống trong điều kiện thiếu thốn đủ đường và đối mặt cùng lúc nhiều mối đe dọa.

Nhiều trẻ em ở Haiti không những không thể đến trường, mà còn bị các băng nhóm vũ trang tuyển mộ, bị đe dọa tính mạng nếu từ chối gia nhập hoặc trốn chạy. Theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), số trẻ em ở Haiti bị ép buộc vào các băng đảng tăng 70% trong năm qua, trong đó có cả trẻ chỉ mới tám tuổi. Ước tính một phần ba, thậm chí một nửa số thành viên của các băng nhóm tại Haiti hiện nay là trẻ em.

Giám đốc điều hành UNICEF Catherine Russell cho biết, trẻ em tại Haiti đang phải chịu đựng những hành vi tàn bạo. Trẻ em nơi đây đang mắc kẹt trong một vòng luẩn quẩn, bị ép gia nhập và buộc phải tiếp tay cho chính những băng nhóm đang gây ra thảm cảnh đối với chính gia đình mình. Điều này sẽ để lại những vết sẹo không chỉ trên thể xác mà cả trong tâm hồn, ám ảnh những trẻ này cả đời. Bà Russell lo ngại rằng, sự hỗn loạn đang dần trở thành một phần trong cuộc sống hằng ngày của trẻ em Haiti.

Tình cảnh nêu trên gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng bất ổn nghiêm trọng ở quốc gia Caribe này. Việc Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cuối tháng 9 vừa qua quyết định kéo dài triển khai MSS thêm một năm càng cho thấy rõ tình trạng tồi tệ này tại Haiti. Thời gian qua, MSS cùng lực lượng cảnh sát Haiti nỗ lực kiềm chế và đẩy lùi các băng đảng nhằm tạo thuận lợi cho việc cung cấp viện trợ và hỗ trợ tiến trình chuyển tiếp, trong đó có việc tổ chức một cuộc bầu cử tự do và công bằng tại Haiti.

Trong cả những lúc tình trạng bạo lực lên đỉnh điểm, các cơ quan của Liên hợp quốc vẫn nỗ lực hỗ trợ người dân Haiti. Đại diện các cơ quan của Liên hợp quốc cam kết giúp đỡ người dân Haiti, nhất là những người dễ bị tổn thương nhất, trong đó có phụ nữ và trẻ em, vượt qua các cuộc khủng hoảng hiện nay. Theo bà Ulrika Richardson, Điều phối viên nhân đạo của Liên hợp quốc tại Haiti, những người bị buộc phải di dời đã được hỗ trợ về thực phẩm, nước sạch, cũng như các dịch vụ chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần. UNICEF triển khai một số sáng kiến, trong đó có đào tạo lực lượng an ninh và các tổ chức xã hội dân sự về các biện pháp bảo vệ trẻ em. UNICEF cũng hỗ trợ chăm sóc, giúp những trẻ em từng bị buộc phải tham gia các băng nhóm đoàn tụ với gia đình.

Trước tình hình an ninh xấu đi, nhất là tại thủ đô Port-au-Prince, Liên hợp quốc nhấn mạnh sự an toàn của các nhân viên của tổ chức này là ưu tiên hàng đầu, song vẫn khẳng định tiếp tục hỗ trợ chính quyền và người dân Haiti. Phó phát ngôn viên Liên hợp quốc Farhan Haq nêu rõ, đại diện các cơ quan của tổ chức này và Văn phòng phối hợp của Liên hợp quốc tại Haiti (BINUH) vẫn ở lại và tiếp tục triển khai các hoạt động cần thiết.

Để ứng phó các mối nguy hiểm gia tăng, Liên hợp quốc đang điều chỉnh hoạt động để bảo đảm nỗ lực cung cấp viện trợ nhân đạo không bị đứt đoạn và tiến trình chuyển tiếp được triển khai nhằm mang lại một tia hy vọng về sự ổn định trở lại của quốc gia Caribe.

Theo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày