Chủ nhật, 22/12/2024, 18:33[GMT+7]

Phát triển điện hạt nhân: Bước chuyển chiến lược

Thứ 6, 06/12/2024 | 08:47:43
1,240 lượt xem
Thời gian qua, nhiều quốc gia đồng loạt tăng tốc phát triển điện hạt nhân. Đây được xem là bước chuyển chiến lược quan trọng, giúp các nước sớm đạt mục tiêu kép là bảo đảm an ninh năng lượng và giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính.

Nhà máy điện hạt nhân ở miền nam nước Pháp.

Khi “cơn khát” năng lượng cùng áp lực giảm khí thải trong quá trình sản xuất điện ngày càng tăng, khôi phục ngành công nghiệp điện hạt nhân đã trở thành xu thế phổ biến trên thế giới. Quốc hội Serbia vừa chính thức dỡ bỏ lệnh cấm phát triển năng lượng hạt nhân kéo dài suốt 35 năm qua, mở ra cơ hội tiếp cận nguồn năng lượng ổn định, góp phần giảm sự phụ thuộc vào than đá.

Cùng với Serbia, sau gần 40 năm từ bỏ, mới đây, Italia tuyên bố sẽ thiết lập khuôn khổ pháp lý để xây dựng các nhà máy điện hạt nhân. Trong khi đó, Nhà Trắng cũng vừa công bố một kế hoạch táo bạo nhằm tăng gấp ba công suất năng lượng hạt nhân của Mỹ từ nay đến năm 2050.

Tại châu Á, sau thời gian gián đoạn kể từ sự cố tại nhà máy Fukushima năm 2011, những năm gần đây, Nhật Bản tiếp tục theo đuổi chủ trương phát triển điện hạt nhân. Theo đó, hàng chục lò phản ứng tại các nhà máy điện hạt nhân ở Nhật Bản đã hoạt động trở lại sau khi đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn nghiêm ngặt hơn.

Xứ sở Hoa anh đào đặt mục tiêu duy trì tỷ lệ điện hạt nhân ở mức 20-22% trong tổng sản lượng của cả nước vào năm 2030. Trong khi đó, Indonesia, nền kinh tế hàng đầu Đông Nam Á, tuyên bố đang xem xét vận hành các nhà máy điện hạt nhân sớm nhất vào năm 2036, nhằm giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.

Xu hướng khôi phục ngành công nghiệp năng lượng hạt nhân được đánh giá là bước chuyển chiến lược của nhiều nước. Sau thảm họa Chernobyl năm 1986, việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân mới trên thế giới gần như bị đình trệ. Ba năm sau sự cố Chernobyl, Serbia đã đình chỉ chương trình hạt nhân và đóng cửa lò phản ứng nghiên cứu duy nhất ở ngoại ô thủ đô Belgrade. Italia cũng từ bỏ năng lượng hạt nhân vào tháng 11/1987 sau cuộc trưng cầu ý dân.

Tuy nhiên, những năm gần đây, nhiều nước quyết định đảo ngược chính sách và hồi sinh năng lượng hạt nhân, nhất là khi công nghệ sản xuất ngày càng tiên tiến, an toàn và hầu như không gây phát thải. Quyết định xây dựng nhà máy điện hạt nhân được các chuyên gia đánh giá là phù hợp với nhu cầu và xu hướng phát triển hiện nay.

Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) nhận định, điện hạt nhân đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng tại nhiều nước, khi chiếm hơn 10% tổng sản lượng điện toàn cầu. Mỹ là nhà sản xuất hàng đầu thế giới trong lĩnh vực này. Trong khi đó, theo Euronews, năng lượng hạt nhân chiếm tới 65-70% tổng sản lượng điện của Pháp, đóng vai trò không thể thiếu trong cơ cấu năng lượng của Ðất nước hình lục lăng.

Ngoài ra, được xem là nguồn cung ổn định, năng lượng hạt nhân đang được nhiều “đại gia” công nghệ đầu tư để đáp ứng nhu cầu điện năng khổng lồ trong cuộc đua phát triển trí tuệ nhân tạo (AI). Google vừa ký thỏa thuận mua điện từ các lò phản ứng hạt nhân nhỏ. Khẳng định năng lượng hạt nhân đóng vai trò then chốt trong quá trình chuyển đổi sang lưới điện ổn định, nhiều tập đoàn như Microsoft, Amazon cũng công bố các khoản đầu tư phát triển nhà máy điện hạt nhân.

Không chỉ mang lại lợi ích về mặt kinh tế, điện hạt nhân còn được xem là công cụ quan trọng để hiện thực hóa các mục tiêu tham vọng về khí hậu. Theo nhiều nhà khoa học, nhà máy điện hạt nhân hầu như không tạo ra khí thải gây hiệu ứng nhà kính hoặc chất gây ô nhiễm không khí trong quá trình hoạt động.

Hội nghị lần thứ 29 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29), diễn ra tại Azerbaijan năm 2023, lần đầu tiên công nhận điện hạt nhân là một trong những giải pháp cần thiết để khống chế mức tăng nhiệt ở 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Bên cạnh đó, từ góc nhìn sức khỏe cộng đồng, sản xuất điện hạt nhân cũng an toàn hơn việc đốt nhiên liệu hóa thạch. Theo nghiên cứu mới đây của Cục Nghiên cứu kinh tế quốc gia Mỹ, mỗi nhà máy điện hạt nhân được xây dựng có thể cứu được hơn 800.000 năm tuổi thọ của con người nhờ giảm ô nhiễm không khí.

Mặc dù đòi hỏi nguồn vốn lớn, công nghệ hiện đại, đầu tư dài hạn và yêu cầu cao về tiêu chuẩn an toàn, song với những lợi ích nêu trên, nhiều nước đang đẩy nhanh nỗ lực phát triển điện hạt nhân, để không chậm chân trong cuộc đua giảm phát thải và bảo đảm nguồn cung năng lượng cho phát triển kinh tế.

Theo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày