Thứ 5, 16/01/2025, 13:01[GMT+7]

Thách thức với triển vọng tăng trưởng

Thứ 5, 16/01/2025 | 09:49:12
130 lượt xem
Dù phải trải qua những cú sốc liên tiếp trong năm vừa qua, nền kinh tế thế giới vẫn đứng vững và tránh được nguy cơ suy thoái trên diện rộng. Nhờ vậy, tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong ngắn hạn được dự báo ​​sẽ ổn định, song vẫn ở mức thấp bởi những yếu tố gây bất ổn dai dẳng.

Hình ảnh Báo cáo Tình hình và triển vọng kinh tế thế giới năm 2025 của Liên hợp quốc. (Ảnh un.org)

Báo cáo do Liên hợp quốc công bố gần đây dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2025 duy trì ở mức 2,8%, không đổi so với năm 2024. Tăng trưởng toàn cầu năm 2026 dự kiến đạt 2,9%, vẫn thấp hơn mức tăng trưởng trung bình 3,2% trong giai đoạn 2010-2019 trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát.

Theo báo cáo Tình hình và triển vọng kinh tế thế giới năm 2025, những con số nêu trên cho thấy nền kinh tế thế giới vẫn đối mặt không ít thách thức.

Báo cáo của Liên hợp quốc dự đoán rằng, tăng trưởng kinh tế Mỹ giảm trong năm 2025 do thị trường lao động suy yếu và chi tiêu công giảm, song sẽ phục hồi nhẹ vào năm 2026. Trong khi đó, nền kinh tế châu Âu dần phục hồi nhờ lạm phát giảm và thị trường lao động được cải thiện. Dù vậy, bất ổn địa chính trị, tăng trưởng năng suất yếu và già hóa dân số sẽ hạn chế nỗ lực vực dậy nền kinh tế của Lục địa già. Nền kinh tế khu vực Đông Á dự kiến duy trì đà tăng trưởng, với động lực chính là tiêu dùng tư nhân. Nam Á được dự đoán tiếp tục là khu vực tăng trưởng nhanh nhất, nhờ sự phát triển kinh tế ấn tượng của Ấn Độ. Tăng trưởng kinh tế của châu Phi sẽ cải thiện ở mức khiêm tốn nhờ sự phục hồi của các "đầu tàu" là Ai Cập, Nigeria và Nam Phi. Tuy nhiên, xung đột, nợ công cao và những thách thức liên quan khí hậu tiếp tục đè nặng lên triển vọng của khu vực này.

Lạm phát trong năm qua được kiềm chế phần nào là nhờ các chính sách "thắt lưng buộc bụng" mà nhiều quốc gia áp dụng. Lạm phát toàn cầu năm 2025 được dự báo duy trì xu hướng giảm, xuống còn 3,4%. Tuy nhiên, nhiều nước đang phát triển vẫn đương đầu áp lực lạm phát dai dẳng, trong đó có những nước phải đối mặt lạm phát ở mức hai chữ số. Lạm phát giá lương thực vẫn là vấn đề cấp bách đối với gần một nửa số nước đang phát triển. Điều này làm trầm trọng thêm tình trạng mất an ninh lương thực, nhất là ở các quốc gia có thu nhập thấp vốn chật vật với xung đột, kinh tế bất ổn và các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt.

Báo cáo của Liên hợp quốc cảnh báo rằng, tình trạng lạm phát giá lương thực kéo dài, cùng tăng trưởng chậm, có thể đẩy thêm hàng triệu người vào cảnh đói nghèo. Ngoài ra, gánh nặng nợ công và khả năng tiếp cận nguồn tài chính quốc tế hạn chế tiếp tục cản trở tiến trình phục hồi, cũng như tiến độ thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) của các quốc gia Nam bán cầu.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) có chung cái nhìn với báo cáo của Liên hợp quốc về tổng thể bức tranh kinh tế thế giới thời gian tới. IMF cũng dự báo rằng, tăng trưởng toàn cầu sẽ ổn định và lạm phát tiếp tục giảm.

Dù vậy, Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva cho rằng, triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới vẫn ở mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ. Theo bà Georgieva, hầu hết các quốc gia cần giảm các khoản chi sau khi đã mạnh tay chi tiêu trong đại dịch, đồng thời áp dụng các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng theo hướng bền vững.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, mối liên kết giữa các nền kinh tế ngày càng khăng khít cũng đồng nghĩa với việc những tác động lên mỗi mắt xích đều sẽ ảnh hưởng chuỗi cung ứng toàn cầu.

Nhấn mạnh điều này, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres khẳng định, mỗi quốc gia đều là một phần của giải pháp cho các cuộc khủng hoảng toàn cầu.

Ông Guterres nêu rõ, các quốc gia thành viên Liên hợp quốc đã thông qua Hiệp ước vì Tương lai vào tháng 9/2024. Hiệp ước bao gồm các cam kết đầy tham vọng nhằm cải cách hệ thống tài chính quốc tế, tăng cường năng lực cho vay của các ngân hàng phát triển đa phương, cải thiện khả năng tiếp cận nguồn vốn phục vụ phát triển và chống biến đổi khí hậu...

Tổng Thư ký Liên hợp quốc kêu gọi, lộ trình đã được vạch ra và các quốc gia cần thực hiện các cam kết nhằm đưa thế giới hướng tới một tương lai thịnh vượng và bền vững cho mọi người dân. Khi mà tình hình thế giới vẫn khó đoán định, hợp tác đa phương và các chính sách thận trọng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm tăng trưởng ổn định, hướng tới hiện thực hóa các SDG.

Theo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày