Thứ 2, 27/01/2025, 22:26[GMT+7]

EU đổi mới để tăng sức cạnh tranh

Thứ 2, 27/01/2025 | 09:05:35
358 lượt xem
Trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu ngày càng khốc liệt, Liên minh châu Âu (EU) đang đối mặt với áp lực lớn trong việc duy trì năng lực cạnh tranh.

(Ảnh: IRNA/TTXVN)

Sau cuộc gặp bàn các biện pháp đối phó chính sách thuế quan của Mỹ dưới thời Tổng thống D.Trump, Tổng thống Pháp và Thủ tướng Đức đã nhất trí hai nước đầu tàu EU cần hành động “vì một châu Âu thống nhất, mạnh mẽ và có chủ quyền” hơn bao giờ hết.

Tại cuộc họp của Hội đồng Các vấn đề về kinh tế và tài chính EU (ECOFIN) vừa diễn ra tại Brussels dưới sự chủ trì của Ba Lan - quốc gia đang giữ chức Chủ tịch luân phiên của Hội đồng châu Âu, Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính các nước EU đã tập trung thỏa thuận, tìm kiếm những giải pháp đột phá để nâng cao năng lực cạnh tranh của khối.

Phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Tài chính Ba Lan Andrzej Domanski khẳng định để duy trì vị thế là “một cường quốc kinh tế toàn cầu”, EU cần có những hành động quyết liệt như giảm giá năng lượng, đơn giản hóa thủ tục hành chính cho doanh nghiệp và thu hút đầu tư tư nhân, đồng thời việc tăng cường quốc phòng cũng là một ưu tiên hàng đầu để bảo vệ lợi ích của châu Âu.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính các nước EU đã nhất trí những biện pháp “làm mới cỗ máy hành chính” của khối thông qua việc đơn giản hóa quy trình kinh doanh, giảm bớt gánh nặng hành chính và đẩy nhanh quá trình phê duyệt các quy định mới.

Theo kế hoạch, đến giữa năm 2025, EU sẽ giảm ít nhất 25% nghĩa vụ báo cáo, thúc đẩy môi trường thuận lợi hơn cho doanh nghiệp và đổi mới sáng tạo. Bên cạnh đó, để bảo đảm sự ổn định tài chính của các quốc gia thành viên, ECOFIN đã đưa ra các khuyến nghị cụ thể đối với kế hoạch tài khóa-cơ cấu trung hạn của 21 quốc gia trong EU.

Đối với 7 quốc gia đang đối mặt tình trạng thâm hụt ngân sách quá mức, bao gồm Bỉ, Pháp, Italia, Malta, Ba Lan, Slovakia và Romania, Hội đồng này đã đề ra lộ trình chi tiết cùng thời hạn cụ thể để các quốc gia này khắc phục tình trạng thâm hụt, góp phần duy trì sự ổn định tài chính của toàn khối. Ngoài ra, Hội đồng cũng đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong các lĩnh vực khác như chống rửa tiền, xây dựng không gian dữ liệu y tế chung và cải cách hệ thống tài chính. Những quyết định này cho thấy cam kết của EU trong việc xây dựng một thị trường đơn lẻ năng động, hỗ trợ các doanh nghiệp và bảo vệ lợi ích của người dân.

Từ cuối năm 2024, các nhà lãnh đạo EU đã thông qua Tuyên bố Budapest về Thỏa thuận cạnh tranh châu Âu mới, trong đó phác thảo khuôn khổ chiến lược nhằm nâng cao vị thế của khối thông qua các cải cách. Một trong những ưu tiên hàng đầu của khối này là bảo đảm một thị trường chung hoạt động đầy đủ, phát huy hết tiềm năng của thị trường như một “động lực chính cho đổi mới, đầu tư, hội tụ, tăng trưởng, kết nối và khả năng phục hồi kinh tế”.

Việc hoàn tất mục tiêu này càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết trong bối cảnh chính quyền mới của Mỹ khẳng định sẽ thực hiện chính sách áp thuế đối với các quốc gia khác. Ủy viên thương mại EU Valdis Dombrovskis tuyên bố “EU sẵn sàng bảo vệ lợi ích của khối”. Ông Dombrovskis lưu ý rằng EU từng đáp trả phù hợp việc Mỹ áp thuế thép và nhôm trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Trump, thông qua việc áp thuế với các sản phẩm xe máy nhập khẩu của hãng HarleyDavidson và rượu Bourbon.

Ông nêu rõ EU và Mỹ là những đối tác chiến lược, do đó hai bên cần hợp tác, nhất là trong bối cảnh địa chính trị bất ổn hiện nay. Ông cảnh báo xung đột thương mại sẽ để lại hậu quả kinh tế cho tất cả các bên, bao gồm cả Mỹ. Liên quan đến bản ghi nhớ của tân Tổng thống Mỹ về việc không áp dụng mức thuế tối thiểu 15% đối với các tập đoàn đa quốc gia, ông Dombrovskis chỉ trích quyết định này đi ngược lại với thỏa thuận chung của cộng đồng quốc tế.

EC sẽ tiến hành đối thoại với chính quyền Mỹ để tìm kiếm những giải pháp chung. Nhằm đối phó chính sách thuế quan dưới thời Tổng thống D.Trump, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz trongcuộc gặp tại thủ đô Paris ngày 22/1 đã nhất trí hành động vì một châu Âu mạnh mẽ và kiên cường. Hai nước đầu tàu EU nhận định ông chủ Nhà trắng sẽ là “một thách thức” đối với châu Âu, song châu lục này sẽ là “một đối tác xây dựng và quyết đoán”.

Hai nhà lãnh đạo cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của các ngành thép,ô-tô và hóa chất (những mục tiêu có thể bị Mỹ áp thuế) đối với nền kinh tế châu Âu. Với việc Tổng thống Trump tuyên bố áp thuế đối với nhiều đối tác thương mại của Mỹ, ông Scholz cũng lên tiếng mạnh mẽ bảo vệ thương mại tự do (nền tảng cho sự thịnh vượng của EU) và cảnh báo hậu quả của chủ nghĩa biệt lập.

Ngoài các động thái nêu trên, EU mới đây đã công bố thỏa thuận thương mại với Mexico ngay trước khi ông Trump nhậm chức, đồng thời nối lại đàm phán hiệp định thương mại tự do với Malaysia. Trong bối cảnh ông D.Trump trở lại làm ông chủ Nhà trắng, việc EU cần nỗ lực cải cách, đa dạng hóa các đối tác thương mại và thực hiện những “việc cần làm ngay” nêu trên là phản ứng kịp thời và hợp lý nhằm nâng cao sức cạnh tranh và duy trì vị thế của các quốc gia thuộc Lục địa già.

Theo Nhân Dân

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày