Ấn Độ và chính sách thương mại rộng mở
Thủ tướng Thái Lan Paetongtam Shinawata và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại cuộc gặp ở thủ đô Bangkok, Thái Lan ngày 3/4/2025. (Ảnh: ANI/TTXVN)
Ấn Độ và Thái Lan vừa chính thức nâng cấp quan hệ song phương lên Đối tác chiến lược, đồng thời nhất trí đẩy nhanh các dự án cơ sở hạ tầng như Hành lang Kinh tế Đông Tây, nhằm kết nối Ấn Độ với các nước Đông Nam Á.
Đây là những điểm nhấn quan trọng trong chuyến thăm Thái Lan mới đây của Thủ tướng Narendra Modi, cũng là chuyến thăm chính thức đầu tiên của một nhà lãnh đạo Ấn Độ tới Thái Lan sau 12 năm. Những quyết định nêu trên không chỉ giúp New Delhi thắt chặt quan hệ với Bangkok, đối tác thương mại lớn thứ 4 trong ASEAN, mà còn là bước triển khai tích cực chính sách Hành động hướng Đông và tầm nhìn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Ấn Độ.
Bên cạnh Thái Lan, thời gian qua, Ấn Độ để lại những dấu ấn ngoại giao kinh tế sôi động tại nhiều nước. Trong một bước tiến quan trọng đánh dấu mối quan hệ chiến lược ngày càng sâu sắc giữa Ấn Độ và Sri Lanka, nhân chuyến thăm Sri Lanka vào đầu tháng 4/2025 của Thủ tướng Narendra Modi, hai bên đã ký kết thỏa thuận hợp tác quốc phòng lịch sử, cùng 6 văn kiện hợp tác quan trọng khác.
Không chỉ châu Á, dấu ấn đó được thể hiện đậm nét tại nhiều khu vực. Theo đó, New Delhi vừa tuyên bố tái khởi động đàm phán Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với New Zealand; nâng cấp quan hệ với Mauritius lên Đối tác chiến lược tăng cường và ký kết 8 thỏa thuận quan trọng, trong đó có việc sử dụng đồng nội tệ trong giao dịch thanh toán thương mại song phương. Đồng thời, New Delhi đang đẩy mạnh đàm phán các hiệp định thương mại với nhiều nền kinh tế lớn như Liên minh châu Âu (EU), Anh, Mỹ và Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU).
Đáng chú ý, theo chuyên gia Ajay Srivastava, nhà đồng sáng lập Sáng kiến nghiên cứu thương mại toàn cầu (GTRI), chiến lược mở rộng mạng lưới FTA của Ấn Độ đã có sự thay đổi rõ rệt, trở nên đa dạng hơn. Trước đây, Ấn Độ thường ưu tiên đàm phán thỏa thuận thương mại với các đối tác phía đông như ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc. Tuy nhiên, thời gian gần đây, sự tập trung được phân bổ cho cả đối tác phương Tây như Anh, EU, Mỹ, Thụy Sĩ, Na Uy. Ngoài ra, FTA trước đây chủ yếu xoay quanh vấn đề thương mại hàng hóa và dịch vụ, đến nay những thỏa thuận mới bao trùm cả các lĩnh vực khác như phát triển bền vững, thương mại kỹ thuật số, quyền sở hữu trí tuệ, lao động, mua sắm của chính phủ...
Những bước đi tích cực nêu trên là minh chứng rõ nét cho chính sách thương mại rộng mở của Ấn Độ. Trong bối cảnh làn sóng bảo hộ trên thế giới có dấu hiệu gia tăng, mối liên kết chặt chẽ với các đối tác trở thành “chiếc neo” không thể thiếu giúp con thuyền kinh tế Ấn Độ đứng vững trước những cơn sóng dữ. Giới chuyên gia nhận định, mạng lưới thỏa thuận thương mại tự do là một mũi tên trúng nhiều đích, không chỉ giúp Ấn Độ mở ra cơ hội xuất khẩu mới, xóa bỏ rào cản thương mại, đa dạng hóa quan hệ đối tác, mà còn tạo bước đệm để New Delhi củng cố chỗ đứng trên trường quốc tế.
Chính sách thương mại cởi mở là nhân tố quan trọng giúp nền kinh tế Ấn Độ đạt tốc độ tăng trưởng vượt bậc và tiếp tục duy trì vị thế một trong những nền kinh tế lớn phát triển nhanh hàng đầu thế giới. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), chỉ trong vòng 10 năm qua, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Ấn Độ đã tăng hơn gấp đôi. Theo đó, từ 2.100 tỷ USD năm 2015, GDP của Ấn Độ dự kiến chạm mức khoảng 4.300 tỷ USD vào cuối năm nay. Với tốc độ tăng trưởng GDP dự báo đạt 6,5% trong năm nay, nền kinh tế Ấn Độ được IMF đánh giá là đang mở rộng một cách mạnh mẽ và ổn định. Đáng chú ý, GDP bình quân đầu người - một trong những thước đo phản ánh sự cải thiện mức sống của người dân, ước tính đạt 11.940 USD, tăng hơn gấp 2 lần chỉ trong 10 năm qua.
Nền kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ tiếp tục đối mặt những biến động khó lường trong thời gian tới. Trong bối cảnh đó, việc thiết lập mạng lưới hợp tác kinh tế rộng mở và bền vững là bước đi đúng hướng và cần thiết, không chỉ giúp Ấn Độ thúc đẩy tăng trưởng bền vững, mà còn gia tăng vị thế của New Delhi.
Theo: nhandan.vn
Tin cùng chuyên mục
- Châu Âu trải qua 5 mùa hè nóng nhất trong 2 thập kỷ 20.07.2022 | 11:00 AM
- 10 năm sau thảm họa kép tại Nhật Bản: Nỗi đau vẫn còn 11.03.2021 | 09:43 AM
- Bạo loạn tại nhà Quốc hội - Cuộc khủng hoảng nghiêm trọng về hình ảnh và vị thế nước Mỹ 10.01.2021 | 14:37 PM
- 4 kịch bản bất ngờ sau ngày bầu cử Mỹ 03.11.2020 | 15:02 PM
- Đông Nam Á chạy đua đón đầu tư Mỹ 12.06.2020 | 08:49 AM
- Người Mỹ trong vòng xoáy của “cơn bão kép” 03.06.2020 | 09:29 AM
- Hành trình Covid-19 lây nhiễm toàn cầu và vượt mốc 1 triệu người mắc 04.04.2020 | 09:51 AM
- Lý giải nguyên nhân khiến dịch Covid-19 lây lan nhanh ở châu Âu 11.03.2020 | 17:27 PM
- Những thay đổi với cuộc sống người dân EU và Anh trong ngày 1/2 31.01.2020 | 13:59 PM
- Nhìn lại thế giới 2019: Các xu hướng chiến lược ở châu Phi 24.12.2019 | 15:59 PM
Xem tin theo ngày
-
Thông báo Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
- Phát biểu bế mạc của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
- Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII: Hội nghị lịch sử bàn về những quyết sách lịch sử
- Ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược về chuyển đổi số giai đoạn 2025 - 2030
- Công an tỉnh Thái Bình giành giải nhất toàn đoàn hội thi thể thao nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ vòng 2 - khu vực II
- Hội đồng chấp hành UNESCO thông qua quyết định khuyến nghị vinh danh nhà bác học Lê Quý Đôn
- UNESCO phê duyệt khuyến nghị kỷ niệm 300 năm ngày sinh của danh nhân Lê Quý Đôn
- Thái Bình giới thiệu danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn và các tiềm năng hợp tác tại Pháp
- UBND tỉnh: Tiếp và làm việc với Đoàn công tác của Đại sứ Pháp tại Việt Nam
- Phát biểu khai mạc của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII