Không lùi bước trong chuyển đổi xanh
Điện gió. Ảnh: HOÀNG ANH
EU dự kiến trong quý I/2025 công bố đề xuất cắt giảm 90% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2040 so với mức của năm 1990. Đây được xem là bước đệm quan trọng hướng tới tham vọng trung hòa carbon vào năm 2050 và cũng là mục tiêu trọng tâm trong Thỏa thuận Xanh châu Âu.
Tuy nhiên, Ủy viên EU phụ trách chính sách khí hậu Wopke Hoekstra mới đây cho biết, khối này buộc phải lùi thời gian công bố mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính vào năm 2040 do chưa thể thống nhất được tiếng nói chung giữa các nước thành viên.
“Nút thắt” lớn nhất trên bàn đàm phán khí hậu hiện nay là bất đồng giữa các nước liên quan con số 90% lượng khí thải mà EU muốn cắt giảm vào năm 2040. Peter Liese, nhà lập pháp thuộc Đảng Nhân dân châu Âu - đảng có tiếng nói mang tính quyết định trong Nghị viện châu Âu, cho rằng, mục tiêu cắt giảm 90% lượng khí thải là quá tham vọng và có thể tác động tiêu cực triển vọng tăng trưởng của các ngành công nghiệp EU. Italia đề xuất hạ xuống còn 80% hoặc 85%. Trong khi đó, một số nước khác như Séc, Slovakia, Hungary bày tỏ hoài nghi về khả năng hiện thực hóa mục tiêu này.
Đây không phải lần đầu các thành viên EU chia rẽ về những mục tiêu khí hậu. Thỏa thuận Xanh EU vấp phải sự phản đối từ một số nước vì cho rằng các quy định bảo vệ môi trường gây khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh giá năng lượng tăng cao và nhu cầu toàn cầu suy yếu. Thủ tướng Séc Petr Fiala lo ngại, EU không thể cùng lúc hoàn thành 2 mục tiêu: vừa giảm 90% lượng khí thải vào năm 2040, vừa đưa ngành công nghiệp lên “ngôi vương”. Nhà lãnh đạo Séc khẳng định sẽ tiếp tục “tìm kiếm đồng minh” trong EU để sửa đổi thỏa thuận này.
Không chỉ đối mặt sức ép từ chính phủ một số nước thành viên, EU cần tìm lời giải cho bài toán cân bằng giữa chính sách khí hậu và lợi ích của doanh nghiệp. Mới đây, Ủy ban châu Âu (EC) đã nhượng bộ khi đồng ý nới lỏng quy định về phát thải carbon đối với ngành sản xuất ô-tô. Bước đi này diễn ra trong bối cảnh các nhà sản xuất ô-tô châu Âu cùng lúc đối mặt sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt trên toàn cầu và yêu cầu khắt khe về giảm khí thải carbon.
Khó khăn chồng chất khó khăn khi EU vừa đứng trước thách thức trong tiến trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, vừa gánh chịu những hậu quả nặng nề của biến đổi khí hậu. Theo báo cáo Cơ quan Giám sát biến đổi khí hậu Copernicus (C3S) của EU mới công bố, tháng 3 vừa qua, châu Âu ghi nhận mức nhiệt cao kỷ lục kể từ khi dữ liệu bắt đầu được thu thập, khiến Lục địa già liên tục gánh chịu các hiện tượng thời tiết cực đoan đối lập. Nhiều khu vực trải qua tháng 3 khô hạn nhất, trong khi một số nơi khác lại có lượng mưa cao nhất trong gần nửa thế kỷ.
Thống kê của Cơ quan Môi trường châu Âu (EEA) cho thấy, các vấn đề liên quan khí hậu là nguyên nhân dẫn đến từ 85 nghìn đến 145 nghìn ca tử vong trên khắp châu Âu trong 40 năm qua. Đáng lo ngại, rủi ro về khí hậu đã trở thành mối đe dọa thường trực đến an ninh năng lượng và lương thực, hệ sinh thái, cơ sở hạ tầng, tài nguyên nước, nền kinh tế và sức khỏe người dân EU. Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu không nhanh chóng hành động, cái giá mà thế giới nói riêng và châu Âu nói chung phải trả cho biến đổi khí hậu sẽ ngày càng lớn.
Những hậu quả do biến đổi khí hậu gây ra là gánh nặng, song cũng là động lực để EU không cho phép mình lùi bước hay chệch hướng trên hành trình chuyển đổi xanh. Chủ tịch EC Ursula von der Leyen khẳng định, dù khó khăn, EU sẽ kiên định theo đuổi các mục tiêu về khí hậu. Tuy nhiên, rõ ràng đó không phải là “con đường trải hoa hồng”. Giới chuyên gia nhận định, “hành trình xanh” không chỉ là thách thức đối với sự ổn định kinh tế-xã hội tại EU, mà còn là phép thử đối với tinh thần đoàn kết của liên minh 27 thành viên.
Theo: nhandan.vn
Tin cùng chuyên mục
- Châu Âu trải qua 5 mùa hè nóng nhất trong 2 thập kỷ 20.07.2022 | 11:00 AM
- 10 năm sau thảm họa kép tại Nhật Bản: Nỗi đau vẫn còn 11.03.2021 | 09:43 AM
- Bạo loạn tại nhà Quốc hội - Cuộc khủng hoảng nghiêm trọng về hình ảnh và vị thế nước Mỹ 10.01.2021 | 14:37 PM
- 4 kịch bản bất ngờ sau ngày bầu cử Mỹ 03.11.2020 | 15:02 PM
- Đông Nam Á chạy đua đón đầu tư Mỹ 12.06.2020 | 08:49 AM
- Người Mỹ trong vòng xoáy của “cơn bão kép” 03.06.2020 | 09:29 AM
- Hành trình Covid-19 lây nhiễm toàn cầu và vượt mốc 1 triệu người mắc 04.04.2020 | 09:51 AM
- Lý giải nguyên nhân khiến dịch Covid-19 lây lan nhanh ở châu Âu 11.03.2020 | 17:27 PM
- Những thay đổi với cuộc sống người dân EU và Anh trong ngày 1/2 31.01.2020 | 13:59 PM
- Nhìn lại thế giới 2019: Các xu hướng chiến lược ở châu Phi 24.12.2019 | 15:59 PM
Xem tin theo ngày
-
Thông báo Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
- Phát biểu bế mạc của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
- Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII: Hội nghị lịch sử bàn về những quyết sách lịch sử
- Ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược về chuyển đổi số giai đoạn 2025 - 2030
- Công an tỉnh Thái Bình giành giải nhất toàn đoàn hội thi thể thao nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ vòng 2 - khu vực II
- Hội đồng chấp hành UNESCO thông qua quyết định khuyến nghị vinh danh nhà bác học Lê Quý Đôn
- UNESCO phê duyệt khuyến nghị kỷ niệm 300 năm ngày sinh của danh nhân Lê Quý Đôn
- Thái Bình giới thiệu danh nhân văn hóa Lê Quý Đôn và các tiềm năng hợp tác tại Pháp
- UBND tỉnh: Tiếp và làm việc với Đoàn công tác của Đại sứ Pháp tại Việt Nam
- Phát biểu khai mạc của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII