Cuộc đua thu hút nhân tài toàn cầu
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen. (Ảnh: THX/TTXVN)
Khoa học-công nghệ, nghiên cứu, đổi mới được xem là trụ cột quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế của EU. Phát biểu tại hội nghị “Chọn châu Âu vì khoa học”, diễn ra tại Pháp mới đây, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen nhấn mạnh sự cần thiết phải đầu tư vào khoa học, cũng như tạo điều kiện thuận lợi hơn để giữ chân và thu hút thêm nhân tài.
Theo đó, khoản đầu tư 500 triệu euro, dự kiến được giải ngân trong giai đoạn 2025-2027, sẽ là một mũi tên trúng hai đích, vừa tăng cường năng lực nghiên cứu tại EU, vừa trải thảm đỏ chào đón các nhà khoa học xuất sắc trên toàn cầu, nhất là trong các lĩnh vực y tế, khí hậu, đa dạng sinh học, trí tuệ nhân tạo và không gian. Bước đi này là một phần trong nỗ lực chung của EU nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh toàn cầu trong lĩnh vực nghiên cứu và đổi mới.
Chiến lược thu hút nhân tài đến EU không chỉ được triển khai mạnh mẽ ở phạm vi khu vực, mà từng nước thành viên. Là quốc gia đi đầu EU trong chính sách “chiêu hiền, đãi sĩ”, tháng 4 vừa qua, Pháp đã khởi động chương trình “Chọn nước Pháp vì khoa học”, qua đó bật đèn xanh cho các tổ chức nghiên cứu, trường đại học xin tài trợ từ chính phủ nhằm thu hút giới khoa học quốc tế đến làm việc lâu dài.
Các khu vực khác cũng không hề chậm chân. Israel rót 1,95 triệu USD cho chương trình chào mời chuyên gia, nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt nhân sự trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Trong khi đó, Australia luôn có cơ chế mở để thu hút nhân lực chất lượng cao từ khắp nơi trên thế giới, cấp học bổng hoặc hỗ trợ tài chính cho các nhà khoa học xuất sắc làm việc tại Xứ sở Chuột túi.
Giới phân tích cho rằng, có nhiều nguyên nhân khiến cuộc đua giành nhân tài trên toàn cầu đang trở nên ngày càng khốc liệt. Trước hết là do nhu cầu phát triển kinh tế. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ trên quy mô toàn cầu, nguồn nhân lực chất lượng cao trở thành một trong những “quân át chủ bài”, có vai trò quan trọng quyết định thành bại của quá trình đổi mới sáng tạo và nâng cao sức cạnh tranh của mỗi quốc gia.
Theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), những nước có chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài tốt thường duy trì tốc độ phát triển kinh tế ổn định và có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế. Nhiều nước châu Á, trong đó có Hàn Quốc, đã nhanh chân bắt kịp xu hướng này. Khẳng định bảo đảm nguồn nhân lực xuất sắc là chìa khóa để tăng cường khả năng cạnh tranh, mới đây,
Hàn Quốc công bố chương trình chiêu mộ nhân tài toàn cầu trong các lĩnh vực công nghệ mũi nhọn như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, tự động hóa. Trong khi đó, chương trình “thị thực vàng” cũng được triển khai mạnh mẽ tại Indonesia từ năm 2024, nhằm thu hút các nhà đầu tư cá nhân và doanh nghiệp có thành tích xuất sắc trong những lĩnh vực khác nhau.
Già hóa dân số cũng là một trong những động lực quan trọng của chính sách thu hút nhân tài. Đức là quốc gia “chịu chi” để biến mình thành điểm đến hấp dẫn lực lượng lao động chất lượng cao và lấp đầy khoảng trống nhân lực. Trong bối cảnh dân số già hóa nhanh chóng, mỗi năm nền kinh tế này thiếu khoảng 400.000 lao động, đe dọa kéo lùi đà tăng trưởng trong trung hạn. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), “cơn khát” lao động lành nghề đã trở thành một trong những thách thức lớn đối với nền kinh tế đầu tàu EU. Giới chức Đức khẳng định, nước này phải cạnh tranh gay gắt với các nước để có được nguồn nhân lực chất lượng, bởi điều đó có ý nghĩa sống còn đối với kinh tế Đức.
WEF dự báo hơn 350 triệu người sẽ di chuyển xuyên biên giới vào năm 2030, dẫn đến cuộc đại di cư của nhân tài toàn cầu. Nguồn lao động chất lượng cao thường tìm đến những nước có chế độ đãi ngộ tốt, nơi họ có thể xây dựng cuộc sống tốt hơn cho bản thân và gia đình. Trong bối cảnh đó, cuộc cạnh tranh “chất xám” sẽ ngày càng khốc liệt, tiếp tục là yếu tố tác động đến sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia.
Theo: nhandan.vn
Tin cùng chuyên mục
- Châu Âu trải qua 5 mùa hè nóng nhất trong 2 thập kỷ 20.07.2022 | 11:00 AM
- 10 năm sau thảm họa kép tại Nhật Bản: Nỗi đau vẫn còn 11.03.2021 | 09:43 AM
- Bạo loạn tại nhà Quốc hội - Cuộc khủng hoảng nghiêm trọng về hình ảnh và vị thế nước Mỹ 10.01.2021 | 14:37 PM
- 4 kịch bản bất ngờ sau ngày bầu cử Mỹ 03.11.2020 | 15:02 PM
- Đông Nam Á chạy đua đón đầu tư Mỹ 12.06.2020 | 08:49 AM
- Người Mỹ trong vòng xoáy của “cơn bão kép” 03.06.2020 | 09:29 AM
- Hành trình Covid-19 lây nhiễm toàn cầu và vượt mốc 1 triệu người mắc 04.04.2020 | 09:51 AM
- Lý giải nguyên nhân khiến dịch Covid-19 lây lan nhanh ở châu Âu 11.03.2020 | 17:27 PM
- Những thay đổi với cuộc sống người dân EU và Anh trong ngày 1/2 31.01.2020 | 13:59 PM
- Nhìn lại thế giới 2019: Các xu hướng chiến lược ở châu Phi 24.12.2019 | 15:59 PM
Xem tin theo ngày
-
Dâng hương tưởng niệm Nhà bác học Lê Quý Đôn
- Bố trí nơi đặt trụ sở đơn vị hành chính cấp xã mới sau sắp xếp phải phục vụ tốt cho hoạt động quản lý nhà nước, thuận tiện cho người dân và doanh nghiệp
- Bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả các công trình, dự án trọng điểm ngành giao thông vận tải
- Tăng cường bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh
- Chuẩn bị tốt các điều kiện để khởi công Dự án cao tốc CT.08; Khu công nghiệp Hưng Phú; Lễ động thổ dự án Nhà máy sản xuất ô tô GEL-O&J
- Phấn đấu khởi công dự án tuyến đường CT.08 vào ngày 12/5/2025
- Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến về một số báo cáo, tờ trình
- Tập trung triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh trao quyết định công tác cán bộ tại Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh
- Khai mạc tuần du lịch tỉnh Thái Bình và khai trương phố đi bộ Đinh Tiên Hoàng