Thứ 4, 07/08/2024, 03:57[GMT+7]

Ai được hưởng lợi sau Hội nghị Geneva về Ukraine?

Thứ 6, 18/04/2014 | 15:36:58
675 lượt xem
Trong không khí mà Ngoại trưởng Mỹ John Kerry mô tả là “một ngày làm việc tích cực”, bốn bên Ukraine, Nga, Mỹ và EU đều đã đạt được những mục tiêu riêng của mình trong khi lại tránh được việc có thể khiến những phía khác có cảm giác bị thất bại.

Người biểu tình ủng hộ Nga tại miền Đông Ukraine lập hàng rào chống lại binh sỹ Ukraine được điều động đến đây (Ảnh Reuters)

Một vài mục tiêu trong số này đều không được đưa vào trong tuyên bố chung sau khi kết thúc Hội nghị ngày 17/5. Trong khi đó, một số mục tiêu khác nếu muốn đạt được sẽ phải phụ thuộc vào việc các bên diễn giải câu chữ của bản tuyên bố chung này như thế nào.

Reuters đã đưa ra những phân tích về việc các bên tham gia Hội nghị được hưởng lợi gì và đối mặt với những thách thức như thế nào sau Hội nghị.

Nga:

Bị cả phương Tây và Kiev chỉ trích là khơi mào cho cuộc khủng hoảng tại miền Đông Ukraine, việc Nga ký vào bản tuyên bố chung dường như đã khiến hình ảnh của Nga được cải thiện rất nhiều.

Điều này cũng khiến Nga giành được uy tín trên trường quốc tế với vai trò đầu tàu trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng tại Ukraine dưới sự giám sát của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) mà Nga cho rằng luôn thiên vị phương Tây.

Nga cũng đã gạt sang một bên những đe dọa của Mỹ và EU rằng sẽ tiếp tục áp đặt các lệnh trừng phạt tiếp theo với Nga.

Mặc dù các quan chức Nga công khai cho rằng các lệnh trừng phạt nói trên không gây ảnh hưởng gì nhiều nhưng những diễn biến trên thị trường toàn cầu cho thấy Moscow đang từng bước cảm nhận được đòn đáp trả này của Mỹ và EU.

Một điều đáng lưu ý là tuyên bố chung của Hội nghị Geneva không hề đề cập đến Crimea, một khu vực của Ukraine đã sáp nhập vào Nga vào tháng trước. Điều này cho thấy các bên tham gia Hội nghị dù lên án động thái này của Nga, nhưng đã phải chấp nhận việc này.

Tuy nhiên, bản tuyên bố chung cũng không nhắc gì đến một trong những mối quan tâm hàng đầu của Nga là không để Ukraine xích lại gần với NATO.

Ukraine:

Trong khi căng thẳng giữa Nga và phương Tây về Ukraine đang leo thang, Chính phủ tạm quyền tại Ukraine dường như chỉ đóng vai trò thứ yếu trong vấn đề này.

Tuy nhiên, bản tuyên bố chung, vốn kêu gọi “một cuộc đối thoại chung trên toàn Ukraine” đã đặt trách nhiệm chính trong vấn đề Ukraine lên vai chính quyền mới được thành lập này.

Chính quyền mới tại Ukraine cũng sẽ vấp phải một nhiệm vụ cực kỳ khó khăn đó là thực hiện lời kêu gọi trong bản tuyên bố nói trên trong đó yêu cầu các nhóm vũ trang bất hợp pháp phải giải giáp vũ khí và rời khỏi các tòa nhà mà các nhóm này đã chiếm đóng trái phép.

Để làm được việc này, chính quyền Ukraine sẽ phải cùng một lúc phải đẩy lùi những người biểu tình ủng hộ Nga chiếm đóng trụ sở chính quyền ở miền Đông Ukraine và cả các nhóm tự vệ theo chủ nghĩa dân tộc vẫn đang kiểm soát các con đường ở trung tâm thủ đô Kiev.

Sau khi bản tuyên bố chung được thông qua, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tuyên bố rằng Nga không định đưa quân vào miền Đông Ukraine. Mặc dù chính quyền Ukraine không tin vào điều này nhưng tuyên bố của ông Lavrov được đưa ra trong thời điểm quan trọng như thế này có thể khiến chính quyền Ukraine được “thảnh thơi” một chút.

Trong tuyên bố nói trên, các bên cũng cam kết cung cấp viện trợ tài chính cho Ukraine sau khi những điều kiện mà các bên đưa ra được Ukraine thực hiện đầy đủ. Điều này được coi là “chiếc phao cứu sinh” để nền kinh tế vốn sắp “chết chìm” của Ukraine bấu víu.

Mỹ:

Lần đầu tiên trong nhiều tháng qua, Washington đã tránh được việc phải đưa ra thêm những lệnh trừng phạt hoặc gây áp lực đối với Nga.

Mặc dù Mỹ vẫn muốn Nga từ bỏ việc sáp nhập Crimea, việc bản tuyên bố chung không nhắc gì đến việc này cho thấy mối lo ngại của Mỹ về vấn đề này dường như đã phai nhạt dần.

Giờ đây, Mỹ chỉ tập trung vào việc ngăn chặn việc Nga gây ảnh hưởng lên các khu vực miền Đông Ukraine, một việc mà Nga đã luôn luôn phủ nhận rằng mình có liên quan.

EU:

Giống như Mỹ, 28 quốc gia thành viên EU giờ có thể sẽ không phải đưa ra thêm những lệnh trừng phạt mới đối với Nga, một vấn đề được cho là rất gai góc bởi những nước này đang phụ thuộc rất nhiều vào nguồn khí đốt của Nga.

EU cũng muốn những người biểu tình ủng hộ Nga ngừng việc chiếm đóng các tòa nhà ở miền Đông Ukraine. Nếu như những người này tuân thủ lời kêu gọi của bản tuyên bố chung hoặc nếu chính quyền Ukraine có thể thực hiện được việc này thì một trong những mối lo ngại nhất của EU đã được dẹp bỏ.

Tuy nhiên, EU vẫn phải đối mặt với một thách thức là làm sao để thúc đẩy nền kinh tế Ukraine sát lại gần hơn với khối này. Điều này đã khiến những người biểu tình chống Chính phủ tiến hành nhiều cuộc biểu tình tại thủ đô Kiev trong nhiều tháng qua nhằm lật đổ Tổng thống bị phế truất Viktor Yanukovych và dẫn đến cuộc khủng hoảng hiện nay tại Ukraine./.

Theo VOV.VN

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày