Thứ 5, 01/08/2024, 05:28[GMT+7]

Trung Quốc không thể chối cãi việc vi phạm luật pháp quốc tế

Thứ 2, 09/06/2014 | 15:25:56
636 lượt xem
“Trung Quốc không thể chối cãi việc vi phạm luật pháp quốc tế, gây căng thẳng trên Biển Đông. Nước này là thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, nhưng đã không làm gì cho hòa bình của khu vực, thậm chí còn khiến tình hình ở Đông Nam Á trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết”.

Tàu cá ĐNa 90152 bị tàu Trung Quốc đâm chìm đang được dắt vào bờ. Ảnh: Tiền Phong

Đó là ý kiến của Nghị sĩ Miloslav Ransdorf, thành viên Nghị viện châu Âu sau khi xem đoạn video dài hơn 3 phút quay lại toàn bộ cảnh tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá ĐNa 90152. Ông cho hay ông không thể tin nổi Trung Quốc lại hành xử như vậy trên Biển Đông.

Viện Quan hệ quốc tế Na Uy (NUPI) vừa tổ chức hội thảo “An ninh Biển ở Đông Á” với ba diễn giả chính là Giáo sư Geoffrey Till, Khoa Nghiên cứu Quốc phòng thuộc Đại học King’s College London (Anh); Tiến sỹ Sam Bateman, Trung tâm quốc gia của Australia về Tài nguyên và An ninh Biển và Giáo sư Stein Tonnesson, Viện Nghiên cứu Hòa Bình (PRIO) của Na Uy.

Về an ninh ở Biển Đông, các đại biểu đặc biệt lo ngại về hành động đơn phương, bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc và điều này đang gây lo ngại về an ninh và an toàn hàng hải quốc tế. Các ý kiến nêu các biện pháp chính được các nước lớn sử dụng hiện nay là tìm cách khống chế các đường biển quan trọng thông qua việc sử dụng sức mạnh hải quân, làm phức tạp hóa các tranh chấp lãnh thổ; các nguy cơ xung đột tiềm tàng ở khu vực ngày càng tăng do hiện thiếu cơ chế hợp tác và cơ chế đàm phán hiệu quả.  Đặc biệt, các đại biểu cũng thảo luận sôi nổi về “khủng hoảng liên quan đến vụ giàn khoan dầu của Trung Quốc” ở Biển Đông và các tác động của nó đối với an ninh và ổn định của Đông Á và đây cũng đang là điểm nóng của công luận thế giới trong hơn một tháng qua.

Giáo sư Stein Tonnesson và một số đại biểu nhấn mạnh đường 9 đoạn của Trung Quốc là không có cơ sở pháp lý và do đó không thể là cơ sở để đàm phán; các bên liên quan và Trung Quốc cần có cơ chế hiệu quả để khống chế xung đột tiềm tàng ở Biển Đông; Trung Quốc cần đàm phán trên cơ sở song phương (nếu chỉ liên quan hai bên), hoặc đa phương (đối với tranh chấp liên quan đến nhiều bên) để giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, giữ gìn hòa bình, ổn định và an ninh.

Theo baodientu.chinhphu.vn

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày