Thứ 6, 02/08/2024, 21:22[GMT+7]

Thêm một thể hiện Trung Quốc muốn “nuốt trọn” Biển Đông

Thứ 5, 26/06/2014 | 16:33:02
693 lượt xem
Trung Quốc đã chính thức phát hành bản đồ đất nước mới, bao gồm cả các đảo ở Biển Đông nhằm thực hiện cái gọi là “thể hiện tốt hơn” các tuyên bố chủ quyền tại khu vực.

Tàu Hải cảnh Trung Quốc phun vòi rồng vào tàu Kiểm ngư Việt Nam

Với bản đồ mới, Trung Quốc ngang ngược tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, với việc tô đậm “đường 10 đoạn” quét dọc khắp vùng biển này, ăn sát bờ biển Việt Nam, Malaysia, Brunei và các đảo thuộc Palawan và Luzon của Philippines. Bản đồ mới được Nhà xuất bản bản đồ Hồ Nam phát hành và được Cục Khảo sát và Thông tin địa lý bản đồ Trung Quốc công nhận.

Một quan chức giấu tên của Nhà xuất bản bản đồ Hồ Nam lớn tiếng tuyên bố rằng “tấm bản đồ mới này có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy sự hiểu biết tốt hơn của công chúng nhằm duy trì quyền hàng hải của chúng ta và bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ”.

Đưa tin về vụ việc này, Hãng tin Tân Hoa xã ngày 25/6 viết: “Trong tấm bản đồ mới, các quần đảo trong Nam Hải (Biển Đông) vẽ cùng tỉ lệ với khu vực đất liền và được thể hiện tốt hơn so với các bản đồ truyền thống. Nó sẽ cho phép người đọc có một sự hiểu biết toàn diện về bản đồ trực quan của Trung Quốc mà không phân biệt điểm chính và phụ”. Trong các bản đồ trước đây, chính quyền Trung Quốc cũng trắng trợn tuyên bố chủ quyền với trọn Biển Đông nhưng chỉ đưa các đảo vào một ô vuông nhỏ ở góc phía dưới.

Phản ứng về tấm bản đồ mới của Trung Quốc, ngay lập tức, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose tuyên bố, việc công bố tấm bản đồ mới cho thấy Trung Quốc lại “mở rộng tuyên bố vô lý” của mình ở Biển Đông. “Chính chủ nghĩa bành trướng tham vọng như vậy đã gây ra căng thẳng ở Biển Đông”, ông Jose chỉ trích.

Thẩm phán Antonio Carpio của Tòa án Tối cao Philippines cho rằng Bắc Kinh sử dụng các tấm bản đồ ngang ngược trên để giảng dạy và “nhồi nhét” cho các học sinh ở Trung Quốc đại lục về “chủ quyền của đất nước” và đã “chế tạo” nên hàng loạt sự kiện lịch sử. Ông Carpio khẳng định tất cả những tấm bản đồ cổ của Trung Quốc đều cho thấy lãnh thổ cực nam của họ luôn là đảo Hải Nam, hay các tên gọi khác là Zhuya, Qiongya, và sau đó Qiongzhou.

Ông Lee Yunglung, Học viện Biển Đông thuộc Đại học Hạ Môn (Trung Quốc), nhận xét rằng Trung Quốc dùng bản đồ mới này để kiểm tra phản ứng từ các nước láng giềng, vốn có tranh chấp lãnh thổ với Bắc Kinh trên Biển Đông. Theo ông Lee, động thái công bố bản đồ mang lại nhiều lợi ích cho chính quyền Trung Quốc. Ông nói: “Bản đồ này được một nhà xuất bản nội địa in ấn giúp Bắc Kinh tránh được sự phản ứng dữ dội từ các nước láng giềng. Nếu không có nước nào phản ứng gay gắt, đây sẽ là cơ hội để chính quyền Trung Quốc chính thức hợp pháp hóa bản đồ này. Ở trong nước, bản đồ này sẽ giúp tăng cường ý thức dân Trung Quốc về vấn đề biển đảo và nó sẽ trở thành một bằng chứng để tăng cường và củng cố những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc”.

Tờ Inquirer của Philippines ngày 25/6 viết: Trung Quốc công bố bản đồ “đường 10 đoạn” mới là để thể hiện tham vọng “nuốt chửng” Biển Đông”.

Giới chuyên gia nhận định: Trên bình diện quốc tế, bản đồ thể hiện với các nước láng giềng rằng Trung Quốc xem trọng lãnh thổ trên biển tương tự như trên đất liền, ngụ ý Bắc Kinh sẽ phản ứng lại những vụ tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông.

“Trung Quốc nhiều khả năng sẽ tiếp tục khăng khăng giữ các tuyên bố chủ quyền biển đảo phi lý của mình trong hội nghị thảo luận về Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) với các nước thành viên ASEAN”. Đó là nhận định của tờ South China Morning Post (Hồng Kông) ngày 25/6.

Bắt đầu diễn ra từ hôm 24/6, hội nghị kéo dài 2 ngày tại Indonesia là lần gặp gỡ lần thứ 11 để bàn về COC giữa Trung Quốc và khối ASEAN. Hội nghị diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc vẫn đang ngang ngược dùng tàu chiến và tàu tuần duyên để bảo vệ cho hoạt động hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển Việt Nam.

Giới quan sát nhận định Trung Quốc không bao giờ muốn nhìn thấy sự hình thành của COC bởi Bắc Kinh luôn lợi dụng tính ít ràng buộc của Tuyên bố của các bên về ứng xử trên biển Đông (DOC) hiện tại để gia tăng các hành vi gây hấn.

Ông Oh Ei Sun, một nhà phân tích cấp cao tại Trường Nghiên cứu quốc tế S. Rajartnam (Singapore), dự đoán rằng Việt Nam và Philippines có thể sẽ nhận được sự ủng hộ của các nước thành viên khác trong ASEAN nhằm cùng nhau tìm cách hạn chế tàu thuyền Trung Quốc di chuyển trong các vùng biển tranh chấp. “Trung Quốc một mặt sẽ chủ động theo đuổi COC, nhưng mặt khác thì sẽ không thỏa hiệp. COC chỉ là một phần trong các vấn đề của Trung Quốc tại Biển Đông”, chuyên gia này cảnh báo.

Tiến sĩ Christopher Roberts (Đại học New South Wales, Australia) nói: “Vì muốn vô hiệu hóa tính ràng buộc của COC nên trước khi chấp thuận cho ra đời bộ quy tắc ứng xử này, Trung Quốc sẽ gia tăng hiện diện và kiểm soát trên phần lớn Biển Đông nhằm tạo ra nhiều “sự đã rồi” càng nhiều càng tốt. Đáng quan ngại hơn, tôi biết Bắc Kinh cũng chẳng giấu giếm gì về ý định này".

Trung Quốc mưu toan gì?

Tờ Lenta của Nga ngày 24/6 đăng bài về việc Trung Quốc đang tiến hành một kế hoạch bất thường khác đồng thời với việc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trên Biển Đông. Đó là việc Trung Quốc đã xây dựng các đảo nhân tạo đặc biệt trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam và nhằm biến chúng thành những chiếc tàu sân bay không thể đánh chìm. Tờ báo nhận định “Nhiều khả năng đây là một đòn thử nghiệm để Bắc Kinh gây áp lực tâm lý lên Việt Nam và Philippines”.

Bài báo viết: Trong tháng 5/2014, trên trang web của một trong những thành viên tổ chức Dự án Thượng Hải thuộc Công ty đóng tàu quốc gia Trung Quốc xuất hiện một bản vẽ 3D của một hòn đảo nhân tạo với chú thích, nó sẽ được phát triển trong (cái gọi là) quần đảo Nam Sa (tức Trường Sa của Việt Nam). Theo sơ đồ, trên đảo có các khu vực dân cư và một bến tàu có thể đón các tàu lớn với lượng dãn nước 5.000 tấn, trung tâm dịch vụ hậu cần hàng hải và một sân bay. Đảo nhân tạo này sẽ nằm giữa 3 rạn san hô thuộc đá Chữ Thập.

Trên các diễn đàn quân sự Trung Quốc ngay sau đó đã nổ ra một cuộc tranh luận về việc nước này đang xây dựng một căn cứ quân sự lớn và có trang bị tốt ở quần đảo Trường Sa và gọi đó là "Guam của Trung Quốc". Nhưng ngay sau đó, bản vẽ này đột ngột biến mất khỏi trang web cũng như khi nó xuất hiện.

Theo tờ Lenta, đây có thể là một tấm bản đồ bị rò rỉ hoặc được công bố như một sự thử nghiệm phản ứng dư luận.

Bài báo của Lenta cho rằng khả năng bị rò rỉ có thể loại trừ vì quân đội Trung Quốc bảo mật rất nghiêm ngặt. Cũng rất khó có thể tin được rằng một trong các công ty quốc phòng Trung Quốc đã làm lộ phác thảo vội vàng của mình. Nhưng nhiều khả năng đây là một đòn thử nghiệm để Bắc Kinh gây áp lực tâm lý lên Việt Nam và Philippines, hai quốc gia láng giềng kiên quyết phản đối các hành động bành trướng bá quyền của Bắc Kinh trên Biển Đông.

Các nhà phân tích nước ngoài tin rằng dự án này thực sự tồn tại. Thứ nhất, là do việc mở rộng các đảo đá và san hô bằng cách này hay cách khác có liên quan tới tất cả các khía cạnh của tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông. Thứ hai là Trung Quốc đang dần từ bỏ quan điểm "giấu mình chờ thời". Thứ ba là Trung Quốc đã từ lâu đã chuẩn bị và đầu tư cho kế hoạch này. Trung Quốc đã xây dựng các cảng nước sâu rộng lớn ở Thượng Hải, xây dựng đảo nhân tạo cao cấp Phượng Hoàng ở gần đảo Hải Nam. Đảo này dài 1.250m, rộng 250m và bắt đầu được phong nền trong năm 2008.  Đảo này được cho là nhằm để phục vụ các chương trình giải trí cho người giàu như các câu lạc bộ du thuyền, nhà hàng, trung tâm hội nghị, khách sạn hạng sang, khu dân cư. Nhưng theo Lenta, nó cũng được sử dụng cho mục đích bành trướng lãnh thổ.

"Không nghi ngờ gì rằng đây là động lực chính của dự án đầy tham vọng của Trung Quốc liên quan đến kế hoạch chiến lược để tăng cường hiện diện trong Biển Đông. Việc xây dựng các hòn đảo nhân tạo ở đá Chữ Thập sẽ tạo ra một cơ sở vững chắc lâu dài cho tàu chiến và máy bay của Trung Quốc", Vasily Kashin - một thành viên cao cấp tại Trung tâm Phân tích Chiến lược và Công nghệ của Nga nói với Lenta.

Trung Quốc tìm lợi thế

Nhận định về các động thái gần đây của Trung Quốc, Giáo sư Jerome A. Cohen, Viện Luật pháp Hoa Kỳ - châu Á, ĐH Luật New York cảnh báo rằng Trung Quốc có thể tìm đến Hội đồng Bảo an (HĐBA) để khiến Tòa án trọng tài quốc tế dừng xem xét các vụ kiện đối với nước này.

Giáo sư Cohen nhận định: Nếu ra Tòa án trọng tài quốc tế thì bất kể là là cường quốc, có ảnh hưởng kinh tế, tiềm lực quân sự mạnh đến đâu, vụ việc vẫn chỉ được xem xét trên thực tế "ai đúng, ai sai". Nhưng nếu ra Liên Hợp Quốc (LHQ), đó lại là một quá trình chính trị, nơi Trung Quốc có lợi thế rất lớn khi là 1 trong 5 ủy viên thường trực của HĐBA, có quyền phủ quyết và có rất nhiều cách khác để gây ảnh hưởng lên các thành viên LHQ.

Vì thế, với việc đệ trình ra LHQ, Trung Quốc đang cố truyền đi 2 thông điệp: Một, chúng tôi tin tưởng cộng đồng quốc tế. Hai, chúng tôi muốn viện đến một cơ quan mang tính chính trị là LHQ, chứ không muốn ra một thể chế tài phán quốc tế độc lập.

Rất có thể họ đang có một động cơ đặc biệt: Bằng cách tìm đến HĐBA và được Hội đồng này chấp thuận xem xét các tranh chấp, đó sẽ là lý do để Tòa án trọng tài quốc tế dừng lại và chờ đợi.

Giáo sư Jerome A. Cohen gọi đó là việc Trung Quốc bắt đầu cảm nhận được "áp lực quốc tế". Hãy tưởng tượng áp lực đó sẽ lớn thế nào nếu Việt Nam thực sự khởi kiện Trung Quốc như khả năng mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đặt ra khi phát biểu tại Manila.

Giáo sư Cohen nói: Hiện các lãnh đạo Trung Quốc đang phải làm hài lòng chủ nghĩa dân tộc và nhu cầu phô trương sức mạnh quân sự ở trong nước. Nhưng nếu áp lực quốc tế ngày càng lớn, họ sẽ phải tính toán lại và không loại trừ sẽ thay đổi lập trường.

Cùng trao đổi về điểm này, Giáo sư Erik Franckx, ĐH Tự do Brussels (Bỉ), thành viên Tòa trọng tài thường trực nhận định: Việc Trung Quốc lên tiếng bào chữa rõ ràng cho thấy họ đang bất an. Nhưng việc này là tích cực đối với cộng đồng quốc tế vì giờ đây, chúng ta có thể bắt đầu tranh luận vào chi tiết hơn. Bởi lẽ từ trước đến nay, chúng ta biết rất ít về các lý lẽ của Trung Quốc, luôn phải đoán hoặc giả định.

Theo baodientu.chinhphu.vn

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày