Chủ nhật, 04/08/2024, 21:20[GMT+7]

"Bom hẹn giờ" ở châu Âu

Thứ 6, 09/01/2015 | 19:25:50
986 lượt xem
Châu Âu đang rúng động trước nguy cơ khủng bố sau vụ xả súng kinh hoàng hôm 7/1 vừa qua tại tòa soạn báo Charlie Hebdo ở Pa-ri (Pháp). Tuy nhiên, không riêng tại Pháp, làn sóng khủng bố đang tràn vào nhiều quốc gia châu Âu khác và các phần tử Hồi giáo cực đoan đang "mai danh ẩn tích" tại khu vực này, chẳng khác nào những quả "bom hẹn giờ" đang chờ phát nổ.

Một nạn nhân bị thương trong vụ tấn công tại Pa-ri ngày 7/1 được đưa ra xe cấp cứu.

 

Một thảm kịch đã xảy ra tại nước Pháp sau khi các tay súng vũ trang nã đạn vào văn phòng của tuần báo trào phúng Charlie Hebdo làm 12 người thiệt mạng và bốn người bị thương nặng. Sự kiện này cho thấy "cuộc chiến" giữa các quốc gia phương Tây và lực lượng khủng bố sau một thời gian tạm lắng, nay lại bùng lên dữ dội. Dù bị truy lùng ráo riết và không ít kẻ "cầm đầu" đã bị tiêu diệt, song các phần tử Hồi giáo cực đoan chưa bao giờ thôi ý định "phục thù". Charlie Hebdo là tuần báo trào phúng nổi tiếng hồi tháng 2/2006 khi đăng lại hình biếm họa Nhà tiên tri Mô-ha-mét, vốn xuất hiện trên nhật báo Jyllands-Posten của Ðan Mạch, gây nên sự phẫn nộ trong thế giới Hồi giáo. Văn phòng tờ báo này từng bị đánh bom vào tháng 11/2011 khi tiếp tục đăng hình biếm họa Nhà tiên tri Mô-ha-mét. Tổng biên tập của tờ báo nêu trên từng nhiều lần bị các phần tử khủng bố đe dọa lấy mạng. Trong vụ thảm sát hôm 7/1, cảnh sát và các nhân chứng đã nghe thấy những kẻ tiến công hét vang "chúng tôi trả thù cho nhà tiên tri".

 

Sau vụ việc nêu trên, hệ thống báo động an ninh quốc gia của Pháp đã được đặt ở chế độ "báo động tiến công". Tổng thống Pháp Ph.Ô-lăng-đơ trong bài phát biểu tối 7/1, đã lên án vụ khủng bố và tuyên bố quốc tang ba ngày để tưởng nhớ các nạn nhân. Hơn 100 nghìn người dân Pháp đã xuống đường tuần hành bày tỏ phẫn nộ với hành động khủng bố và giơ cao thẻ nhà báo, bút và các biểu ngữ "Chúng tôi không run sợ". Những người đứng đầu các quốc gia Mỹ, Nga, Anh, Ðức, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cùng nhiều nhà lãnh đạo khác cũng đã lên án hành động khủng bố "hèn hạ" này và bày tỏ "kề vai sát cánh" bên người dân Pháp. Cảnh sát Pháp đã bước đầu tìm ra danh tính những kẻ khủng bố...

 

Tuy nhiên, vấn đề đang đặt ra với nước Pháp nói riêng và châu Âu nói chung là sau hành động "trả thù cho nhà tiên tri", hận thù giữa các phần tử Hồi giáo cực đoan với thế giới phương Tây vẫn chưa thể khép lại. Các vụ khủng bố có nguy cơ tiếp tục nổ ra tại bất cứ nơi đâu ở "lục địa già", giống như những quả "bom hẹn giờ". I-ta-li-a vừa nâng cảnh báo an ninh lên mức cao nhất. Lực lượng hiến binh nước này vừa tiến hành chiến dịch quy mô lớn và đã bắt giữ 14 nghi phạm là các phần tử phát-xít mới đang lên kế hoạch mua vũ khí và tiến công các đồn cảnh sát và trụ sở cơ quan thu hồi nợ Equitalia, nhằm gây hoang mang trong xã hội. Tình hình an ninh tại Thụy Ðiển và Tây Ban Nha cũng bị đẩy lên mức báo động cao, sau khi một quả bom và một bưu kiện lạ được tìm thấy tại nơi công cộng ở hai nước, khiến toàn bộ người dân quanh khu vực nguy hiểm phải sơ tán. Còn tại Ðức, báo Hình ảnh vừa dẫn nguồn tin an ninh nhận định nguy cơ khủng bố cao nhất trong hơn 40 năm qua.

 

Nguyên nhân chủ yếu khiến các quốc gia thuộc Liên hiệp châu Âu (EU) trở thành mục tiêu tiến công của các phần tử khủng bố là bởi thời gian qua, các nước EU tích cực tham gia các liên minh chống Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở I-rắc và tham chiến tại nhiều quốc gia Hồi giáo khác thuộc Trung Ðông, châu Phi. Nhiều công dân các quốc gia EU sau khi tham gia các tổ chức thánh chiến Hồi giáo ở Xy-ri, I-rắc trở về, đã trở thành "ngòi nổ" của các vụ tiến công khủng bố tại châu Âu. Ở Ðức, cơ quan tình báo nội địa nước này cho biết, đã có ít nhất 550 đối tượng Hồi giáo cực đoan từ Ðức tới tham chiến ở Xy-ri và I-rắc, trong đó, khoảng 180 người đã trở lại Ðức. Những đối tượng trở về Ðức đã được huấn luyện sử dụng vũ khí, chất nổ... để "gieo rắc nỗi kinh hoàng" thông qua các vụ tiến công khủng bố.

 

Tình hình và nguy cơ khủng bố nghiêm trọng ở châu Âu cho thấy, xung đột tôn giáo, sắc tộc đang ngày càng trở thành vấn đề an ninh nghiêm trọng của nhân loại trong thế kỷ 21 này. Việc các quốc gia phương Tây đẩy mạnh chiến dịch chống khủng bố hơn mười năm qua dù đạt được một số kết quả, song chưa thể cắt đứt được những "chiếc vòi bạch tuộc" độc ác của các phần tử khủng bố. Không những thế, "hố sâu hận thù" giữa phương Tây và "thế giới Hồi giáo" đang ngày càng lớn, đẩy cả hai bên vào vòng luẩn quẩn của bạo lực - trả thù. Thực tế này đang đòi hỏi hai bên cùng phải thay đổi cách nhìn, cách tiếp cận với đối phương thông qua lắng nghe, thấu hiểu và tôn trọng sự khác biệt. Có như vậy mới hy vọng tháo được "ngòi nổ" của những quả "bom hẹn giờ" khủng bố đang được đặt tại châu Âu và nhiều nơi khác trên thế giới.

 

Theo NDĐT

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày