Thứ 7, 24/05/2025, 08:48[GMT+7]

Lãnh đạo Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc lên kế hoạch thảo luận về vấn đề Triều Tiên

Thứ 3, 29/03/2016 | 16:57:30
645 lượt xem
Nhà Trắng vừa ra thông báo cho biết: Vào ngày 31/3 tới, Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ gặp người đồng cấp Hàn Quốc Park Geun-Hye và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe để thảo luận về một loạt vấn đề nổi cộm, trong đó có chương trình hạt nhân của Triều Tiên.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye sẽ trực tiếp thảo luận về vấn đề hạt nhân Triều Tiên. (Ảnh: NHK)

 

Cuộc gặp gỡ này diễn ra bên lề Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân dự kiến diễn ra từ ngày 31/3-1/4 tới tại thủ đô Washington và được tổ chức trùng với thời điểm ông Obama có cuộc gặp riêng rẽ với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào ngày 31/3 để thảo luận về vấn đề Triều Tiên cũng như các hoạt động gia tăng về quân sự của Bắc Kinh trên Biển Đông.

 

Tuyên bố của Nhà Trắng nêu rõ: “Cuộc gặp này sẽ mở ra cơ hội để các nhà lãnh đạo Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc thảo luận về cách thức phản ứng chung trước các mối đe dọa từ Triều Tiên, đồng thời tăng cường hợp tác ba bên vì an ninh trong khu vực cũng như trên thế giới”.

 

Quan hệ giữa Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã từng có lúc “lạnh nhạt” trong quá khứ. Tuy nhiên, trong vài tháng trở lại đây, quan hệ giữa hai nhà lãnh đạo đã được “xích lại gần nhau hơn” do cùng chia sẻ những mối quan ngại chung về tình hình trên bán đảo Triều Tiên.

 

Trong khi đó, Mỹ lại duy trì một quan hệ ngày càng tốt đẹp với hai nước đồng minh lớn nhất tại châu Á là Nhật Bản và Hàn Quốc trước các mối đe dọa ngày càng gia tăng từ Triều Tiên và chiến lược bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông.

 

Cuộc gặp gỡ ba bên gần đây nhất giữa ba nhà lãnh đạo Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc diễn ra tại Hội nghị thượng đỉnh an ninh hạt nhân ở The Hague (Hà Lan) năm 2014 song không mang lại kết quả nổi bật. Tháng 11/2015, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đã tham gia vào vòng đối thoại cấp cao chính thức đầu tiên kể từ sau khi nhậm chức. Sự kiện được trông đợi này diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa Tokyo và Seoul đang có dấu hiệu cải thiện sau khi hai nước tiến tới thỏa thuận mang tính lịch sử về giải quyết vấn đề phụ nữ Hàn Quốc bị ép làm nô lệ tình dục cho binh sỹ Nhật Bản trong Thế chiến thứ II.

 

Theo nhận định của các chuyên gia về quân sự và quốc phòng, những lo ngại chung về vụ thử hạt nhân lần thứ 4 của Triều Tiên vào tháng 1/2016 đã khiến quan hệ giữa Nhật Bản và Hàn Quốc được tiếp tục tăng cường, đồng thời tạo cơ hội hợp tác “ngày càng rộng mở” trong lĩnh vực quân sự giữa Tokyo và Seoul để đối phó với các mối đe dọa từ Triều Tiên. Đây cũng là điều mà Mỹ đang trông đợi trong bối cảnh Washington đã nhiều lần kêu gọi hai nước đồng minh ở châu Á tăng cường hợp tác, đồng thời bày tỏ rõ ràng rằng “quan hệ quốc phòng ba bên Mỹ - Nhật - Hàn đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì an ninh khu vực”.

 

Ngày 2/3, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết 2270, bao gồm các biện pháp trừng phạt được xem là “cứng rắn nhất từ trước tới nay” nhằm đáp trả vụ thử hạt nhân lần thứ 4 do Triều Tiên thực hiện ngày 6/1/2016 và vụ thử tên lửa tầm xa mang theo vệ tinh lên quỹ đạo do nước này thực hiện ngày 7/2/2016. Về phía Trung Quốc đã tuyên bố ủng hộ bản nghị quyết mới của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc song tiếp tục nhấn mạnh rằng “việc lặp lại các biện pháp trừng phạt sẽ không mang lại câu trả lời mà chỉ có nối lại các vòng đối thoại mới có thể giải quyết được vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên”.

 

Các vòng đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, gồm sự tham gia của Triều Tiên, Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc và Nga bắt đầu được khởi động từ năm 2003 song đã đình trệ từ tháng 12/2008. Tháng 4/2009, Triều Tiên rút khỏi bàn đàm phán để phản đối việc một số nước lên án các vụ thử tên lửa tầm xa của Triêu Tiên. Kể từ thời điểm đó cho tới nay, các bên đã theo đuổi nhiều nỗ lực nhằm tái khởi động vòng đàm phán đa phương này song chưa mang lại kết quả cụ thể. Chính vì thế, vòng đối thoại lần này giữa các nhà lãnh đạo 3 nước tham gia đàm phán sáu bên là Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đang được dư luận kỳ vọng sẽ mang lại “luồng sinh khí mới” giúp tái khởi động các vòng đàm phán sáu bên – vốn được xem là cơ chế hiệu quả để xoa dịu tình hình căng thẳng hiện nay trên bán đảo Triều Tiên.

 

Theo dangcongsan.vn

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày