Thứ 7, 03/08/2024, 07:16[GMT+7]

Cử tri Anh bỏ phiếu đối với Brexit: Lựa chọn lịch sử

Thứ 5, 23/06/2016 | 08:59:57
734 lượt xem
Hôm nay 23/6, người dân Anh sẽ đi bỏ phiếu để đưa ra quyết định lịch sử về số phận thành viên của quốc đảo trong Liên minh Châu Âu (EU) - "ngôi nhà chung" mà xứ Sương mù gắn bó sau hơn 4 thập kỷ.

Thủ tướng Anh D.Cameron thuyết phục cử tri chọn ở lại EU.

 

Trên thực tế, cuộc trưng cầu dân ý là nhằm thực hiện cam kết được Thủ tướng Anh David Cameron đưa ra trong chiến dịch tranh cử năm ngoái. Thời điểm đó, ý tưởng trao quyền quyết định việc đi hay ở lại EU vào tay người dân được ví như một "ván bài" đầy may rủi của "ông chủ" số 10 Phố Downing. Vì, bản thân nhà lãnh đạo đảng Bảo thủ này chưa từng ủng hộ Anh rời khỏi EU (hay còn gọi là Brexit). Nhưng, một cuộc trưng cầu dân ý - được đồng ý lúc tranh cử - sẽ làm hài lòng phe chống EU đang tăng mạnh ngay trong đảng Bảo thủ; đồng thời thu hút một lượng phiếu không nhỏ từ các cử tri muốn rời EU. Các cử tri Anh lúc đó lo ngại rằng nền kinh tế quốc nội sẽ hứng chịu tác động lớn hơn từ cuộc khủng hoảng tài chính ở Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone).

 

Tuy nhiên, nếu Thủ tướng D.Cameron không thể thuyết phục người dân cùng quốc đảo đồng thuận ở lại EU, hậu quả mà người "chèo lái" và cả nước Anh phải gánh chịu sẽ rất khó lường. Theo nghiên cứu từ Liên hiệp Công nghiệp Anh (CBI), lợi ích từ tư cách thành viên EU đóng góp tới 4-5% cho tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước Anh, tương đương 70-90 tỷ bảng. Nếu chọn Brexit, GDP của nước Anh năm 2020 sẽ thiệt hại 6%, mất 106 tỷ bảng Anh. Ngoài ra, đồng bảng Anh cũng sẽ rớt giá từ 14 đến 15% chỉ trong một năm sau đó. Và lớn hơn, vị trí trung tâm tài chính toàn cầu của nước Anh sẽ bị đẩy đến bờ vực thẳm. Tệ hơn, tỷ lệ thất nghiệp ở Anh sẽ chạm mức 6% trong năm 2018 khi có tới 380.000 việc làm bị mất bởi Brexit. Trong bối cảnh kinh tế sa sút, chiếc ghế Thủ tướng của ông D.Cameron vì thế khó có thể yên.

 

Về phía EU, kịch bản Brexit thành sự thật, 6 nước bị ảnh hưởng nặng nhất sẽ là Bỉ, Ireland, Hà Lan, Đức và Pháp do có quan hệ kinh tế chặt chẽ với Anh. Chưa dừng lại ở đó, "ngôi nhà chung" 28 thành viên sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị chia cắt bởi những "thành phần" lợi dụng Brexit để đòi "độc lập". Mới đây, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng cảnh báo, nguy cơ Anh rời khỏi EU sẽ tác động mạnh tới hoạt động kinh tế và tạo ra những phản ứng tiêu cực trên thị trường toàn cầu. Những rào cản đương nhiên từ Brexit ngay lập tức sẽ ảnh hưởng đến các hoạt động thương mại, đầu tư và năng suất lao động không chỉ tại Anh mà còn trên phạm vi toàn châu lục. Điều này có thể dẫn đến hậu quả tiêu cực trong thời gian dài với không chỉ nền kinh tế Anh.

 

Mặc dù suốt một năm qua, Thủ tướng D.Cameron không ngừng kêu gọi người dân ở lại với EU nhưng câu chuyện về cuộc trưng cầu dân ý đã khiến nước Anh chia rẽ sâu sắc. Có tới 60% thanh niên độ tuổi 18-24 - theo tư tưởng hiện đại - ủng hộ Anh ở lại EU, trong khi hơn 55% số người trên 50 tuổi - theo xu hướng bảo thủ - ủng hộ Brexit. Các vùng miền của Vương quốc cũng chứng kiến sự bất đồng quan điểm rõ rệt. Trong khi đa số người dân ở thủ đô London và Scotland ủng hộ Vương quốc ở lại EU thì hầu hết người dân ở các vùng còn lại chọn Brexit. Về thu nhập, phần lớn những người trung lưu trở lên chọn EU, trong khi "người nghèo" và thất nghiệp Anh - do bị canh tranh bởi người nhập cư theo "tiêu chuẩn" của EU - lại chọn Brexit.

 

Trước giờ trưng cầu dân ý diễn ra, kết quả thăm dò dư luận do một số tổ chức có uy tín tại Anh thực hiện cho thấy, chênh lệch giữa 2 phe "có" và "không" với Brexit vẫn ở thế ngang bằng. 45% ủng hộ ở lại EU, trong khi số chọn rời khỏi khối là 44%. Như vậy, quyết định cuối cùng sẽ phụ thuộc vào 11% cử tri còn đang lưỡng lự. Do đó, thật khó để dự đoán Anh và EU sẽ tiếp tục bên nhau trong "cuộc hôn nhân" đầy cam go hay chấp nhận "tan đàn xẻ nghé" ở thời điểm chờ bỏ phiếu. Chắc chắn rằng dù kịch bản nào xảy ra thì cả Anh và EU trong tương lai gần đều phải cùng điều chỉnh chính sách "hội nhập" để tiếp tục quan hệ "đôi bên cùng có lợi". Thế giới đang chứng kiến một "phép thử" tại Cựu lục địa. Các quốc gia hẳn phải cân nhắc kỹ trước khi bước vào một liên minh như một xu thế đang lên trong thế giới hiện đại.

 

Theo hanoimoi.com.vn

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày