Thứ 6, 22/11/2024, 11:35[GMT+7]

Phát huy tinh thần cống hiến của trí thức kiều bào

Thứ 5, 01/02/2024 | 15:42:08
1,284 lượt xem
Lựa chọn công việc giảng dạy và nghiên cứu, Tiến sỹ Nguyễn Đình Uyên trở thành giảng viên Khoa Điện-Điện tử, Trường Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh).

Tiến sỹ Nguyễn Đình Uyên trở thành giảng viên Khoa Điện-Điện tử, Trường Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh).

Sau hơn 27 năm sinh sống và lập nghiệp ở Hoa Kỳ, năm 2008, Tiến sỹ Nguyễn Đình Uyên trở về Việt Nam.

Quyết định từ bỏ một công việc mơ ước ở Hoa Kỳ khiến gia đình và bạn bè đều ngỡ ngàng. Lý do lớn nhất đưa ông trở về nước khi ấy là mong muốn đóng góp, cống hiến nhiều hơn cho quê hương.

Lựa chọn công việc giảng dạy và nghiên cứu, Tiến sỹ Nguyễn Đình Uyên trở thành giảng viên Khoa Điện-Điện tử, Trường Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh).

Ông còn là một chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao và góp sức thực hiện nhiều chương trình khoa học của Thành phố Hồ Chí Minh.

Thúc đẩy ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp

Cùng với cố gắng truyền lửa nghiên cứu khoa học cho sinh viên, với vai trò là một chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, Tiến sỹ Nguyễn Đình Uyên cùng cộng sự đã nghiên cứu và cho ra nhiều giải pháp công nghệ ứng dụng trong nông nghiệp.

Tiến sỹ cho biết, mục tiêu hướng đến trong các nghiên cứu của ông là hỗ trợ người nông dân có thể ứng dụng mạnh mẽ công nghệ trong nuôi trồng, với giá thành thấp nhất.

Với vai trò là cố vấn nghiên cứu tại Công ty Cổ phần giải pháp nông nghiệp 5D, Tiến sỹ Nguyễn Đình Uyên cùng các cộng sự đã nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ mới để tối ưu hóa sản xuất nông nghiệp.

Công ty đã chế tạo được máy trộn phân tự động; thí nghiệm thành công trồng rau ứng dụng công nghệ thông tin; nghiên cứu, triển khai thành công mô hình Container trồng rau với đèn Led…

Từ việc kết nối và hợp tác với Công viên Phần mềm Quang Trung, Tiến sỹ Nguyễn Đình Uyên đã đưa các đề tài, dự án nghiên cứu của sinh viên trong lĩnh vực điện tử - viễn thông từ giảng đường đại học đến môi trường thực nghiệm ứng dụng công nghệ thông tin trong nông nghiệp.

Nông nghiệp là lĩnh vực rất cần thúc đẩy việc ứng dụng các giải pháp công nghệ để tối ưu hóa sản xuất, phát triển các mô hình nông nghiệp hiệu quả. Tiến sỹ Nguyễn Đình Uyên cho biết, ông cùng cộng sự đã nghiên cứu được nhiều giải pháp công nghệ nhưng việc chuyển giao cho người nông dân còn khó khăn.

Một phần nguyên nhân là bởi chi phí còn khá cao. Mặt khác, việc kết nối cung (kết quả nghiên cứu khoa học) với cầu (nhu cầu của người nông dân) chưa tốt nên khó có thể đưa các giải pháp công nghệ ứng dụng vào thực tiễn.

“Thiếu thông tin về nhu cầu của người nông dân dẫn đến việc “vênh” nhau trong nghiên cứu các giải pháp công nghệ và thực tiễn. Nhà nước cần thực hiện vai trò kết nối người nông dân và nhà khoa học.

Hiểu được người nông dân cần gì, nhà khoa học mới có định hướng nghiên cứu phù hợp. Cùng với đó, Nhà nước nên có chương trình hỗ trợ đầu tư công nghệ cho các hợp tác xã hoặc một cộng đồng người nông dân để họ có thể ứng dụng vào sản xuất.

Đặc biệt, đảm bảo đầu ra là yếu tố quan trọng thúc đẩy nông nghiệp công nghệ cao phát triển, giúp người nông dân không phải loay hoay với việc được mùa, mất giá như hiện nay,” Tiến sỹ Nguyễn Đình Uyên đề xuất.

Thu hút trí thức kiều bào với cơ chế phù hợp

Để thu hút trí thức kiều bào về nước đóng góp xây dựng quê hương, theo Tiến sỹ Nguyễn Đình Uyên, trước tiên người làm chính sách phải hiểu được suy nghĩ, định hướng của trí thức kiều bào để có những chính sách tương ứng phù hợp.

Cho rằng ở từng độ tuổi, trí thức kiều bào sẽ có những suy nghĩ, định hướng và mục tiêu khác nhau, Tiến sỹ Nguyễn Đình Uyên đề xuất, chính sách thu hút cần được xây dựng theo độ tuổi, có thể phân theo 3 nhóm: dưới 35 tuổi, từ 35 - 50 tuổi và trên 50 tuổi.

Tiến sỹ Nguyễn Đình Uyên phân tích, tuổi trẻ dưới 35 thường tập trung về vấn đề tài chính. Đãi ngộ không tương xứng, rất khó để thu hút họ trở về. Tuy nhiên, dù tập trung vào vấn đề tài chính, mong muốn được cống hiến cho quê hương của lứa tuổi này là rất lớn.

Mong muốn được cống hiến khiến vấn đề tài chính không còn là động lực chính khiến họ trở về nước, mà đó là lòng yêu nước. Chính sách ở nhóm độ tuổi này cần “đánh” vào lòng yêu nước và tinh thần cống hiến của họ. Tất nhiên, vấn đề thu nhập cần được quan tâm, để khi về nước họ vẫn đủ điều kiện lo cho gia đình.

Sau hơn 40 năm sinh sống và làm việc ở Thụy Sĩ, Mỹ, năm 2009 Giáo sư, Tiến sĩ Võ Văn Tới quyết định trở về Việt Nam công tác với mong muốn đóng góp nhiều hơn cho quê hương; hiện là Trợ lý Ban Giám hiệu về Phát triển Khoa học kỹ thuật công nghệ trong lĩnh vực sức khỏe và sự sống, Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Ông đã đưa mô hình đào tạo Kỹ thuật y Sinh tại trường trở thành mô hình đào tạo kiểu mẫu trong nước, đạt các chuẩn kiểm định chất lượng đào tạo uy tín. (Ảnh: Thu Hoài/TTXVN)

Trí thức kiều bào từ 35-50 tuổi hầu hết đã có gia đình, công việc ổn định, họ tập trung xây dựng sự nghiệp nên rất khó để có quyết định trở về nước. Với độ tuổi này, Tiến sỹ Nguyễn Đình Uyên đề xuất Nhà nước nên có chính sách phát huy nguồn lực đóng góp của họ với nhiều cách khác nhau.

“Ví dụ, chúng ta có thể xây dựng mô hình du lịch và phát triển, để phát huy nguồn lực trí thức kiều bào. Trong khi gia đình về Việt Nam du lịch, tham quan khắp mọi miền đất nước, với vai trò là chuyên gia, các trí thức kiều bào có thể tham gia giảng dạy, nghiên cứu, hội thảo, hội nghị khoa học theo nhu cầu, đặt hàng của các trường học, đơn vị. Để thực hiện được chương trình này, Nhà nước cần có sự hỗ trợ cả về cơ chế và tài chính,” Tiến sỹ Nguyễn Đình Uyên bày tỏ.

Với trí thức kiều bào ở tuổi từ 50 trở lên, Tiến sỹ Nguyễn Đình Uyên cho rằng, đây là đối tượng Nhà nước nên tập trung thu hút bởi có nhiều điểm thuận lợi hơn.

Bên cạnh việc vừa có kinh nghiệm và chuyên môn cao, những trí thức kiều bào từ 50 tuổi trở lên phần lớn đều vững vàng về mặt tài chính, việc kêu gọi họ trở về cống hiến cho quê hương sẽ thuận lợi hơn./.

Theo Vietnam+