Chủ nhật, 24/11/2024, 07:01[GMT+7]

Anh Thuận táo bạo với nghề nuôi trai lấy ngọc

Thứ 7, 27/04/2019 | 09:14:40
5,817 lượt xem
Nuôi trai lấy ngọc không còn quá xa lạ ở Việt Nam, nhưng ở Thái Bình thì đây vẫn là một nghề còn rất mới mẻ bởi nghề này đòi hỏi phải có trình độ kỹ thuật cao, chi phí đầu tư tốn kém. Tuy vậy với niềm đam mê và khao khát làm giàu trên chính quê hương mình, anh Trần Đức Thuận ở thôn Đông Hoàng, xã Đông Hoàng, huyện Tiền Hải đã quyết tâm tìm hiểu và đưa nghề nuôi trai lấy ngọc vào áp dụng ngay tại địa phương, mở ra hướng đi mới mang lại giá trị kinh tế cao.

Công đoạn cấy nhân được anh Thuận thực hiện rất khéo léo và tỉ mỉ.

Sinh ra trên vùng quê ven biển có lợi thế về nuôi trồng thủy hải sản, trong khi đa số người dân chọn cho mình cái nghiệp gắn với biển như nghề nuôi ngao thì chàng trai trẻ Trần Đức Thuận lại có cái nhìn hoàn toàn khác. Anh nhận thấy nghề nuôi ngao tuy có giá trị kinh tế cao nhưng khá bấp bênh vì phụ thuộc nhiều vào thời tiết, khí hậu, đôi khi giá cả cũng không ổn định. Qua tìm hiểu, chàng trai trẻ 8x biết nghề nuôi trai nước ngọt lấy ngọc đang phát triển ở một số địa phương của Việt Nam, nghề này tuy đòi hỏi trình độ kỹ thuật và đầu tư lớn nhưng nếu áp dụng thành công thì sẽ mang lại hiệu quả kinh tế rất cao, lợi nhuận có thể gấp hàng chục lần chi phí bỏ ra. Ngọc trai là đồ trang sức quý giá rất được ưa chuộng, ngọc trai cũng dùng để làm mỹ phẩm và đồ phong thủy. Hiện nay nhu cầu nhập khẩu  ngọc trai từ các thị trường Mỹ, Nhật Bản, Hồng Kông... đang lớn vì sản phẩm này lúc nào cũng khan hàng.

Thường xuyên kiểm tra quá trình phát triển của trai tại ao nuôi.

Sau một thời gian đi học tập, nghiên cứu một người thầy ở tỉnh Ninh Bình về kỹ thuật nuôi trai lấy ngọc, đầu năm 2018 Trần Đức Thuận đã quyết tâm đưa mô hình này vào áp dụng ngay tại địa phương. Thuận tâm sự: Tuy nói là lạ lẫm nhưng nếu chịu khó học tập và nắm vững quy trình thì việc nuôi trai nước ngọt để lấy ngọc không phải là quá khó. Nuôi trai lấy ngọc là kỹ thuật cấy ghép mô tế bào và nhân vào khu vực xoang màng áo ngoài của trai. Để thành công trước tiên phải chuẩn bị ao nuôi, ao nuôi phải bảo đảm mực nước sâu từ 1,5 - 1,8m, rộng rãi, thông thoáng, nếu ao có càng nhiều tảo động vật thì càng tốt bởi đó sẽ là nguồn thức ăn chính của trai. Khi đã có ao nuôi thì phải chuẩn bị bể dưỡng trai và phòng cấy nhân. Bể dưỡng là nơi con trai nhả sạch bùn, dãi trước khi cấy nhân. Khi cấy nhân xong, con trai lại được đưa ra bể dưỡng từ 10 - 15 ngày để lành vết thương, rồi sau đó mới được đưa ra ao nuôi. Trong năm đầu tiên, mỗi con trai sẽ được đưa vào một cái lưới sống lơ lửng ở tầng nước giữa, từ năm thứ hai trở đi con trai mới được đưa xuống tầng bùn để sống tự nhiên. Đây là thời kỳ rất quan trọng vì nó ảnh hưởng đến tốc độ phủ ngọc của con trai. Chàng trai 8x chia sẻ: Bí quyết để nuôi trai lấy ngọc thành công là chú ý quan sát đến các điều kiện ngoại cảnh tác động đến quá trình phát triển của trai nuôi. Cùng với đó là xác định đúng mùa để cấy nhân và thu hoạch. Việc xác định đúng thời điểm để cấy nhân vào trai ảnh hưởng trực tiếp đến tỷ lệ sống của trai.

Tâm sự về những ngày đầu chân ướt chân ráo bước chân vào con đường làm giàu táo bạo này, Trần Đức Thuận cho biết: Thuận lợi có nhưng khó khăn cũng rất nhiều! Nhất là về kinh tế. Nghề này phải đầu tư ban đầu tương đối lớn nên anh đã phải huy động tất cả vốn liếng, tài sản của gia đình, cũng như vay mượn của người thân, bạn bè. Nhiều người thì tỏ ra hoài nghi bởi ai cũng lạ lẫm với nghề này, rồi không biết rủi ro, thành bại ra sao?

Qua hơn một năm triển khai anh đã đầu tư vào đây khoảng hơn 1 tỷ đồng. Đó là tiền để thuê ao nuôi, tiền xây bể dưỡng, nhưng tốn kém nhất là tiền để mua nhân và các trang thiết bị phục vụ cho việc cấy nhân bởi tất cả đều phải nhập khẩu từ nước ngoài. Tốn kém là vậy nhưng Trần Đức Thuận tỏ ra rất tự tin vào thành công mà mô hình mang lại. Anh cho biết: Dự kiến trong hai năm đầu sẽ cấy khoảng 60.000 cá thể trai nước ngọt. Mỗi cá thể sẽ được cấy từ 3 - 4 nhân. Với tỷ lệ cấy sống đạt đến 98% như hiện nay thì anh dự kiến khi thu hoạch sẽ có được 18 vạn viên ngọc. So sánh giá bán trung bình trên thị trường hiện nay thì lợi nhuận thu về gấp hàng chục lần chi phí ban đầu bỏ ra.

Đưa chúng tôi đi xem khu vực ao nuôi rộng mênh mông của mình, chàng trai 8x này còn hăm hở nói về dự định xây dựng khu vực ao nuôi của mình thành khu du lịch sinh thái kết hợp với du lịch trải nghiệm trong nay mai. Đây chính là tâm huyết được anh ấp ủ từ ngay từ khi bắt tay vào nghề này. Rồi mai đây anh sẽ phải đào tạo đội ngũ cấy nhân có trình độ làm việc trong xưởng của mình. Vỏ trai thì có thể dùng làm khảm trai, qua đó thúc đẩy hình thành làng nghề. Thịt trai có thể làm thức ăn chăn nuôi cho gia súc. Với Trần Đức Thuận, nuôi trai lấy ngọc sẽ không chỉ dừng lại với mục đích tạo ra những viên ngọc lấp lánh cho giá trị kinh tế cao mà đây sẽ còn là tiền đề để kéo theo rất nhiều cái khác của vùng quê này phát triển.

Duy Tùng (Hội Nhà báo tỉnh)
(Tác phẩm dự thi viết về đề tài người Thái Bình - đất Thái Bình)