Thứ 2, 01/07/2024, 01:16[GMT+7]

Tiền Hải Hiệu quả dự án phòng ngừa rừng ngập mặn

Thứ 5, 09/09/2010 | 14:49:19
2,771 lượt xem
Với sự vào cuộc tích cực của các cấp hội, sự nhiệt tình, tinh thần trách nhiệm cũng như kinh nghiệm của đội ngũ cán bộ Ban quản lý dự án các cấp, sự hưởng ứng của cán bộ, hội viên CTĐ và quần chúng nhân dân, việc triển khai các hoạt động của dự án gặp nhiều thuận lợi, đạt hiệu quả cao.

Ban quản lý dự án phòng ngừa thảm họa-Hội CTĐ tỉnh kiểm tra diện tích rừng ngập mặn trồng mới tại xã Đông Long, huyện Tiền Hải

Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) Thái Bình được T.Ư Hội CTĐ Việt Nam, Hội CTĐ Nhật Bản đầu tư dự án trồng rừng ngập mặn - phòng ngừa thảm họa.

Với mục tiêu lớn nhất là hỗ trợ các xã ven biển, ven sông có nguy cơ cao trồng rừng ngập mặn và trồng tre chắn sóng bảo vệ đê nhằm giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản của nhân dân do bão lũ gây ra, ngay trong quý I năm 2009 Hội CTĐ Thái Bình đã triển khai các hoạt động của dự án tại 3 xã Vũ Bình, Trà Giang, Quốc Tuấn (huyện Kiến Xương).

Sau khi nhận được kế hoạch, các xã đã nhanh chóng thành lập Ban chỉ đạo dự án, họp triển khai tới toàn dân. Căn cứ các yêu cầu và tiêu chí chọn hộ trồng tre, 3 xã đã bình xét 60 hộ trồng (mỗi xã 20 hộ) đảm bảo đúng tiêu chuẩn. Công tác đo đạc, lên sơ đồ giải thửa trồng tre cho các hộ trồng được tiến hành khá chu đáo. Ban quản lý dự án tỉnh đã tổ chức 3 lớp tập huấn kỹ thuật trồng tre cho 72 người là hộ trồng và Ban chỉ đạo dự án của 3 xã.

 Do làm tốt công tác chuẩn bị nên ngay sau khi nhận cây giống, tranh thủ thời tiết mưa của những ngày cuối xuân, đầu hạ, các hộ đã huy động nhân lực chỉ trong 4 ngày (từ  27 đến 30/4/2009) đã trồng xong 11/11 ha tre điềm trúc với tổng số 5.500 hom tre. Cùng với việc đôn đốc các hộ trồng bổ sung và chăm sóc tốt rừng tre, cuối tháng 6, qua công tác nghiệm thu và đánh giá kết quả trồng tre của Ban quản lý dự án tỉnh và T.Ư cho thấy, chất lượng cây giống tốt, các xã trồng đủ diện tích, kỹ thuật trồng đảm bảo, việc chăm sóc và bảo vệ được tổ chức khá chu đáo nên tỷ lệ cây sống đạt tới 96%, cao nhất so với các năm trước.

Ban quản lý dự án tỉnh đã thanh toán kịp thời, trực tiếp tiền công cho các hộ trồng đồng thời triển khai các công việc phục vụ cho công tác bảo vệ tre tiếp theo (làm 3 biển nội quy tại 3 xã, 165 cột bê tông, dây thép gai bảo vệ trên 1.155 mét đê của 3 xã trồng tre). Công tác bảo vệ tre của dự án được triển khai khá chặt chẽ, có hiệu quả. 3 xã đều thành lập tổ bảo vệ (mỗi xã 3 người), các nhân viên bảo vệ hoạt động tích cực, trách nhiệm, chủ động phối hợp với các hộ trồng tre cùng làm công tác bảo vệ. Vì vậy tre của 3 xã được bảo vệ tốt.
 

Thông qua trồng, chăm sóc và bảo vệ tre phòng hộ tại 3 xã, 81 hộ gia đình tham gia các hoạt động trồng tre, trong đó có 60 hộ trồng tre là người nghèo đã có thêm việc làm, có thêm thu nhập góp phần cải thiện đời sống gia đình (mỗi hộ có thêm trên 500.000 đồng). 9 nhân viên bảo vệ tre có thêm thu nhập gần 200.000 đồng/tháng. Qua việc tham gia tập huấn 487 cán bộ chủ chốt của xã, hội viên CTĐ của 17 xã và 147 giáo viên 24 trường tiểu học được hưởng lợi từ dự án, tuy không được hưởng lợi trực tiếp song cũng đã có thêm kiến thức về phòng ngừa thảm họa, có ý thức bảo vệ tre phòng hộ và chủ động phòng ngừa thảm họa.
 

Liên quan đến công tác bảo vệ rừng ngập mặn, sau khi nhận được công văn của Đại sứ quán Đan Mạch tại Hà Nội đề nghị trả lời về nội dung đơn thư của một số người của huyện Tiền Hải nêu vấn đề rừng ngập mặn do Hội CTĐ Đan Mạch tài trợ trồng tại huyện Tiền Hải bị xâm hại, Hội CTĐ Thái Bình và lãnh đạo T.Ư Hội CTĐ Việt Nam đã đi thực địa kiểm tra, xác minh cụ thể tại 5 xã ven biển huyện Tiền Hải.

Qua xác minh không có hiện tượng xâm hại diện tích rừng do Hội CTĐ trồng bằng nguồn vốn tài trợ của Hội CTĐ Đan Mạch. Hiện tượng xâm hại rừng ngập mặn làm đầm nuôi tôm nêu trong đơn thư của bà con là sự kiện chuyển đổi mục đích sử dụng rừng do chương trình 327 trồng những năm trước đây. Đích thân đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đã trực tiếp làm việc với đoàn cán bộ T.Ư Hội và UBND tỉnh cũng đã có công văn trả lời T.Ư Hội về vấn đề này.
 

Một trong những hoạt động nổi bật của dự án trong  là công tác tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ chủ chốt xã, phường, hội viên CTĐ và giáo viên một số trường tiểu học trên địa bàn tỉnh. Cùng với 17 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho 340 cán bộ chủ chốt và hội viên CTĐ của 17 xã, phường, trong đó có 6 lớp ứng phó nhanh và 11 lớp lập kế hoạch phòng ngừa thảm họa.

Ban quản lý dự án tỉnh đã tổ chức 5 lớp tập huấn phương pháp hướng dẫn học sinh tìm hiểu 8 bài về phòng ngừa thảm họa cho 147 giáo viên chủ nhiệm lớp 4 và lớp 5 của 24 trường tiểu học ở thành phố Thái Bình và các huyện Đông Hưng, Kiến Xương, Vũ Thư và Tiền Hải. Sau đó các lớp này đã tổ chức được 441 buổi ngoại khóa cho 4.450 học sinh giúp các em nâng cao kiến thức về phòng ngừa thảm họa.

Minh Sơn

 

  • Từ khóa