Thứ 5, 04/07/2024, 09:23[GMT+7]

Người Thái Bình trên đất Tây Nguyên (Kỳ 3)

Thứ 2, 27/05/2019 | 08:52:46
4,486 lượt xem
Chúng tôi về Ea Bung (huyện Ea Súp), xã có trên 80% dân số quê gốc Thái Bình, một trong những vựa lúa lớn nhất tỉnh Đắk Lắk.

Cánh đồng lúa mênh mông ở Ea Bung hệt như nông thôn Bắc Bộ.

Kỳ 3: Những “cánh đồng 5 tấn”

Con đường vào trung tâm xã đi qua những làng mạc, cánh đồng lúa mênh mông khiến chúng tôi ngỡ mình đang lạc vào một vùng nông thôn Bắc Bộ. Giữa Tây Nguyên bạt ngàn nắng gió là những cánh đồng “thẳng cánh cò bay”. Đồng lúa Ea Bung đang vào độ chín như một tấm thảm khổng lồ màu xanh ngả vàng ngút ngàn tầm mắt. 

Theo kế hoạch, 6 giờ sáng chúng tôi xuất phát từ trung tâm thị trấn Ea Súp men theo bờ kênh Chính Đông khoảng hơn 10 cây số để đến Ea Bung. Trên đường đi, anh Vũ Hồng Cẩm, cán bộ Phòng Thủy nông Ea Súp (Đắk Lắk), quê xã Trung An (Vũ Thư) giới thiệu cho chúng tôi về hệ thống hồ thủy lợi Ea Súp thượng và Ea Súp hạ và hệ thống kênh mương tưới tiêu phụ trợ - vốn là niềm tự hào của người dân Ea Súp. Anh cho biết: Hồ Ea Súp thượng là công trình thủy lợi lớn thứ hai ở Tây Nguyên (sau hồ Ayun hạ - Gia Lai) có diện tích mặt nước 1.400ha với lượng nước chứa gần 150 triệu m3. Nhờ áp lực nước từ hồ Ea Súp thượng, hai con kênh Chính Đông và Chính Tây có chiều dài 25km và 30km có chức năng dẫn nước đến hồ hạ và các kênh nhánh cung cấp nước tưới, tiêu cho hơn 9.500ha cây trồng, nước sinh hoạt cho gần 20.000 người dân trong huyện. 

Cụ Bùi Văn Khổn, sinh năm 1934, quê gốc xã Minh Quang (Vũ Thư) là một trong những người đầu tiên có mặt tại Ea Bung theo chủ trương di dân xây dựng vùng kinh tế mới của Đảng và Nhà nước từ năm 1986 cho biết: Hồi mới vào, cánh đồng xã Ea Bung bây giờ đồng đất mấp mô, hoang hóa, cỏ mọc um tùm. Khi ấy chưa có máy móc gì, khai hoang chủ yếu bằng sức người. Thời gian đầu, trồng lúa trên vùng đất mới khai hoang này hầu như không có thu hoạch do bị thú rừng phá hoại, mỗi sào lúa năng suất lắm cũng chỉ thu được dăm bao. 

Cụ Khổn cũng không nhớ đã bao nhiêu lần phải mang quần áo trong nhà đến các buôn đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ để đổi lấy khoai, sắn về ăn. Đói ăn còn chịu đựng được nhưng cái sợ nhất của những người đi kinh tế mới ở vùng đất này là sốt rét. Sốt rét đã khiến nhiều người phải bỏ đi nơi khác hoặc quay về quê cũ. Rồi thời kỳ khó khăn cũng trôi qua, đất không phụ công người nên đã được đền đáp xứng đáng bằng những vụ lúa bội thu. Sản xuất lúa ở đây giờ đã được cơ giới hóa từ khâu làm đất, bón phân, rải giống, phun thuốc cho đến thu hoạch nên người dân đỡ vất vả mà năng suất, thu nhập cũng cao lên. 

Người Thái Bình ở Ea Bung mạnh dạn đưa những giống cây trồng mới có hiệu quả kinh tế cao vào canh tác.

Chị Hoàng Thị Hằng, quê gốc xã Tam Quang (Vũ Thư) hiện đang là Chủ tịch Hội Nông dân xã Ea Bung cho biết: Địa phương hiện có gần 1.000 hộ với gần 4.000 nhân khẩu, trong đó người gốc Thái Bình chiếm trên 80%. Các thế hệ người Thái Bình lập nghiệp ở Ea Bung đều cần cù, chịu khó và rất giỏi làm nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất lúa nước. Chỉ tay về phía cánh đồng ngút tầm mắt, chị Hằng chia sẻ: Tiếp nối truyền thống của cha ông đi mở đất, những thế hệ thứ hai, thứ ba của quê hương Thái Bình trên vùng đất này đang tiếp tục tìm hướng đi mới, nâng giá trị cây lúa để đời sống của người trồng lúa được nâng lên. 

Gia đình anh Nguyễn Văn Toàn (sinh năm 1983) và chị Phạm Thị Thinh (sinh năm 1985) quê gốc thôn Trực Nho, xã Minh Quang (Vũ Thư) là một điển hình. Cùng chung gia cảnh khó khăn, vào Tây Nguyên lập nghiệp với hai bàn tay trắng, anh chị thương nhau rồi nên duyên vợ chồng trên mảnh đất Ea Bung. Với bản tính siêng năng, chịu thương chịu khó, ngoài hơn 2ha đất của gia đình, anh chị mạnh dạn vay vốn đầu tư máy gặt, máy làm đất... và thuê thêm 18ha đất để trồng lúa. Mỗi năm sau khi trừ chi phí đầu tư gia đình anh chị thu lãi gần 200 triệu đồng. 

Tranh thủ dẫn chúng tôi ra thăm cánh đồng lúa ngả vàng chỉ tuần tới là cho thu hoạch, chị Thinh chia sẻ: Cách đây hơn 10 năm, sau lần vào thăm người thân ở đây, thấy cuộc sống, điều kiện làm ăn kinh tế trong này nhiều thuận lợi nên tôi quyết định vào đây lập nghiệp. Nghề trồng lúa nước ở Ea Bung có lợi thế là diện tích canh tác lớn, hệ thống thủy lợi tưới, tiêu thuận tiện, hơn nữa việc đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất theo mô hình cánh đồng mẫu lớn nên chi phí đầu tư giảm mà hiệu quả kinh tế cũng được nâng cao. 

Ông Vũ Đức Côn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk cho biết: Năm 1976, cả tỉnh Đắk Lắk thiếu đói trầm trọng. Bát cơm nào cũng độn bắp chèn khoai. Để giải quyết tình trạng thiếu đói, Tỉnh ủy Đắk Lắk cấp tốc bàn giải pháp phát triển nông nghiệp bằng cách cùng lúc mở ra hàng loạt công trường khai hoang, đào kênh thủy lợi tại Ea Súp, Ea Kao, Ea Quang, Ya Wầm... Vùng đầm lầy Ea Bung thuộc huyện Ea Súp và xã Buôn Triết, huyện Lắk hoang vu có thể cải tạo thành vựa lúa lớn nhất Tây Nguyên và Nam Trung Bộ. Để có được những cánh đồng bằng phẳng, rộng lớn và màu mỡ như hôm nay, nhà nước cùng người dân đã đổ rất nhiều tiền của và công sức để cải tạo. Nhưng có lẽ để có những vựa lúa trên đất Tây Nguyên thì công sức to lớn là từ những người con “quê hương 5 tấn”, họ đã tình nguyện vào Tây Nguyên xây dựng vùng kinh tế mới theo chủ trương của Đảng và Nhà nước. Từ vùng quê có truyền thống trồng lúa nước, những người dân Thái Bình đã đem kinh nghiệm sản xuất cộng với sự chịu thương chịu khó, từ bàn tay, khối óc họ đã biến những vùng đất hoang vu thành những cánh đồng trù phú với 3 vụ lúa/ năm. 

Chia tay cụ Khổn, chị Hằng, chị Thinh, anh Cẩm..., chia tay những người đồng hương mộc mạc, chất phác, chúng tôi rời Ea Bung khi mặt trời đã lên quá đỉnh đầu. Tạm biệt những cánh đồng thẳng cánh cò bay với mùi hương lúa mới, mùi rạ rơm dịu ngọt thân quen, chúng tôi thấy lâng lâng tự hào bởi các thế hệ người Thái Bình nơi đây đã gây dựng được cuộc sống ấm no, hạnh phúc, góp phần xây dựng quê hương thứ hai ngày càng giàu mạnh. 

(còn nữa)

Tùng Thơi